Tỷ giá tăng nhưng chưa phải rủi ro lớn

Cả tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch tại các NHTM đều tăng nhẹ trong quý đầu năm. Tuy nhiên, BVSC cho rằng tỷ giá không phải là rủi ro lớn đối với kinh tế Việt Nam năm nay, dự báo sẽ có mức tăng 1-2%.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tỷ giá USD/VND trong quý I có xu hướng tăng nhẹ ở cả tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch tại các NHTM. Cụ thể, so với thời điểm cuối năm 2017, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố vào thời điểm cuối tháng 3 tăng 33 đồng, tương đương khoảng 0,15%. Trong khi đó, tỷ giá giao dịch tại các NHTM có mức tăng mạnh hơn (96 đồng, tương đương 0,42%). Diễn biến tăng của tỷ giá chủ yếu diễn ra trong tháng 3.

Có hai nguyên nhân chính khiến tỷ giá USD/VND có chiều hướng tăng trong quý vừa qua.

Thứ nhất, trong tháng 2, chỉ số USD Index tăng từ mức 88,59 điểm vào ngày 15/02 lên mức 90,61 điểm vào ngày 28/02 (tương đương mức tăng 2,2%). Diễn biến này khiến VND có xu hướng mất giá nhẹ so với USD vào thời điểm đầu tháng 3. Ở một khía cạnh khác, trong quý I, mặc dù dòng vốn nước ngoài liên tục chảy vào Việt Nam khiến nguồn cung USD tăng lên nhưng NHNN đã nhanh chóng mua vào ngoại tệ. Động thái này nhắm đến hai mục tiêu: một là cải thiện dự trữ ngoại hối; hai là giữ cho VND không lên giá quá mạnh so với USD, khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp bất lợi .

Thứ hai, xét các yếu tố chủ quan, cán cân thanh toán của Việt Nam trong quý I vẫn khá tích cực nhờ sự thặng dư của cán cân thương mại (xuất siêu 1,3 tỷ USD) và các dòng vốn FDI (vốn giải ngân đạt 3,88 tỷ USD), kiều hối vẫn chảy vảo thị trường Việt Nam. Diễn biến này đã giúp cho nguồn cung USD khá dồi dào trên thị trường. Tuy nhiên, việc nhanh chóng mua vào ngoại tệ của NHNN đã khiến nguồn cung ngoại tệ còn lại thực tế trên thị trường không phải quá nhiều. Ngoài ra, lạm phát có xu hướng tăng vượt kỳ vọng ngay trong hai tháng đầu năm cũng là nguyên nhân đẩy tâm lý nắm giữ và đầu tư USD ngắn hạn tăng lên.

Rủi ro chưa lớn

BVSC cho rằng do đồng USD về tổng thể vẫn đang trong xu hướng giảm giá nên chưa thấy quá nhiều rủi ro đối với tỷ giá trong năm nay.

Theo các chuyên gia, hai đường tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa (NEER) và tỷ giá hữu hiệu thực (REER) hiện đang ở vùng khá an toàn, hàm ý sức ép giảm giá VND không lớn trong năm nay. So với đồng tiền của một số nước trong khu vực có sự cạnh tranh về hàng xuất khẩu với Việt Nam như Trung Quốc hay Thái Lan thì tiền Đồng đang ở vị thế thuận lợi hơn ở khía cạnh hỗ trợ xuất khẩu (cụ thể, VND giảm giá 3% so với CNY và 3,5% đối với THB trong quý I).

Tỷ giá tăng nhưng chưa phải rủi ro lớn - Ảnh 1.

Nguồn: BVSC, Bloomberg

Trong các quý sắp tới, nếu đồng USD phản ứng tích cực hơn với lộ trình tăng lãi suất của FED thì VND có thể sẽ tăng giá trở lại so với đồng tiền của các nước có cạnh tranh hàng xuất khẩu với Việt Nam. Tuy nhiên, mức tăng này sẽ chưa đủ lớn để tạo nên sức ép buộc NHNN phải điều chỉnh mạnh tay tỷ giá.

Thêm vào đó, trong trường hợp sức ép lớn hơn dự kiến, NHNN cũng có thể sử dụng đến quỹ dự trữ ngoại hối (vốn đã được cải thiện nhiều trong thời gian gần đây) để bình ổn tỷ giá. Dự báo của BVSC cho rằng tỷ giá không phải rủi ro lớn đối với kinh tế Việt Nam trong năm nay, nhiều khả năng tỷ giá USD/VND sẽ có mức tăng 1-2% cho cả năm 2018.

Diệp Trần

Theo Trí thức trẻ

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…