Trường dạy trở thành ‘phụ nữ hoàn hảo’ ở Trung Quốc
Để trở thành người phụ nữ hoàn hảo, các sinh viên tại một ngôi trường ở phía nam Trung Quốc phải học từ cách đứng, ngồi đến cách rót trà.
Sinh viên tập pha trà trong một khóa học dạy trở thành phụ nữ “kỷ nguyên mới” tại Đại học Trấn Giang. Ảnh: Washington Post. |
Tại Đại học Trấn Giang phía nam Trung Quốc, Duan Fengyan đang học để trở thành kế toán. Nhưng bên cạnh đó, cô cũng được học cách để trở thành “một phụ nữ tốt”, theo Washington Post.
Trong một khóa học được triển khai hồi tháng ba, không lâu sau khi Trung Quốc xóa giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch, Đại học Trấn Giang và Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc bắt đầu dạy các nữ sinh những kỹ năng đời thường, từ cách ăn mặc, rót trà cho đến cách ngồi. Tất cả hướng tới lời kêu gọi xây dựng “kỷ nguyên mới” cho đất nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Bạn phải ngồi 2/3 phía trước ghế. Bạn không thể ngồi cả ghế”, Duan, 21 tuổi, vừa nói vừa thực hành để minh họa. “Hóp bụng vào, thả lỏng vai, hai chân khép, vai vươn cao lên”.
Lớp học như trên, chỉ dành cho nữ sinh, hướng tới mục tiêu phát triển những phụ nữ “thông minh”, “ngời sáng” và “hoàn hảo”, nơi sự thông minh đến từ việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa Trung Quốc, vẻ ngời sáng đến từ các lớp học vẽ tranh sơn dầu và nghệ thuật giao tiếp, ứng xử, còn sự hoàn hảo đến từ việc biết làm thế nào để trang điểm hợp lý.
Đại học Trấn Giang mở Trường Phụ nữ Kỷ nguyên Mới như một cách để đáp ứng nguyện vọng từ Chủ tịch Tập Cận Bình về việc giáo dục văn hóa truyền thống Trung Quốc nhằm giúp phụ nữ có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường việc làm, song phải hoàn thành tốt cả vai trò gia đình, Sheng Jie, chủ nhiệm chương trình cho hay. “Vai trò gia đình của phụ nữ ngày càng trở nên quan trọng”, bà nói.
Khoảng cách nam nữ
Trải qua 40 năm Trung Quốc thực hiện cuộc đại cải tổ kinh tế, phụ nữ nước này giờ đây khỏe mạnh hơn, giàu có hơn và được giáo dục tốt hơn nhưng họ vẫn có khoảng cách so với nam giới, cây bút Emily Rauhala từ Washington Post nhận định.
Kể từ thời điểm ông Tập Cận Bình lên nắm quyền tời nay, xếp hạng của Trung Quốc về chỉ số chênh lệch giới tính toàn cầu đã sụt giảm nghiêm trọng, từ 69 xuống 100 trong tổng số 144 quốc gia, tính đến năm 2017.
Giới lãnh đạo Trung Quốc muốn phụ nữ được giáo dục tốt, nhưng mặt khác, họ lại lo ngại rằng khi đó, phụ nữ sẽ có xu hướng không kết hôn và sinh con, kết hợp với tình trạng thừa đàn ông do chính sách một con tạo nên, chúng sẽ gây bất ổn cho quốc gia.
“Phương hướng tương lai là phụ nữ phải đóng vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình”, Leta Hong Fincher, tác giả một cuốn sách về nữ quyền ở Trung Quốc, bình luận.
“Theo văn hóa truyền thống, phụ nữ phải dịu dàng và khiêm tốn còn vai trò của đàn ông là làm việc ở bên ngoài và chu cấp cho gia đình”, Duan nói trước cả lớp trong một buổi uống trà tại Đại học Trấn Giang. “Tôi muốn trở thành hình mẫu cho con mình”.
5 năm nhiệm kỳ đầu tiên, Tập Cận Bình đã xây dựng hình ảnh bản thân là một lãnh đạo đấu tranh cho nữ quyền. Trong bài phát biểu trước một hội nghị thượng đỉnh về phụ nữ tại Liên Hợp Quốc, ông khẳng định bảo đảm bình đẳng cho nữ giới là “mục tiêu lớn”.
Tuy nhiên, đến nay, Chủ tịch Trung Quốc chưa thực sự làm được nhiều cho mục tiêu này, giới chuyên gia đánh giá. Ông chưa tập trung vào việc giải quyết vấn đề chênh lệch thù lao giữa nam và nữ giới, đồng thời chưa thể đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong việc đưa nhiều phụ nữ vào chính quyền, ở những vị trí cấp cao.
Theo bình luận viên Rauhala, Tập Cận Bình chỉ thúc đẩy tầm nhìn về một gia đình “hài hòa”, nơi cha đi làm kiếm tiền còn mẹ chăm lo cho con cái, người già trong nhà, không phải vấn đề bình đẳng giới.
Để trở thành “phụ nữ hoàn hảo” ở Trung Quốc, cúi chào cũng cần đúng cách. Ảnh: Washington Post. |
Chính quyền Trung Quốc cho rằng tư tưởng trên phản ảnh những giá trị của đạo Khổng Tử. Song những tiếng nói chỉ trích phản bác rằng xã hội đang thay đổi, văn hóa cũng thay đổi và Trung Quốc nên hướng về phía trước thay vì nhìn lại phía sau.
“Văn hóa truyền thống của chúng ta đặt ra quá nhiều hạn chế và đàn áp đối với phụ nữ”, Lu Ping, nhà hoạt động vì nữ quyền, quả quyết. “Chúng ta có nên đưa phụ nữ về vai trò truyền thống không?”.
Năm ngoái, các trang mạng Trung Quốc rộ lên tin tức về việc một công ty ở phía bắc nước này triển khai chương trình với tên gọi “trường học văn hóa truyền thống”, nơi phụ nữ được yêu cầu “im lặng và làm việc nhà”, đồng thời phải học cách cúi chào trước chồng.
“Không được phản kháng khi bị đánh. Không được cãi lại khi bị mắng. Và bất kể thế nào cũng không được ly dị”, một nữ giáo viên thuyết giảng trong video lan truyền trên mạng thời điểm đó.
Các quan chức địa phương lúc bấy giờ nói thông điệp mà công ty trên truyền tải vi phạm “những giá trị xã hội cốt lõi” và kêu gọi điều tra. Nhưng theo Feng Yuan, nhà vận động chống bạo lực gia đình ở Bắc Kinh, những quan niệm như vậy thực chất vẫn tồn tại, thậm chí còn phát triển.
“Hiện nay, chúng ta chỉ nhìn thấy vai trò gia đình của phụ nữ được nhấn mạnh”, Feng nói. “Không bao giờ thấy nhắc đến vai trò của đàn ông”.
Lớp đào tạo “phụ nữ hoàn hảo” ở Đại học Trấn Giang là một ví dụ. Lớp học do Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc mở và do phụ nữ giám sát. Học sinh tham gia đều là phụ nữ. Không có những khóa học tương tự dành cho đàn ông.
Cả học sinh và giáo viên đều cho rằng phụ nữ trẻ nên không ngừng nâng cao “chất lượng bản thân” để duy trì khả năng cạnh tranh. Thành công đòi hỏi tinh thần “tự rèn luyện”.
Li Ziyi, 19 tuổi, học ngành giáo dục mầm non, cho hay nhiều năm trước, cô đã được dạy rằng với phụ nữ, điểm số tốt thôi là chưa đủ.
“Khi tôi học trung học, giáo viên bảo chúng tôi rằng kỳ thi đại học là bài kiểm tra công bằng cuối cùng trong cuộc đời các em, bởi chúng không nhìn vào mặt các em”, Li chia sẻ. Theo cô, xã hội Trung Quốc “vẫn đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với phụ nữ”.
Bạn cùng lớp với Li, Wang Caidie, 18 tuổi, học ngành y tá, cho biết các nữ ý tá được khuyên “trang điểm nhẹ” để trông chuyên nghiệp hơn nhưng những nam sinh viên học cùng Wang lại không cần làm vậy.
Dù phiền lòng về tiêu chuẩn kép giữa nam và nữ, các nữ sinh trường Trấn Giang vẫn tin những bài học về cách đi, đứng, rót trà có thể hữu ích với họ.
“Trước khi buổi phỏng vấn bắt đầu, chúng tôi sẽ gây chú ý hơn bằng cách đứng, cách ngồi. Đó là lợi thế của chúng tôi nếu so với những người không được tham gia lớp học này”, Duan nói.
Sheng, chủ nhiệm chương trình, từ chối bàn về nữ quyền. Bà nói mình là một giáo viên, không phải nhà hoạt động vì phụ nữ. Mục tiêu của Sheng là dạy phụ nữ trẻ những thứ họ cần phải biết. Bằng cách này, bà có thể giúp ích cho đất nước.
“Quốc gia đang nhấn mạnh vào văn hóa truyền thống, vậy nên chúng tôi cung cấp các khóa học”, Sheng cho hay. “Đây là kỷ nguyên mới. Lịch sử đang đi theo hướng tốt hơn”, bà khẳng định.
Các sinh viên ngồi theo tư thế chuẩn được dạy. Ảnh: Washington Post. |
Theo : vnexpress.net
[elementor-template id=”16904″]