Trung Nguyên chi 5 tỷ USD để tặng sách, số tiền xấp xỉ tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng?
Cuối tháng 6 vừa qua, Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ công bố sẽ trao tặng 200 triệu cuốn sách với tổng nguồn lực chi phí 5 tỷ USD (tương đương hơn 110.000 tỷ đồng). Kế hoạch tặng sách kéo dài trong 5 năm.
Theo Infonet ngày 30/6, trong 5 năm tới (2018-2023), Tập đoàn Trung Nguyên Legend mong muốn trang bị Tủ sách, Tủ phim này đến 11.085 nhà văn hoá xã; 212 nhà văn hoá quận; 1.642 nhà văn hoá huyện, thị trấn; 1.135 nhà văn hoá phường; thư viện của 713 đơn vị hành chính gồm: 68 thành phố trực thuộc tỉnh, 50 thị xã, 49 quận và 546 huyện; trang bị hơn 20 triệu tủ sách và phim tới hơn 20 triệu hộ gia đình, dòng họ,…; toàn bộ hệ thống Thư viện các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội,… trên mọi miền Tổ Quốc.
Trung Nguyên Legend công bố số lượng sách trao tặng dự kiến đạt tới trên 200 triệu cuốn sách, với nguồn lực chi phí gần 5 tỷ USD.
Xe chở sách của Trung Nguyên.
Nhiều người cho rằng con số 5 tỷ USD là quá lớn, gần bằng số tài sản của người giàu nhất Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng (6,6 tỷ USD, theo Forbes tháng 7/2018).
Chúng tôi đã liên lạc với Trung Nguyên để tìm hiểu thêm thông tin về con số này nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.
Để hiểu thêm về con số 5 tỷ USD, cùng xem xét những gì Trung Nguyên có.
Nguồn lực của Trung Nguyên
Hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên có 3 mảng chính gồm Kinh doanh – chế biến cà phê, bán lẻ và nhượng quyền thương hiệu (franchising).
Mảng kinh doanh – chế biến cà phê của Trung Nguyên bao gồm CTCP Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên Group), CTCP Cà phê Trung Nguyên tại Đăk Lăk và CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên.
Trong đó, Trung Nguyên Group đóng vai trò là công ty trung tâm của cả hệ thống Trung Nguyên, chịu trách nhiệm chính đối với việc sản xuất cũng như phân phối đối với hoạt động kinh doanh.
Theo thống kê của Euromonitor năm 2015, cà phê hòa tan G7 của Trung Nguyên chiếm 5% thị phần 5.500 tỷ đồng tại Việt Nam.
Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê hòa tan, cà phê nhân thì Trung Nguyên còn một mảng kinh doanh lớn khác là nhượng quyền thương hiệu (franchising).
CTCP Trung Nguyên Franchising với vốn điều lệ 100 tỷ đồng và cũng được điều hành bởi ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Trung Nguyên Franchising có vai trò quản lý hoạt động nhượng quyền chuỗi cửa hàng cà phê Trung Nguyên.
Mảng thứ ba, Trung Nguyên đã rất nhiều lần thử sức với lĩnh vực bán lẻ nhưng chưa đạt được kết quả khả quan. Năm 2006, Trung Nguyên ra mắt hệ thống bán lẻ G7 Mart với 500 cửa hàng. Mục tiêu của ông Đặng Lê Nguyên Vũ là gắn thương hiệu G7 Mart lên 10.000 cửa hàng – đưa Trung Nguyên trở thành thế lực lớn nhất trong ngành bán lẻ.
Những khó khăn bủa vây đã khiến G7 Mart gần như “mất tích” khỏi thị trường. Sau khi nhận thấy G7 Mart khó lòng cạnh tranh trên thị trường, vào năm 2010, Trung Nguyên đã hợp tác với Ministop (thành viên cua Aeon- Nhật Bản) thành lập CTCP Thương mại và dịch vụ G7- Ministop với mục tiêu mở 500 cửa hàng trong vòng 5 năm.
Kết cục trong lần hợp tác này là sự thất bại. Ministop đã chấm dứt hợp đồng hợp tác với Trung Nguyên, đồng thời tiến hành bắt tay với Sojitz, nâng mục tiêu lên 800 cửa hàng bán lẻ trong vòng 10 năm tiếp theo.
Nếu 2 USD/cuốn sách thì 200 triệu cuốn cũng chỉ 400 triệu USD, bằng 1/12 con số 5 tỷ USD
Theo thông tin mà Infonet đưa ra, nếu 2 USD/cuốn sách thì 200 triệu cuốn cũng chỉ có giá 400 triệu USD, chưa đến 1/10 của con số 5 tỷ USD. Một chuyên gia trong ngành sách cho rằng, hẳn là Trung Nguyên còn chi những khoản khác như vận chuyển, nhân sự… đi tặng sách. Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định, con số 5 tỷ USD vẫn là quá lớn.
Trước đó, một nhân vật trong ngành sách cho biết thị trường sách của Việt Nam còn khá khiêm tốn, chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng. Nếu so sánh con số 5 tỷ USD (110.000 tỷ đồng) với 3.000 tỷ đồng thì đã gấp 40 lần tổng dung lượng thị trường sách tại Việt Nam.
“Kể cả chương trình tặng sách có kéo dài trong 5 năm thì số tiền 5 tỷ USD vẫn là rất lớn”, một người am hiểu thị trường sách cho chúng tôi hay.
Trí thức trẻ
[elementor-template id=”16904″]