Trong "ngôi nhà" đầy màu mỡ, doanh nghiệp hàng không đang "chung sống" với nhau như thế nào?

Lãnh đạo một hãng máy bay khá năng động cho biết thị trường phát triển thì tất yếu các doanh nghiệp mới nhảy vào, tuy nhiên ngành hàng không thực tế luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, tức các bên cùng phát triển.

Ngành hàng không – Ngôi nhà đang rất màu mỡ!

Trước khi đến với câu chuyện doanh nghiệp hàng không đang hoạt động cũng như cạnh tranh với nhau như thế nào, chúng ta hãy điểm qua về thị trường mà theo nhận định của nhiều chuyên gia rằng đã, đang và sẽ rất phát triển.

Thật vậy, với quy mô dân số trên 93,7 triệu người, kinh tế tăng trưởng ổn định 6,5-7%/năm và tăng trưởng nhanh về thu nhập của người dân nhất là tầng lớp trung lưu, khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 đạt 12,9 triệu lượt, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển bùng nổ, trung bình trên 20%/năm trong 5 năm liên tiếp. Trong đó, thị trường hàng không cho phân khúc quốc tế có tiềm năng tăng trưởng rất lớn bởi lượng khách quốc tế ở Việt Nam đang tăng mạnh với mức tăng 26% trong năm 2016 và có thế đạt 30% trong năm 2017, ghi nhận trong Báo cáo ngành hàng không mới công bố của CTCK Bảo Việt (BVSC).

Trong ngôi nhà đầy màu mỡ, doanh nghiệp hàng không đang chung sống với nhau như thế nào? - Ảnh 1.

Nguồn: BVSC.

Chưa dừng lại, ngành hàng không ở Việt Nam còn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố thuận lợi khác như lãnh thổ trải dài với phần lớn diện tích là địa hình đồi núi, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế; thu nhập bình quân đầu người và tỷ trọng dân số thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng tăng; thời gian vận chuyển bằng đường không thường ngắn hơn nhiều so với các hình thức vận chuyển khác…

Đặc biệt, tỷ lệ người được bay còn khá thấp so với khu vực dự báo sẽ động lực mạnh mẽ hỗ trợ đà tăng trưởng ngày càng vượt bậc của thị trường thời gian tới. Khi mà tính đến nay, tỷ lệ người được bay nước ta chỉ đạt 68%, thấp hơn nhiều so với chỉ số tại các nước lân cận như Thái Lan (83,5%), Malaysia (82,3%), Indonesia (80,5%)…

Trong ngôi nhà đầy màu mỡ, doanh nghiệp hàng không đang chung sống với nhau như thế nào? - Ảnh 2.

Nguồn: BVSC.

Báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng chỉ ra con số lượt khách di chuyển bằng máy bay trên toàn thế giới trong vòng 20 năm tới sẽ đạt 7,2 tỷ lượt, tức là tăng gần gấp 2 lần so với mức 3,8 tỷ lượt trong năm 2016. Trong đó, Việt Nam là một trong 5 thị trường có số lượt khách tăng trưởng nhanh nhất bên cạnh Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Indonesia.

Tựu trung lại, có thể thấy rằng thị trường hàng không Việt Nam đang rất năng động, dư địa tăng trưởng dồi dào cả hai đường bay nội địa và quốc tế, là mảnh đất màu mỡ cho những tay chơi có năng lực – điều này không có gì bàn cãi. Và thực tế những đơn vị kinh doanh hàng không hiện nay đều là những tên tuổi lớn với tiềm lực tài chính vững mạnh, trên thị trường chứng khoán cũng là những mã cổ phiếu đóng vai trò dẫn dắt, điển hình như Vietjet (VJC).

Song, câu hỏi được đặt ra ở đây là, trong một môi trường năng động, mỗi cá nhân đều năng động thì câu chuyện cạnh tranh sẽ mang màu sắc gì? Chưa kể, thị trường vừa đón nhận sự gia nhập mới từ hãng hàng không Bamboo Airways của đại gia Trịnh Văn Quyết, câu hỏi trên càng được dư luận quan tâm!

Các hãng hàng không đều có mối quan hệ làm ăn mật thiết

Trả lời điều này, lãnh đạo một hãng máy bay khá năng động cho biết thị trường phát triển thì tất yếu các doanh nghiệp mới nhảy vào, tuy nhiên ngành hàng không thực tế luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, tức các bên cùng phát triển.

“Chúng tôi đều có mối quan hệ mật thiết với nhau, như thuê máy bay những giờ cao điểm, có hợp đồng mua bán nhiên liệu với đơn vị kinh doanh của hãng bạn, thậm chí những dịch vụ trên mặt đất thì các hãng hàng không cũng hỗ trợ lẫn nhau”, vị này cho biết.

Và trước sự gia nhập của tay chơi mới – ông chủ Tập đoàn FLC, vị này cho biết rất welcome. Bởi, thị trường hàng không thực sự đang bùng nổ, điều này cũng nằm trong chủ trương phát triển của chính quyền, và sự tham gia mới của những công ty có năng lực là điều hiển nhiên. Đó là tín hiệu tốt cho sự phát triển của thị trường nói chung cũng như những cá thể trong ngành nói riêng, “thị trường sẽ nhộn nhịp hơn và các bên sẽ cũng tiến”, người trong cuộc cho biết.

Thống kê đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 7 hãng hàng không được cấp giấy phép, trong đó có 5 hãng hoạt động vận tải hành khách, đó là Vietnam Airlines, VietJet Air, Jestar Pacific, VASCO và Hải âu.

Trong số đó, hiện Vietnam Airlines, VietJet Air và Jestar Pacific là có sức ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của ngành hàng không. Theo kế hoạch, Vietnam Airlines sẽ phát triển đội máy bay của mình lên 116 chiếc đến cuối năm 2018; Jetstar Pacific là 30 chiếc đến năm 2020, riêng VietJet Air dự tăng thêm 200 chiếc cho đội bay của mình đến năm 2023. Và, mặc dù phát triển vượt bậc, người đứng đầu hãng hàng không giá rẻ cho biết vẫn đang làm việc với nhiều đơn vị còn lại như Vietnam Airlines khi hợp tác với đơn vị kinh doanh nhiên liệu hay phục vụ mặt đất của hãng này, hay với Bamboo Airways tương lai sẽ có những giao thương nếu cần thiết.

Đáng chú ý, khi được hỏi về chiến lược phát triển chuyến bay 4-5 sao như Vietnam Airlines tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 mới đây, bà Nguyễn Thị Phương Thảo-CEO Vietjet khẳng định Vietjet luôn là chính mình – tức hãng hàng không giá rẻ, và hiện Công ty đang có con đường riêng không chỉ gói gọn tại thị trường trong nước. Theo đó, nữ tướng này không có ý kiến gì liên quan đến yếu tố cạnh tranh với các hãng khác cùng ngành.

Trong ngôi nhà đầy màu mỡ, doanh nghiệp hàng không đang chung sống với nhau như thế nào? - Ảnh 3.

Bà Thảo phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của Vietjet.

Các bên cùng phát triển, song vẫn còn đó những bài học thất bại

Như vậy, có thể hiểu nôm na mỗi hãng hàng không hiện nay đều có chiến lược riêng, nếu Vietnam Airlines phát triển sang phân khúc cao cấp, thì Vietjet vẫn giữ vững thương hiệu máy bay giá rẻ năng động, tương tự cho Jetstar Pacific, Hải Âu.

Còn về tân binh Bamboo Airways, chiến lược dài hạn của Bamboo là tập trung vào thị trường ngách, kết nối và phát triển kinh tế vùng. Mô hình “hybrid” của hãng này được hiểu sẽ lấp vào khu vực hàng không truyền thống chưa để mắt, trám vào phân khúc mà hàng không giá rẻ chưa quan tâm. Ngoài ra Bamboo còn hướng tới khai thác những chặng bay có các quần thể bất động sản nghỉ dưỡng do FLC phát triển. Theo chia sẻ, phía Bamboo có thể phát hành gói ưu đãi về giá cho khách hàng chơi golf, nghỉ dưỡng tại resort và ngược lại resort sẽ khuyến mại khi chọn di chuyển bằng Bamboo Airways.

Nói là vậy, vẫn còn đó bài học thất bại của Air Mekong và Indochina Airlines, chỉ hoạt động được một vài năm trước khi ngậm ngùi rút khỏi thị trường Việt. Hay Jestar Pacific có khá hơn nhưng cũng phải rất khó khăn để tồn tại được ở thị trường Việt Nam, đến nay vẫn không phải là cái tên được ưa thích trong cộng đồng người tiêu dùng. Ngay cả Viejet cũng mất khá lâu để định hình thương vị như hiện nay. Chỉ bao nhiêu đó có thể thấy rằng, thị trường càng năng động thì dư địa phát triển có, song rủi ro đào thải luôn thường trực. Quan hệ mật thiết đó nhưng muốn tồn tại và tăng trưởng trong “mảnh đất” này lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, chưa kể hiện thị phần cho các cá thể mới không còn nhiều.

Được biết, thị trường hàng không nội địa đang chịu sự chi phối của Vietnam Airlines và VietJet Air với thị phần xấp xỉ 90%, phần còn lại thuộc các hãng hàng không khác như Jestar Pacific, Hải Âu.

Trong ngôi nhà đầy màu mỡ, doanh nghiệp hàng không đang chung sống với nhau như thế nào? - Ảnh 4.

Nguồn: BVSC.

Hiếu Nguyễn

Theo Trí thức trẻ

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…