Tranh cãi quanh tuyên bố lần đầu đưa F-35 vào thực chiến của Israel

Việc tung F-35 vào chiến trường Syria khiến nó dễ bị đối phương thu thập dữ liệu và gặp nguy hiểm khi đối đầu hệ thống phòng không dày đặc.

Israel lần đầu triển khai siêu tiêm kích F-35 trong thực chiến

Israel lần đầu triển khai siêu tiêm kích F-35 trong thực chiến

Trong một cuộc họp hôm 22/5, Tư lệnh không quân Israel Amikam Norkin tuyên bố nước này trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm kích tàng hình F-35 vào thực chiến, khi tham gia hai nhiệm vụ không kích ở Syria. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn tỏ ra nghi ngờ phát biểu này của Norkin.

Theo chuyên gia quân sự David Cenciotti, không quân Israel từng nhiều lần đưa các dòng tiêm kích hiện đại vào thực chiến, phục vụ những sứ mệnh phức tạp và nguy hiểm, có giá trị chiến lược rất cao.

Tuy nhiên, F-35 lại là chuyện khác. Không quân Israel mới chỉ tiếp nhận 9 tiêm kích tàng hình F-35I từ Mỹ, đóng vai trò là lực lượng răn đe chiến lược, sẵn sàng cho kịch bản đối đầu với các chiến đấu cơ hiện đại của đối phương hay tấn công mục tiêu được phòng thủ chặt chẽ.

F-35 bị chê là có tốc độ chậm, khả năng cơ động kém và buộc phải hoạt động ở tầm thấp, khiến nó dễ gặp nguy hiểm. Việc tung F-35I thực chiến ở Syria, đối phó các mục tiêu ít được bảo vệ của Iran là hành động mạo hiểm không cần thiết.

Ngoài các yếu tố kỹ thuật, Israel cũng khó lòng triển khai tiêm kích F-35I vào tham chiến ở Syria do rào cản chiến lược từ Mỹ.

F-35 là một trong hai tiêm kích tàng hình của Mỹ, bên cạnh chiến đấu cơ F-22. Đây là những vũ khí chủ lực của phương Tây để duy trì ưu thế công nghệ trước các đối thủ như Nga và Trung Quốc trong tương lai.

Tiêm kích F-35I bay thử hồi đầu năm 2018. Ảnh: IAF.

Tiêm kích F-35I bay thử hồi đầu năm 2018. Ảnh: IAF.

Trong bối cảnh dòng F-22 đã ngừng sản xuất vô thời hạn, F-35 là tiêm kích thế hệ 5 duy nhất của phương Tây đang được sản xuất. F-35 đóng vai trò tối quan trọng với lợi ích an ninh của Mỹ và đồng minh, đến mức tổng chi phí cho chương trình này đã lên tới 1.600 tỷ USD, trở thành dự án vũ khí đắt nhất lịch sử thế giới.

Mỹ chắc chắn sẽ phản đối mọi hành động có nguy cơ gây tổn hại cho các máy bay F-35 hoặc khiến đối thủ nắm được thông tin tình báo quan trọng về năng lực của loại tiêm kích này.

Washington từng ngậm quả đắng khi tung chiến đấu cơ F-22 vào chiến trường Syria. Phi đội F-22 đồn trú tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từng được triển khai đến không phận Syria để phô trương sức mạnh trước quân đội Nga, cũng như tham gia không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Lãnh đạo không quân Mỹ sau đó thừa nhận việc triển khai F-22 tới Syria, nơi Nga bố trí các hệ thống radar phòng không tối tân, khiến ưu thế của loại tiêm kích này bị đe dọa nghiêm trọng.

“Không phận Iraq và Syria đã trở thành mỏ vàng để các đối thủ như Nga thu thập thông tin tình báo vô giá về tiêm kích thế hệ 5 như khả năng cơ động, lẩn tránh radar và vũ khí trang bị. Điều này sẽ tác động xấu đến hiệu quả tác chiến của tiêm kích chiếm ưu thế trên không như F-22”, tướng không quân Mỹ VeraLinn Jamieson thừa nhận.

Việc bố trí radar cảnh giới và nhiều tổ hợp trinh sát điện tử (ELINT) dày đặc tại Syria giúp Nga kiểm tra giới hạn tàng hình, tính năng kỹ thuật của F-22, nhằm phát triển các biện pháp đối phó hiệu quả hơn. Nga cũng có thể tận dụng các dữ liệu này để phục vụ quá trình phát triển tiêm kích tàng hình Su-57.

Hàng loạt rào cản khiến tuyên bố F-35I thực chiến ngay tại Syria, chỉ vài tháng sau khi Mỹ phàn nàn về thiệt hại chiến thuật và chiến lược của dòng F-22, trở nên khó tin với giới phân tích.

Thiết bị tăng RCS (khoanh đỏ) của F-35I khi bay trên bầu trời Lebanon. Ảnh: IAF.

Thiết bị tăng RCS (khoanh đỏ) của F-35I khi bay trên bầu trời Lebanon. Ảnh: IAF.

Các hệ thống phòng không S-300V và S-400 của Nga tại Syria có thể giám sát mọi động tĩnh trên không phận Israel, Lebanon và Syria. Việc triển khai tiêm kích F-35I chắc chắn sẽ cho phép Nga thu được nhiều thông tin có giá trị về tiêm kích này. Ngoài ra, một số khẩu đội phòng không Iran trong khu vực cũng có cơ hội thử nghiệm biện pháp đối phó tàng hình với F-35I.

Cách duy nhất giúp Israel ngăn đối thủ thu thập thông tin về F-35I là không sử dụng tính năng tàng hình. Đây là lý do khiến chuyên gia Cenciotti nhận định Israel đã lắp thiết bị tăng diện tích phản xạ radar (RCS) cho những chiếc F-35I hoạt động trên không phận Lebanon.

“Việc sử dụng thiết bị tăng RCS cho thấy F-35I có thể làm nhiệm vụ không đòi hỏi khả năng tàng hình. Biện pháp này giúp ngăn đối thủ ghi nhận dữ liệu về tính năng thực sự của những chiếc F-35I”, Cenciotti nhận định. Tuy nhiên, việc không sử dụng lợi thế tàng hình khiến F-35I gặp nguy hiểm khi hoạt động ở khu vực có lưới phòng không dày đặc như Syria.

“Nhiều khả năng phi đội F-35I chỉ được triển khai làm nhiệm vụ trinh sát từ xa, thu thập thông tin và chia sẻ dữ liệu mục tiêu cho các tiêm kích thế hệ 4 như F-15I và F-16I, thay vì trực tiếp tham chiến trên không phận Syria”, chuyên gia Cenciotti đánh giá.

Duy Sơn

Theo : vnexpress.net

[elementor-template id=”16904″]

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…