Trải nghiệm thú vị của Trại hè Việt Nam
Một tuần trôi qua ở Việt Nam là 7 ngày của những kỷ niệm khó quên về tình bạn cùng khám phá bất ngờ về đất nước đối với mỗi thanh niên kiều bào…
Tạm biệt Thủ đô Hà Nội, 120 đại biểu thanh niên kiều bào về từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới đã có những chuyến đi thú vị đến các vùng đất như Phú Thọ, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa thiên Huế, Quảng Nam… Hành trình xuyên Việt của các bạn trẻ vẫn còn khá dài ở phía trước nhưng những nơi đã đi qua mang lại cho họ nhiều ấn tượng đặc biệt về quê hương, nguồn cội mình..
Những ấn tượng lần đầu
Sinh ra và lớn lên tại Ukraine, đây là lần đầu tiên chàng trai trẻ Phạm Gia Long tham dự Trại hè, cũng như có cơ hội được đi thăm các thắng cảnh, các di tích lịch sử của đất nước. Long cảm thấy may mắn vì đã được biết tới chương trình này qua Đại sứ quán Nga và tìm hiểu thông tin qua những người bạn. Vì vậy, Long rất háo hức được trở về Việt Nam để tìm hiểu thêm quê hương mình.
Khi hỏi về địa điểm ấn tượng nhất sau những ngày qua, Long cho biết đó chính là Cố đô Huế. Về với Huế, Long cùng các bạn của mình không chỉ được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp lãng mạn, thơ mộng, được thưởng thức những món ăn mang dấu ấn riêng mà các bạn còn được thăm Đại Nội Huế, chốn cung đình xưa cũ của triều đại nhà Nguyễn, thăm chùa Thiên Mụ… Tại đây, những câu chuyện lịch sử hấp dẫn về các công trình và các vị Vua triều Nguyễn đã giúp các bạn hiểu thêm về lịch sử dân tộc và sự tài hoa của những kiến trúc sư làm nên công trình này.
Các bạn trẻ kiều bào chụp ảnh kỷ niệm tại Động Phong Nha. |
Với Dương Minh Tâm trở về từ Bỉ, các công trình trong quần thể di sản Cố đô Huế tuy không đồ sộ như những lâu đài ở châu Âu nhưng có kiến trúc rất đặc biệt và khác lạ. Qua chuyến thăm quan này, Nguyễn Như Anh trở về từ Czech cho biết đã hiểu hơn về lịch sử Việt Nam, đặc biệt về lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX.
Cũng tại Huế, rất nhiều thanh niên kiều bào lần đầu tiên được nghe ca Huế trên sông Hương – một nét đẹp văn hóa của Cố đô Huế. Tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, họ còn có một hoạt động ý nghĩa là tặng quà 10 gia đình chính sách và 20 em học sinh có thành tích học tập tốt nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn với tổng giá trị món quà là 30 triệu đồng.
Không chỉ khám phá các di tích lịch sử, Trại hè Việt Nam cũng là cơ hội cho những thanh niên kiều bào có dịp được tới tham quan Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) và Động Phong Nha (Quảng Bình). Ở đây, khi ngồi trên những chiếc thuyền nhỏ, các bạn trẻ đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ, được chụp những bức hình bên bạn bè và tự hào hơn về mảnh đất Việt Nam tươi đẹp.
Những khoảng khắc xúc động
Mới chỉ là tuần đầu, nhưng những ngày qua là cả một chuỗi kỷ niệm đáng nhớ với Lê Hải Đăng về từ Ba Lan. Tham dự Trại hè với một lịch trình dày như vậy, chàng trai trẻ vẫn cảm thấy chương trình Trại hè rất thú vị vì hiểu biết thêm rất nhiều thông tin về văn hóa, lịch sử, được học hỏi từ bạn bè khắp nơi trên thế giới cũng như được tìm hiểu về cội nguồn nơi cha mẹ sinh ra.
Trong hành trình vừa qua, điều Đăng và những người bạn của mình thấy xúc động nhất chính là khoảng khắc đứng dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, những chiến sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc tại Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) và Nghĩa trang Trường Sơn. Đặc biệt, qua những thước phim tư liệu sống động và lời giới thiệu truyền cảm của các hướng dẫn viên, họ đã hiểu hơn về tinh thần quả cảm chiến đấu anh dũng của lực lượng vũ trang và quân dân ở những vùng đất này.
Đến Ngã ba Đồng Lộc vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, không ít bạn trẻ đã rưng rưng khi nghe câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của tiểu đội 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55. Cô gái Lê Thủy Tiên về từ Mỹ cho biết đây là lần đầu tiên hiểu được sự khốc liệt của chiến tranh, cũng như rất khâm phục và tự hào về các nữ thanh niên xung phong của Việt Nam.
Đến Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, thắp hương mộ liệt sĩ trải dài trên nhiều quả đồi, các bạn trẻ kiều bào thấy được sự hy sinh lớn lao của thế hệ trước cho nền độc lập, hòa bình của quê hương. Chăm chú lắng nghe giới thiệu về khu di tích và tham quan tìm hiểu về cuộc sống của người dân Vịnh Mốc trong lòng đất thời kỳ chiến tranh, các bạn trẻ say sưa tìm hiểu về cuộc sống người dân ở đây như việc tiếp tế lương thực thực phẩm, nấu nướng, sinh hoạt…
Ấn tượng với Cô đô Huế, nhưng chàng trai Phạm Gia Long cũng rất thú vị khi được trải nghiệm thực tế cuộc sống của người dân trong lòng đất tại Vịnh Mốc. “Đây là một công trình sáng tạo và thể hiện ý chí kiên cường của người Việt mình. Thật ngạc nhiên khi cách đây hơn 50 năm, người dân cả một làng đã sinh sống ở đây. Sau chuyến đi này, em sẽ chia sẻ với bạn bè để có cơ hội hãy ghé thăm nơi đây và hiểu hơn về con người, đất nước Việt Nam”, Long chia sẻ.
HÀ ANH
Theo : baoquocte.vn
[elementor-template id=”16904″]