TP.HCM: Tiếp nhận 101 phản ánh của người dân qua ứng dụng “Y tế trực tuyến”
Suckhoedoisong.vn – Sau hơn 4 tháng triển khai ứng dụng “Y tế trực tuyến” và “Quy trình phản ứng nhanh khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân qua ứng dụng Y tế trực tuyến” của Sở Y tế TP.HCM đã tiếp nhận 101 phản ánh.
Theo thông tin từ Sở Y tế TP. HCM, hơn 4 tháng triển khai ứng dụng “Y tế trực tuyến” và “Quy trình phản ứng nhanh khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân qua ứng dụng Y tế trực tuyến” của Sở Y tế (3/3/2020 – 20/7/2020). Cái được lớn nhất chính là người dân cùng tham gia giám sát và phản ánh và Thanh tra Sở đã chủ động tiếp nhận thông tin và chủ động xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Cái được lớn nhất chính là người dân cùng tham gia giám sát và phản ánh và Thanh tra Sở đã chủ động tiếp nhận thông tin và chủ động xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, sau hơn 4 tháng chính thức triển khai, đã có 101 phản ánh, trong đó nội dung phản ánh thường tập trung vào các vấn đề: quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ, nha khoa; các phòng khám vẫn hoạt động trong giai đoạn tạm dừng do cách ly xã hội (do dịch Covid-19); nhà thuốc, cửa hàng thực phẩm chức năng không phép; giá dịch vụ khám, chữa bệnh; chứng chỉ hành nghề của bác sĩ; giao tiếp ứng xử của nhân viên bệnh viện;… Sở Y tế ghi nhận có khoảng 13% tin nhắn phản ánh được xếp vào nhóm “tin rác” (thông tin chung chung, không có địa chỉ cụ thể). Điều đáng ghi nhận chính là sự phối hợp nhịp nhàng của Thanh tra Sở và các phòng, ban chức năng, phòng y tế quận, huyện và các Sở, Ban ngành có liên quan trên tinh thần khẩn trương, đảm bảo tuân thủ đúng “Quy trình phản ứng nhanh khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân qua ứng dụng Y tế trực tuyến”, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật nếu xác định hành vi cố tình vi phạm quy định của người hành nghề, đảm bảo thời gian xử lý thông tin theo quy định.
Qua buổi sơ kết rút kinh nghiệm, trong thời gian tới Sở Y tế sẽ cập nhật phần mềm “Y tế trực tuyến” bổ sung thêm các tiện ích cho các bộ phận có trách nhiệm xử lý thông tin (phiên bản 1.1), và mở rộng diện cán bộ lãnh đạo quản lý tham gia xử lý thông tin và giải quyết các phản ánh của người dân những vấn đề có liên quan đến cơ sở, nhất là lãnh đạo các bệnh viện công lập và tư nhân, giám đốc các trung tâm y tế quận, huyện.
Sở Y tế trân trọng sự tham gia phản ánh của người dân qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” và kêu gọi người dân hãy giới thiệu cho những người khác tiếp tục cài đặt ứng dụng “Y tế trực tuyến” và tiếp tục phản ánh những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khám, chữa bệnh. Sở Y tế kêu gọi người dân tiếp tục cài đặt ứng dụng “Tra cứu KCB” giúp người dân dễ dàng tra cứu nơi khám bệnh theo triệu chứng, đồng thời qua tra cứu sẽ biết được điểm chất lượng của các phòng khám để chọn lựa, đặc biệt, người dân sẽ nhận được tin nhắn của Sở Y tế thông báo kết quả xử lý các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh vi phạm pháp luật, cũng như những tin nhắn quan trọng có liên quan đến quyền của người bệnh.
Được biết, Từ tháng 3/2020, Sở Y tế đã chính thức ra mắt ứng dụng “Y tế trực tuyến” (cài đặt trên điện thoại thông minh), đây là một công cụ hữu ích giúp người dân dễ dàng phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh đến cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, Sở Y tế đã ban hành “Quy trình phản ứng nhanh khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân qua ứng dụng Y tế trực tuyến”, quy trình phản ứng nhanh này gồm 5 bước tương ứng với việc làm cần thiết của các phòng, ban chức năng có liên quan khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân. Các bước bao gồm:
1: Người dân gửi thông tin phản ánh qua ứng dụng “Y tế trực tuyến”đến Sở Y tế, thông tin phản ánh có thể gửi bất cứ lúc nào, bộ phận tiếp nhận thông tin của Sở Y tế thường trực 24/7.
2: Bộ phận tiếp nhận thông tin (thuộc Thanh tra Sở Y tế) tiến hành phân loại và chuyển thông tin (saukhi nhận được thông tin phản ánh của người dân) đến các phòng chức năng và phòng y tế quận, huyện có liên quan để xử lý thông tin phản ánh.
3: Các phòng chức năng Sở Y tế và Phòng Y tế quận, huyện xử lý thông tin thuộc lĩnh vực được phân công và địa bàn phụ trách, kết quả xử lý sau đó được chuyển đến Thanh tra Sở Y tế (qua ứng dụng “Y tế thông minh”).
4: Thanh tra Sở Y tế, tuỳ tình huống cụ thể có thể phối hợp Phòng Y tế quận, huyện, phối hợp các phòng chức năng của Sở Y tế và các Sở, Ban ngành có liên quan tiến hành xử lý vi phạm hành chính.
5: Công khai kết quả giải quyết thông tin phản ánh để người dân biết. Thanh tra Sở Y tế chịu trách nhiệm công khai tất cả kết quả xử lý vụ việc vi phạm trên trang thông tin điện tử của Thanh tra Sở Y tế, đồng thời gửi tin nhắn kết quả xử lý vi phạm đến người dân đã cài đặt ứng dụng “Tra cứu KCB”.
Ngoài việc quy định rõ trách nhiệm xử lý thông tin của các phòng, ban chức năng trực thuộc Sở Y tế và các phòng y tế quận, huyện theo các bước như trên, còn hai hoạt động thể hiện quyết tâm cải cách hành chính và công khai minh bạch trong công tác thanh, kiểm tra của Sở Y tế, đó là: Quy định thời gian tối đa xử lý thông tin và công khai kết quả giải quyết thông tin phản ánh, gồm 3 mức thời gian: không quá 24 giờ đối với thông tin phản ánh cấp độ 1 (thuộc thẩm quyền của UBND quận, huyện); không quá 48 giờ đối với phản ánh cấp độ 2 (thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở); không quá 72 giờ đối với phản ánh cấp độ 3 (thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở nhưng tính chất vụ việc phức tạp, cần sự phối hợp và hỗ trợ của các Sở, Ban ngành khác và Công an thành phố).
Công khai kết quả thanh, kiểm tra các hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân và tổ chức trong hành nghề khám, chữa bệnh cho người dân biết. Theo đó, bên cạnh việc công khai kết quả xử lý các vi phạm của các cá nhân và tổ chức khám, chữa bệnh trên trang tin điện tử của Thanh tra Sở Y tế (tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế), Sở Y tế còn chủ động gửi tin nhắn đến người dân về kết quả xử lý các vi phạm qua ứng dụng “Tra cứu KCB” (cài đặt trên điện thoại thông minh).
Nguyên Vũ (theo Suckhoedoisong.vn)