TP HCM chuẩn bị khôi phục kinh tế – xã hội
Bí thư Thành uỷ TP HCM yêu cầu trong 3 tháng thành phố chuẩn bị khôi phục sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội dựa trên tiền đề Covid-19 được kiểm soát tốt.
“Đây là lúc chuyển qua giai đoạn mới. Thời gian qua thành phố dồn lực chống dịch, giờ sức bật sẽ tốt cho kinh tế – xã hội”, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nói tại Hội nghị Thành uỷ ngày 16/4.
Sắp tới, các giải pháp cách ly xã hội được tháo gỡ dần, hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại bình thường. Dự kiến ngày 15/5 thành phố sẽ cho học sinh đi học trở lại, một lần nữa ông Nhân đề nghị các sở ngành xây dựng Bộ quy tắc trường học an toàn với Covid-19. Tương tự, các lĩnh vực kinh doanh, giao thông, sản xuất… cũng cần có bộ quy tắc cho mình.
Đề cập kỹ hơn, Bí thư Thành ủy nói phải có “lộ trình mở ra sau những đóng cửa vì cách ly xã hội”. Từ giờ đến tháng 5, thành phố cần ưu tiên những chính sách hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh; đồng thời, có lộ trình tăng dần quy mô phục vụ của các ngành dịch vụ.
UBND TP HCM cũng cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, trong đó có các dự án ở Thủ Thiêm. Trước 30/4, hoặc chậm nhất là đầu tháng 5, cơ quan chức năng phải bàn giao nhà, đất cho người dân trong khu 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch.
Đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh của TP HCM trong thời gian qua, Bí thư Thành uỷ lưu ý đây vẫn là mục tiêu hàng đầu. Thành phố cần tiếp tục thực hiện những giải pháp đã mang lại kết quả, kiểm soát chặt người vào thành phố để xử lý kịp thời những nguy cơ, nhất là tại sân bay, ga xe lửa, các cửa ngõ thành phố…
Dẫn thống kê của ngành y tế, bình quân một người nhiễm nCoV sẽ phải cách ly 280 người từ F1 đến F3, ông Nhân cho đây là giải pháp rất đặc thù của Việt Nam, nhờ vậy đã kiểm soát tốt tình trạng lây lan dịch bệnh. “Cả nước có 268 ca nhiễm trong 83 ngày, tức mỗi ngày có 3,2 trường hợp nhiễm mới – tỷ lệ rất thấp so với thế giới. Tình hình này hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của ngành y tế”, ông Nhân nói.
Báo cáo tại hội nghị, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm cho biết, khi xuất hiện dịch bệnh và tiếp nhận chỉ đạo của Trung ương, thành phố đã chủ động xây dựng các kịch bản ở các cấp độ; lập Ban Chỉ đạo về phòng chống dịch cấp thành phố và tất cả cơ quan, đơn vị.
Thành phố dành 2.753 tỷ đồng hỗ các đối tượng bị ảnh hưởng, trong đó hỗ trợ một triệu đồng mỗi tháng cho 600.000 lao động bị mất việc; công bố 2.610 điểm bán các mặt hàng thiết yếu; cung ứng 7 triệu khẩu trang y tế, 40 triệu khẩu trang vải cho người dân; trang bị 10.000 bộ xét nghiệm có độ nhạy cao để sàng lọc, tầm soát rộng; chuẩn bị 36 khu cách ly tập trung với quy mô 24.000 giường; thiết lập hệ thống 4 cơ sở điều trị chuyên sâu Covid-19 với tổng quy mô 2.300 giường.
Ảnh hưởng của dịch bệnh, trong 3 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách của thành phố ước đạt 88.241 tỷ đồng – đạt 21,7 % dự toán và giảm 8,63% so với cùng kỳ; thu hút được 1,05 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) – giảm 33% so với cùng kỳ; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt hơn 335.600 tỷ đồng – tăng 0,42% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,64%).
Theo Vnexpress.net