TP HCM chấm dứt cho thuê đất tại Công viên 23/9
Các hợp đồng cho thuê không ghi rõ thời gian hoàn trả thì phải di dời trước ngày 30/4/2019, nếu có thời hạn thì chấm dứt, không gia hạn thêm.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) phải chấm dứt, không gia hạn hợp đồng cho thuê đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại Công viên 23/9 (quận 1).
Đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại công viên này nhưng trong hợp đồng không ghi rõ thời gian hoàn trả thì phải di dời trước ngày 30/4/2019.
Một phần Công viên 23/9 nhìn từ trên cao. Ảnh: Duy Trần. |
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các liên quan lên kế hoạch di dời từng công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe… trong công viên này. Sở Quy hoạch – Kiến trúc sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực Công viên 23/9 trước quý 3 năm nay.
Động thái này được đưa ra nhằm lập lại trật tự ở Công viên 23/9 bởi đang có nhiều đơn vị quản lý chồng chéo, thiếu kiểm soát trong xây dựng, khai thác. Nhất là tại khu B với các hoạt động mua sắm, ăn uống, dịch vụ… đã làm thay đổi công năng của công viên và gây ùn ứ giao thông.
Công viên 23/9 có diện tích hơn 9 ha, rộng 90 m và dài hơn 1.100 m, ở trung tâm quận 1, được giới hạn bởi Quảng trường Quách Thị Trang (vòng xoay chợ Bến Thành) và các đường Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Nguyễn Trãi.
Hai năm trước thành phố giao cho một công ty lập quy hoạch tổng mặt bằng và phương án thiết kế kiến trúc công trình nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Hồi năm 2013, chính quyền TP HCM đã có chủ trương xây dựng nhà hát giao hưởng – nhạc – vũ kịch tại công viên này và giao các sở ngành bắt đầu thực hiện. Nhà hát được thiết kế với hai khán phòng có sức chứa 1.700 chỗ, hướng chính nhìn ra phía chợ Bến Thành với diện tích 1,2 ha (hơn 1/10 Công viên 23/9) giới hạn bởi các tuyến đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai và Phạm Ngũ Lão.
Công trình do một Công ty của Đức làm tư vấn thiết kế và dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, kế hoạch này gặp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia và dự án xây dựng nhà hát giao hưởng bị “treo” đến giờ.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM), Công viên 23/9 vốn không phải là một công viên cây xanh đúng nghĩa mà trước đây là ga xe lửa. Sau đó, một dự án của nước ngoài chiếm gần hết diện tích của công viên, nhưng rồi họ rút lui nên thành phố mới cho phép trồng cây xanh để giữ đất.
Theo đồ án quy hoạch chi tiết do Công ty TNHH Xây dựng và kiến trúc miền Nam (ACSA) lập trước đây, Công viên 23/9 từng được quy hoạch có 9 chức năng. Trong đó, các chức năng chính là công viên cây xanh, khu sinh hoạt văn hóa, quảng trường có tượng đài kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến. Còn chức năng phụ là đầu mối giao thông (ga cho xe điện ngầm và trạm điều hành xe buýt), bãi đậu xe (tại các tầng hầm dưới công viên) và trung tâm thương mại – dịch vụ.
Hữu Nguyên
Theo : vnexpress.net
[elementor-template id=”16904″]