Tín hiệu lạ từ lãi suất tiền gửi
Một số ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn là tín hiệu khá bất ngờ so với dự báo trước đó.
Trong biểu lãi suất mới nhất của Ngân hàng (NH) TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) áp dụng từ tháng 4, mức lãi suất tiền gửi các kỳ hạn ngắn tiếp tục giảm so với trước đó và giảm khá mạnh so với hồi đầu năm.
Giảm mạnh ở các kỳ hạn ngắn
Techcombank hiện áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng 4,8%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 4,9%/tháng và kỳ hạn 6-8 tháng là 6%/năm. Từ đầu tháng 4 đến nay, NH này đã 2 lần điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm dần ở một số kỳ hạn ngắn. Mức lãi suất này cũng giảm khá mạnh so với biểu lãi suất hồi tháng 1. Cụ thể, kỳ hạn từ 9-11 tháng đã giảm khá mạnh, từ 0,3%-0,5%/năm và hiện Techcombank chỉ huy động ở mức lãi suất 6,1%/năm.
Tại NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), lãi suất tiền gửi cũng đã có sự điều chỉnh theo hướng giảm. Trong tháng 3, VPBank có tới 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn, với mức giảm từ 0,2%-0,3%/năm so với trước. Hiện mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng tại NH này chỉ còn 4,8%/năm; kỳ hạn từ 3-5 tháng là 4,9%/năm.
Những NH cổ phần khác như SHB, VIB, MB… cũng có sự điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng giảm ở một số kỳ hạn ngắn. Trong xu hướng này, một số NH TMCP nhà nước như NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng hạ lãi suất đầu vào khá mạnh. Chẳng hạn, ở kỳ hạn tiền gửi từ 6-9 tháng, mức lãi suất hiện tại chỉ còn 5,2%-5,3%/năm, giảm tới 0,5%/năm so với cuối năm ngoái.
Động thái giảm lãi suất huy động của một số NH thương mại là khá bất ngờ, bởi hồi cuối năm ngoái, nhiều ý kiến cho rằng sức ép tăng lãi suất trong năm 2018 là không nhỏ.
Lý giải về diễn biến khá bất ngờ này, nhân viên một NH TMCP tại TP HCM cho biết hiện NH đang điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi để giảm chi phí khi huy động vốn dịp sau Tết đến nay khá dồi dào. Sau khi kết thúc một số chương trình khuyến mãi tiền gửi, lượng vốn huy động được khá cao so với mục tiêu, trong khi tín dụng phải tuân theo chỉ tiêu đã được NH Nhà nước duyệt nên NH không thể “bung” mạnh.
Nhiều ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động bằng VNĐ ở kỳ hạn ngắn, có nơi chỉ còn 4,8%/năm.
Ảnh: TẤN THẠNH
Lãi suất kỳ hạn dài vẫn cao
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn tại TP HCM cho biết, NH ông cũng vừa điều chỉnh giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng do thanh khoản khá dồi dào. “Thanh khoản kỳ hạn ngắn khá tốt nhưng các NH luôn cần huy động thêm nguồn vốn trung – dài hạn. Điều này lý giải vì sao lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn giảm nhưng một vài NH lại tăng lãi suất kỳ hạn dài để thu hút nguồn vốn” – vị lãnh đạo NH này nói.
Điều này lý giải mức lãi suất huy động kỳ hạn dài tại một số NH đang ở mức khá cao, như tại NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lãi suất tiết kiệm VNĐ kỳ hạn từ 18-36 tháng lên tới 8,2%/tháng; NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh bằng VNĐ với mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, kỳ hạn 7 năm với mức lãi suất 8,5%/năm. Lãnh đạo NH này cho biết chứng chỉ tiền gửi cũng là một kênh giúp thu hút nguồn tiền dài hạn từ khách hàng.
Chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực cho biết có nhiều lý do để các NH giảm lãi suất huy động, như muốn điều chỉnh cơ cấu kỳ hạn theo yêu cầu của Thông tư 19 sửa đổi Thông tư 36 của NH Nhà nước về tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn xuống còn 45% trong năm nay và từ mức 40% từ đầu năm 2019 và cũng để đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Đồng thời, trong quý I/2018, lượng tín dụng đẩy ra nền kinh tế chưa nhiều nên các NH đã giảm bớt chi phí vốn huy động ngắn hạn, tăng lãi suất huy động vốn dài hạn.
Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong quý I cho thấy vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 3% so với cuối năm ngoái (trong khi cùng kỳ chỉ 2,6%); trong khi tín dụng ước tăng khoảng 3,5% so với cuối năm trước (cùng kỳ tăng tới 4,3%).
Đáng lưu ý, tín dụng trung – dài hạn có dấu hiệu tăng trở lại trong các tháng đầu năm nay khi mức tăng tới 4,3% và tỉ trọng cho vay trung – dài hạn trong tổng dư nợ tín dụng cũng tăng lên 53,2%. Điều này lý giải vì sao nhiều NH phải đẩy lãi suất huy động kỳ hạn dài lên để thu hút vốn.
Dù vậy, TS Cấn Văn Lực cho rằng về lâu dài, xu hướng giảm lãi suất đầu vào rất khó xảy ra, nhất là trong bối cảnh lạm phát năm nay tăng khá rõ. Đồng thời, các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán đã, đang trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư. Lúc này, lãi suất huy động cũng cần ở mức đủ hấp dẫn để thu hút người gửi tiền.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thanh khoản
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đến cuối quý I, lãi suất liên NH đã giảm xuống mức thấp khi lãi suất qua đêm bình quân trên thị trường này chỉ còn 0,83%. Các mức lãi suất kỳ hạn 1 tuần đến 1 tháng cũng giảm mạnh so với cuối năm 2017. Thanh khoản của hệ thống NH ổn định một phần do NH Nhà nước tăng mua ngoại tệ và giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ chậm. Lãnh đạo một NH thương mại cho biết NH Nhà nước đang tiếp tục hỗ trợ thanh khoản khá tốt cho hệ thống NH với kỳ vọng lãi suất trên thị trường tiếp tục giảm. Đồng thời, mức tăng trưởng tín dụng trong quý I chỉ 3,5% là thấp trong khi một số NH bị “vướng” chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nên có động thái giảm lãi suất huy động để giảm chi phí.
Người lao động