Tiền ảo vẫn đầy cạm bẫy

Nhiều đối tượng lợi dụng sự tăng giá của những đồng tiền điện tử đã được quốc tế công nhận như bitcoin, ethereum… để tạo ra các đồng tiền ảo đa cấp nhằm trục lợi.

Tại Việt Nam hiện có hàng chục đồng tiền ảo đa cấp như onecoin, ilcoin, gemcoin, wcicoin, pincoin, western, regalcoin, hextracoin, davorcoin, asamamining… Các đồng tiền này đang được chủ doanh nghiệp (DN) – nhà phát hành tiền ảo – kêu gọi đầu tư bằng chiêu thức lấy tiền của nhà đầu tư sau (mới vào) trả tiền cho nhà đầu tư trước.

Biến hóa tiền thật thành đồng coin

Theo đó, các DN phát hành tiền ảo chào mời người dân dùng tiền thật mua các gói đầu tư do mình đưa ra. Hằng tháng, người chơi tiền ảo nhận được lãi suất 50%. Sau đó, chủ DN hứa hẹn sẽ ICO (phát hành lần đầu) tiền ảo rồi lên sàn quốc tế giao dịch và người sở hữu tiền ảo có thể thu được gấp 10, 20, 30 lợi nhuận. Khoảng một năm tiếp theo, người chơi tiền ảo sẽ thu được 50%-400% lợi nhuận.

Mới đây, thị trường cũng ghi nhận một loại tiền ảo có ký hiệu DAG do DN có trụ sở nằm trên đường Đào Duy Anh, quận Phú Nhuận, TP HCM làm “chủ xị”. Nhà đầu tư có thể tham gia DAG từ 100-25.000 euro, lãi suất lên đến 65%/tháng và sẽ được chủ DN chuyển tiền vào tài khoản mỗi tháng một lần vào thứ hai đầu tháng. Ngoài ra, khi giới thiệu người tham gia DAG, nhà đầu tư sẽ được hưởng hoa hồng 5%-25%.

Ông Trần Trọng Vinh – người chơi tiền ảo khá sành sõi – cho biết các loại tiền ảo do DN Việt Nam phát hành có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng. Sau khi kêu gọi nhà đầu tư góp vốn vào các dự án tiền ảo, chủ DN thường quy đổi số tiền mà nhà đầu tư đã góp thành các đồng coin. “Thế nhưng, nhà đầu tư sở hữu các đồng coin này không biết bán cho ai, không thể quy đổi ra tiền thật và đến một lúc nào đó, chủ DN phát hành tiền ảo sẽ biến mất. Nhà đầu tư sẽ đối mặt với việc “tiền mất tật mang” – ông Vinh khuyến cáo.

Với mức sinh lời đưa ra hấp dẫn, không ít người đã gom hết tiền bạc dồn vào tiền ảo do DN phát hành, hệ quả là họ phải ngậm trái đắng. Vụ tiền ảo iFan mới đây là một ví dụ điển hình.

Tiền ảo vẫn đầy cạm bẫy - Ảnh 1.
Khách hàng tại một máy giao dịch tiền ảo trên đường Bùi Viện, quận 1, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ăn theo bitcoin, ethereum…

Đề cập tiền ảo, một số chuyên gia công nghệ cho hay các đồng tiền như bitcoin, etherium… được sinh ra từ các thuật toán máy tính đồng thời được cộng đồng công nghệ thông tin trên toàn cầu công nhận. Bitcoin, etherium… cũng đang được chấp nhận thanh toán vài loại hàng hóa tại một số quốc gia. Từ đó, các đồng tiền này được nhiều người chọn làm kênh đầu tư tài chính vì có cơ hội sinh lời. Cách đây 4 năm, 1 bitcoin giá vài trăm USD nhưng đến cuối năm 2017, tăng lên gần 20.000 USD (khoảng 400 triệu đồng). Đến đầu năm 2018, giá bitcoin lao xuống 300 triệu đồng, rồi tiếp tục xuống dưới 180 triệu đồng và đến ngày 30-4 lại vọt lên 212 triệu đồng.

Do năm 2017 bitcoin và etherium liên tục tăng giá nên tại Việt Nam, một số DN lợi dụng mức độ biến động giá của 2 đồng tiền này tạo ra các đồng tiền ảo như iFan, pincoin, BNC, TTC… rồi kêu gọi nhà đầu tư tham gia để hưởng lãi suất cao. DN phát hành tiền ảo thiết lập sàn giao dịch, thành lập các chuỗi cửa hàng chấp nhận thanh toán những đồng tiền này nhằm thu hút thêm nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau khi thu hút được nhiều người bỏ tiền thật mua tiền ảo, DN tung chiêu đưa giá trị đồng tiền do mình phát hành xuống mức cực thấp để trục lợi. Chẳng hạn cuối năm 2017, đồng pincoin do Công ty Modern Tech phát hành ban đầu giá 1 USD, nay chỉ còn 0,2 USD/pincoin.

Theo luật sư (LS) Nguyễn Tiến Lập (Văn phòng LS NH Quang & Cộng sự), rủi ro nhất trong việc đầu tư tiền ảo là giá trị đồng tiền lên xuống thất thường do tiền ảo chưa được thừa nhận một cách hợp pháp dẫn đến không có một thước đo tham chiếu (ví dụ như vàng, USD) và không được chính phủ hay ngân hàng trung ương bảo hộ; sự hiểu biết của nhà đầu tư còn hạn chế nên ít nhiều bị lạm dụng khi tiền ảo bị ngụy tạo giá trị.

“Vụ việc tiền ảo iFan gần đây đang được cơ quan chức năng xem xét khởi tố được cho là gây thiệt hại lên đến 15.000 tỉ đồng, là loại hình đầu tư tài chính đa cấp bị cấm (khác với kinh doanh bán hàng đa cấp được pháp luật cho phép). Việc bỏ tiền đầu tư này khiến nhà đầu tư vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm. Do đó, việc khiếu nại trở nên khó khăn” – LS Nguyễn Tiến Lập nhận định.

99% ICO tiền ảo là lừa đảo

Theo LS-TS Bùi Quang Tín (Đoàn LS TP HCM), tiền ảo do DN phát hành là một loại hình huy động vốn để phát hành tiền ảo (ICO). Thống kê trên thị trường quốc tế cho thấy 99% hoạt động ICO là lừa đảo bởi ICO phải đáp ứng được các điều kiện: được tạo ra từ công nghệ và có giá trị thực tế thông qua các ứng dụng hỗ trợ DN trong việc thanh toán, quản trị, phải tạo ra các ứng dụng cho tương lai. Để giải quyết các vấn đề liên quan đến tiền ảo, Bộ Tư pháp dự kiến tháng 8 tới đây sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng pháp luật, hoạt động tiền ảo; đến tháng 12-2018 sẽ xây dựng văn bản về tiền ảo, tiền điện tử và trình Chính phủ xem xét. Theo lộ trình, đến năm 2020, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung các luật liên quan tiền ảo.

Theo Chánh Trung – Thy Thơ

Người lao động

[elementor-template id=”16904″]

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…