Thủy sản: Giải pháp nào hoàn thành mục tiêu 16 tỷ USD?
Năm 2021, ngành thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 8,6 tỷ USD. Chiến lược ngành thủy sản đặt mục tiêu đến năm 2030 giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 – 16 tỷ USD… Đây là những con số đầy thách thức khi ngành hàng này vẫn đang phải đối diện với “thẻ vàng” với hải sản chưa được Ủy ban châu Âu (EC) gỡ bỏ, việc gắn kết vùng nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo.
Xuất khẩu 5 tháng tăng mạnh cả lượng và giá trị
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 806,2 nghìn tấn, trị giá 3,239 tỷ USD, tăng 13,39% về lượng và tăng 12,46% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả trên cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được những khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: cá tra, basa, tôm các loại, chả cá, cá ngừ các loại, bạch tuộc, nghêu… Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu các mặt hàng này đều tăng mạnh hơn so với mức tăng về lượng.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản cao cấp sẽ tăng khi dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tại EU và Hoa Kỳ dần được mở trở lại. Bên cạnh đó, với thói quen tiêu dùng đã hình thành trong hơn 1 năm vừa qua do tác động của đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong gia đình sẽ tiếp tục ổn định ở mức cao.
Trong khi nguồn cung thủy sản của một số nhà cung cấp lớn như Ấn Độ, một số nhà cung cấp ở Đông Nam Á và Nam Mỹ bị tác động bởi dịch Covid-19. Điều này có thể khiến giá một số mặt hàng thủy sản tăng cùng với xu hướng tăng nhu cầu. Đây là cơ hội đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, các chuyên gia cho rằng, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kênh phân phối sản phẩm thủy sản đứt gãy, gián đoạn ở nhiều thị trường xuất khẩu, giá thủy sản giảm, cảnh báo “thẻ vàng” về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của EC đối với hải sản Việt Nam chưa được tháo dỡ tiếp tục tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu thủy sản là những khó khăn mà ngành thủy sản đang phải đối mặt.
Tại hội nghị trực tuyến về giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2021 diễn ra sáng ngày 10/6, ông Bùi Văn Khắng – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh – nhận định, việc thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở chế biến và doanh nghiệp chế biến thủy sản gây khó khăn cho công tác quản lý ổn định, cung cầu nguyên liệu thủy sản của địa phương. Việc phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến thì nguồn nguyên liệu là một vấn đề. Do đó, cần phải có quy hoạch rất đồng bộ, tổng thể để phục vụ cho công tác chế biến và xuất khẩu đặc biệt để sang thị trường Trung Quốc.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo quản thủy sản khai thác còn rất nhiều yếu kém cũng là rào cản đối với ngành hàng này. Tàu nhỏ, khoang cũng nhỏ, thủy hải sản sau khi khai thác chỉ được bảo quản bằng mỗi đá, khiến thất thoát sau thu hoạch lớn, lên tới 14 – 35%, chất lượng không đảm bảo.
Về nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản nhiều ý kiến cho rằng, cần phải nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng hiệu quả chế biến. Phát triển thị trường tiêu thụ đồng thời hình thành một số tập đoàn, khu công nghiệp chế biến thủy sản lớn gắn với nguồn nguyên liệu.
Thách thức mục tiêu xuất khẩu 16 tỷ USD
Năm 2021, ngành thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 8,6 tỷ USD, bằng 102,6% so với năm 2020, trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng hải sản chiếm từ 35-37%. Định hướng chỉ tiêu khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản đến năm 2030 theo Quyết định 339/QĐ-TTg, ngày 11/3/2021 đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 – 4,0%/năm; tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 – 16 tỷ USD.
Thủy sản được xác định là trụ cột tăng trưởng cho ngành nông nghiệp nhưng việc đầu tư còn chưa tương xứng về cơ sở hạ tầng như: cảng cá, tàu bè, quy hoạch nuôi trồng chưa tốt, hệ thống ngành thủy sản mỏng và yếu. Mặc dù, năm qua xuất khẩu được 8,6 tỷ USD, sản phẩm thủy sản đã có mặt trên 195 thị trường nhưng những quốc gia này cũng đang áp dụng các hàng rào kỹ thuật phòng vệ thương mại.
Để đáp ứng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu không cách nào khác phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ về giống, nuôi trồng phòng bệnh và bảo quản sau thu hoạch. Bên cạnh đó cần cơ cấu lại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi và nâng cao giá trị.
Nhấn mạnh đến khai thác hải sản một cách bền vững, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) – nêu rõ, nếu không làm tốt bảo tồn thì sẽ không có nguồn lợi phát triển bền vững, đảm bảo bền vững giá trị gia tăng và phục vụ xuất khẩu. Để đạt mục tiêu Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến 2030 và tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải thực hiện đồng bộ cả 3 trụ cột gồm: khai thác, bảo tồn và nuôi trồng gắn với chế biến. Bên cạnh đó, cần quyết liệt thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các khuyến nghị của EC về IUU nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” đối với hải sản.
Riêng với mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2021, nhiều ý kiến cho rằng, việc nhiều nước đã tiêm phòng vắc xin Covid-19 đã đưa lại kết quả rất tốt với tốc độ tăng trưởng và phục hồi kinh tế nhanh. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam nắm bắt thời cơ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.
Theo Công Thương