Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị các tình huống phức tạp, phát triển máy thở
Bộ Y tế sớm hoàn thành công tác chuẩn bị cho các tình huống phức tạp; đẩy nhanh hơn nữa việc tự chủ sản xuất trang thiết bị phòng hộ. Có chương trình phát triển máy thở ở Việt Nam một cách căn cơ, chặt chẽ, có sự hỗ trợ về cơ chế của Nhà nước.
Đó là yêu cầu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ chiều nay, 3-4, về công tác phòng chống COVID-19.
Thủ tướng đánh giá các cấp, các ngành đã triển khai quyết liệt việc phòng chống dịch, nhất là việc khoanh tìm, xử lý ổ dịch tại quán bar Buddha (TP.HCM) và Công ty Trường Sinh (Hà Nội). Đến nay, có trên 200 ca dương tính nhưng hiện có 85 ca bình phục, chưa có ca tử vong. Nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân được bảo đảm.
Theo đó, đây là giai đoạn cần huy động tổng lực, cần phối hợp nhuần nhuyễn, nghiêm túc, “khóa chặt từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, nhất là các ổ dịch, tìm cho được các trường hợp lây nhiễm”.
Bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người dân như điện, nước, gạo, thực phẩm, rau, thuốc chữa bệnh… là vấn đề đặt ra đối với các cấp, các ngành. Xử lý nghiêm vi phạm, đầu cơ, hàng giả, kém chất lượng, trong đó có việc xử lý hình sự một số cá nhân cố tình vi phạm để răn đe, giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm chỉ thị 16, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Người dân chỉ ra khỏi nhà nếu có việc thực sự cần thiết; luôn đeo khẩu trang, đứng cách nhau tối thiểu 2m…
Bộ Y tế sớm hoàn thành công tác chuẩn bị cho các tình huống phức tạp; đẩy nhanh hơn nữa việc tự chủ sản xuất trang thiết bị phòng hộ. Có chương trình phát triển máy thở ở Việt Nam một cách căn cơ, chặt chẽ, có sự hỗ trợ về cơ chế của Nhà nước. Thủ tướng hoan nghênh các đơn vị có phương án sản xuất máy thở tại Việt Nam.
“Xã hội chậm lại nhưng những người làm công tác phòng chống dịch, các lực lượng, chính quyền các cấp, đặc biệt là ngành y tế phải tăng tốc hơn, tiếp tục quyết liệt hơn nữa, khẩn trương hơn nữa”, Thủ tướng nói, yêu cầu Bộ Y tế đẩy nhanh tốc độ tập huấn, chăm sóc, điều trị; chuẩn bị kỹ lưỡng phương án bệnh viện dã chiến.
Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu này, các cấp, các ngành cần thay đổi trong tư duy, phương pháp làm việc hơn nữa. Đây là nguy cơ nhưng cũng là thời cơ cho phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin, hiện có chuyển biến rõ rệt ở nước ta, đặc biệt đẩy mạnh kinh tế số, thương mại điện tử. Đây cũng là dịp cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa.
Theo Tuổi Trẻ Online