Thứ trưởng Tài chính: Nhiều thủ tục trên ‘cơ chế một cửa’ còn nửa vời
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy.
Tại buổi họp báo chuyên đề về cơ chế một cửa quốc gia vừa diễn ra, ông Nguyễn Công Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết hiện, đã có 11 bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,26 triệu hồ sơ của 22.000 doanh nghiệp được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc.
Về cơ chế một cửa ASEAN, từ đầu năm 2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.
Ngành hải quan đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia. Ảnh: Tổng cục hải quan |
Cơ chế một cửa ASEAN được triển khai chính thức từ tháng 11/2014. Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cho biết dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ triển khai thêm 143 thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số lên 196 thủ tục, đạt 78% trên tổng cộng 251 thủ tục sẽ được triển khai đến năm 2020.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào các con số trên, có thể thấy, việc các bộ, ngành triển khai thực hiện các thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia chưa phải là cao (53) trong khi mục tiêu đến cuối năm là khá lớn (143). Bà Mai cũng nhấn mạnh Thủ tướng đã có chỉ đạo rõ ràng, nếu bộ, ngành nào làm chậm, thì người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Chính phủ.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất. Khi thực hiện một số thủ tục vẫn ở tình trạng nửa vời, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy.
Thậm chí, theo Thứ trưởng trong khi thực hiện, còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan, mức độ tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, hài hòa hóa quy trình thủ tục còn thấp. Ngoài ra, bà Mai cho rằng năng lực chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý trong thực hiện thủ tục hành chính còn yếu….
Bộ Tài chính cũng đặt mục tiêu đến 2020, 100% các thủ tục hành chính thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử. Các chứng từ điện tử (giấy phép điện tử, giấy chứng nhận điện tử và các giấy tờ điện tử tương đương) được cấp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia được sử dụng khi thực hiện các thủ tục hành chính khác có liên quan…
Theo bà Mai, các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển của Việt Nam như Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã có những ghi nhận đáng kể đối với những cải cách của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời bày tỏ mong muốn thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật dành cho các cơ quan Chính phủ để đẩy nhanh tiến trình cải cách, phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp.
Trước đó, báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh cho biết, năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu đã giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ). Chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho một lô hàng giảm 19 USD.
Nguyễn Hà
Theo : vnexpress.net
[elementor-template id=”16904″]