Thêm 15 cổ phiếu rơi vào diện bị cảnh báo, kiểm soát, thậm chí bị hủy niêm yết
Danh sách chứng khoán bị rơi vào diện bị cảnh báo, kiểm soát, thậm chí hủy niêm yết còn tiếp tục kéo dài.
Trước đó, cả 2 sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và hà Nội đã quyết định đưa nhiều cổ phiếu vào diện bị cảnh báo, kiểm soát… Danh sách những mã cổ phiếu lọt vào diện này đang được kéo dài ra.
Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh vừa quyết định chuyển cổ phiếu VOS của CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) từ diện kiểm soát sang diện bị cảnh báo từ 6/4/2018.
Nguyên nhân, do LNST công ty mẹ năm 2017 là 10,73 tỷ đồng và LNST chưa phân phối đến 31/12/2017 trên BCTC hợp nhất năm 2017 đã kiểm toán là là -791 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán được chuyển từ diện bị kiểm soát sang diện bị cảnh báo.
Trước đó cổ phiếu VOS bị đưa vào diện bị kiểm soát từ ngày 7/4/2016 do LNST chưa phân phối đến cuối năm 2014 và LNST của cổ đông công ty mẹ năm 2015 là số âm. Đồng thời VOS cũng bị tạm ngừng giao dịch cho đến ngày công ty có giải trình. Từ 7/4/2016 đến nay cổ phiếu VOS luôn bị duy trì tình trạng bị hạn chế giao dịch.
Quý 4/2017 Vosco bất ngờ báo lãi sau thuế gần 242 tỷ đồng (trong đó có khoản lãi từ hoạt động khác 269 tỷ đồng) đã giúp công ty xóa lỗ lũy kế trong 3 quý đầu năm, ghi nhận lãi sau thuế cả năm dương hơn 10,7 tỷ đồng.
Cổ phiếu TIE của CTCP TIE cũng bị đưa vào diện bị cảnh báo từ 11/4/2018 do LNST của công ty mẹ năm 2017 là số âm (-19,5 tỷ đồng), và LNST chưa phân phối tính đến 31/12/2017 cũng là số âm (-10,57 tỷ đồng).
Cổ phiếu SGT của CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (Saigontel) bị giữ nguyên diện bị cảnh báo do LNST của cổ đông công ty mẹ năm 2017 là 111,2 tỷ đồng và LNST chưa phân phối tại ngày 31/12/2017 là số âm -117,2 tỷ đồng.
Saigontel vừa công bố BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2017 trong đó lợi nhuận sau thuế bị điều chỉnh giảm 35,45 tỷ đồng, từ mức 146 tỷ đồng theo BCTC công ty tự lập xuống hơn 111,2 tỷ đồng. Nguyên nhân có sự điều chỉnh giảm này được công ty giải trình do “lỗi kỹ thuật phần mềm” kế toán khi thực hiện cấn trừ hàng tồn kho và do điều chỉnh hoàn nhập chi phí dự phòng…
HoSE cũng quyết định tiếp tục giữ nguyên diện bị kiểm soát đối với cổ phiếu RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia do LNST năm 2017 và LNST chưa phân phối tại ngày 31/12/2017 đều là số âm.
Cổ phiếu RIC bị đưa vào diện bị kiểm soát từ 11/4/2017 do LNST chưa phân phối tại ngày 31/12/2015, LNST năm 2016 và LNST chưa phân phối tại ngày 31/12/2016 đều là số âm căn cứ trên BCTC hợp nhất năm 2016 đã kiểm toán. Cổ phiếu RIC chỉ được giao dịch vào buổi chiều của ngày giao dịch. Từ đó đến nay cổ phiếu RIC vẫn luôn trong tình trạng duy trì diện bị kiểm soát.
Cổ phiếu SCD của CTCP Nước giải khát Chương Dương bị đưa vào diện chứng khoán bị cảnh báo từ ngày 10/4/2018 do LNST năm 2017 là số âm (-3,03 tỷ đồng) và LNST chưa phân phối đến ngày 31/12/2017 cũng là số âm (-3,03 tỷ đồng), thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện bị cảnh báo.
Trên thị trường, giá cổ phiếu SCD cũng đang giảm mạnh đến 40% từ đầu năm 2018 đến nay, từ vùng giá 39.850 đồng/cổ phiếu xuống mức 23.800 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
Cổ phiếu HAS của CTCP Hasico bị giữ nguyên diện bị cảnh báo do vấn đề bị ngoại trừ trên BCTC kiểm toán tồn tại đã lâu và công ty chưa khắc phục được. Dù rằng trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2017 của công ty LNST của cổ đông công ty mẹ và LNST chưa phân phối tại ngày 31/12/2017 đã đều là số dương nhưng vẫn còn ý kiến ngoại trừ của kiểm toán liên quan đến các khoản công nợ phải thu 24,9 tỷ đồng và công nợ phải trả 13,6 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2017 chưa có đối chiếu.
Trước đó cổ phiếu HAS bị đưa vào diện bị cảnh báo từ 22/4/2013 do theo BCTC năm 2012 công ty kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ có ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh, làm lợi nhuận sau thuế chuyển từ lãi sang lỗ.
Trong 5 năm vừa qua cổ phiếu HAS vẫn luôn bị duy trì trong tình trạng bị cảnh báo.
Cổ phiếu IFC của CTCP Đầu tư Thương mại Thủy sản bị đưa vào diện bị kiểm soát từ 10/4/2018 do LNST năm 2017 và LNST năm 2016 của công ty đều là số âm căn cứ trên BCTC năm 2016, 2017 đã kiểm toán của công ty.
Cổ phiếu IFC sẽ bị hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch vào buổi chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Cổ phiếu DCS của CTCP Tập đoàn Đại Châu bị đưa vào diện bị cảnh báo từ 6/4/2018 do LNST năm 2017 trên BCTC kiểm toán là số âm, thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện bị cảnh báo.
Cổ phiếu SSM của CTCP Chế tạo kết cấu théo Veco.SSM bị đưa vào diện bị cảnh báo từ 9/4/2018 do LNST năm 2017 và LNST chưa phân phối tại ngày 31/12/2017 trên BCTC kiểm toán của công ty là số âm.
Cổ phiếu VKP của CTCP Bao bì Dầu thực vật bị đưa vào diện bị cảnh báo từ 10/4/2018 do LNST năm 2017 và LNST chưa phân phối đến ngày 31/12/2017 đều là số âm, thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện bị cảnh báo.
Cổ phiếu PPE của CTCP Tư vấn điện lực Dầu khí Việt Nam bị đưa vào diện bị kiểm soát từ 5/4/2018 do LNST năm 2016 và năm 2017 đều là số âm. Cổ phiếu PPE chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.
Cổ phiếu RHN của CTCP Đường sắt Hà Ninh bị đưa vào diện bị hạn chế giao dịch từ 4/4/2018 do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến trên BCTC năm 2017 của công ty.
Cơ sở từ chối đưa ra ý kiến trên BCTC kiểm toán là do ngày 14/9/2017 cơ quan cảnh sát Công an tỉnh Nam Định đã thụ lý điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công ty, và ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với nguyên kế toán trưởng công ty, ông Ngô Trường Giang. Thiệt hại của công ty liên quan đến vụ án này được công ty trình bày tại tại mục “phải thu ngắn hạn khác” và các khoản thiệt hại này có thể còn được thay đổi sau khi có phán quyết, và công ty chưa lập báo cáo thiệt hại ước tính liên quan đến vụ việc trên…
Đồng thời kiểm toán cũng nêu vấn đề với khoản “vay và nợ thuê tài chính” trong đó có chênh lệch giữa số liệu do ngân hàng thông báo và số liệu do công ty trình bày….
Cổ phiếu VES của CTCP Đầu tư và Xây dựng điện Mê Ca Vneco bị đưa vào diện bị hạn chế giao dịch từ 3/4/2018 do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến trên BCTC năm 2017 của công ty.
Cơ sở từ chối cho ý kiến của kiểm toán liên quan đến một số khoản nợ phải thu, nợ phải trả chưa được đối chiếu xác nhận. Bên cạnh đó, trên BCTC năm 2016 kiểm toán viên tiền nhiệm đã đưa ra ý kiến kiểm toán về việc không được cung cấp 1 số tài liệu để ghi nhận 1 khoản nợ phải trả đối với Vneco trong khi việc ghi nhận đó đã được hạch toán vào BCTC năm 2016…
Cổ phiếu YRC của CTCP Đường sắt Yên Lào cũng bị đưa vào diện bị hạn chế giao dịch từ 3/4/2018 do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến trên BCTC năm 2017 của công ty.
Cơ sở của việc từ chối cho ý kiến của kiểm toán liên quan đế việc kiểm toán không thu thập đủ bằng chứng liên quan đến chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, liên quan đến khoản công nợ phải thu, liên quan đên mục “trả trước cho người bán”…
Còn cổ phiếu L44 của CTCP Lilama 45.4 đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên HNX. Nguyên nhân do trên BCTC kiểm toán năm 2017 của công ty thể hiện tổng số lỗ lũy kế đã vượt vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2017. Như vậy L44 thuộc trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết theo quy định.
Hiện Sở GDCK Hà Nội đang đề nghị CTCP Lilama 45.4 giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục tình trạng bị hủy niêm yết theo quy định.
Các doanh nghiệp hiện chưa công bố hết báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, do vậy danh sách những chứng khoán bị rơi vào diện bị cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch, thậm chí hủy niêm yết chắc chắn sẽ còn kéo dài.
Theo Trí thức trẻ