‘Thế hệ mất mát’ ở châu Á

Cơ hội việc làm giảm sút, các kế hoạch riêng bị cản trở, giới trẻ châu Á đang đứng trước nguy cơ trở thành một “thế hệ mất mát” do những hậu quả của đại dịch.

Cách đây hai năm, anh thợ may Vikas Kumar, 25 tuổi, ở bang Bihar, miền đông Ấn Độ, đã xây dựng những kế hoạch đầy tham vọng. Sau bảy năm làm thuê cho một công ty dệt ở Mumbai với mức lương 25.000 rupee (khoảng 8 triệu đồng), anh định về quê, mở một tiệm may nhỏ để tự kinh doanh. Anh cũng muốn cải cạo căn nhà xây bằng đất và rơm – nơi bố mẹ, vợ và hai con anh đang sống – thành nhà xây và mái ngói.

Nhưng đại dịch Covid-19 làm đổ vỡ tất cả.

Giới trẻ châu Á đang đứng trước nguy cơ trở thành một “thế hệ mất mát” do những hậu quả của đại dịch. Đồ họa: Strait Times.

Tháng 5/2020 khi chính phủ Ấn Độ ra lệnh phong tỏa, anh không thể đi làm và buộc phải về nhà. Để trang trải trong giai đoạn khó khăn, anh đã tiêu hết khoản tiền 100.000 rupee (khoảng 30 triệu đồng) tích cóp được nên không còn đồng nào cho kế hoạch sửa nhà.

Do việc làm ở công ty chưa được khôi phục nhiều nên Kumar chưa quay trở lại Mumbai. Hiện Kumar đang ở thế tiến thoái lưỡng nan do gia đình anh không có đất để làm nông nghiệp. “Như vậy tôi đã bỏ phí cả một năm qua”, Kumar chia sẻ và cho biết sẽ hoãn kế hoạch kinh doanh của mình đến năm 2022.

Câu chuyện khởi nghiệp của Kumar là một trong những ví dụ về tình trạng kế hoạch riêng và an ninh tài chính của giới trẻ châu Á bị ảnh hưởng do đại dịch. Đại dịch càng kéo dài thì ảnh hưởng tới giới trẻ càng tiêu cực. Các chuyên gia cho rằng nếu các quốc gia không có sự can thiệp thì rất có thể giới trẻ châu Á hiện nay sẽ trở thành một “thế hệ mất mát”.

Việc làm khó khăn

Theo báo cáo của Tổ chức lao động thế giới (ILO), tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 15-24 ở Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam trong quý I/2020 tăng lên so với quý II/2019.

Theo kế hoạch, chàng sinh viên người Nhật Bản Toma Tajima, 21 tuổi, sẽ tốt nghiệp Đại học Nghiên cứu quốc tế Kanda ở Tokyo vào tháng 3 năm sau và anh liên tục bị từ chối các cơ hội nên chưa thể tìm được công việc đầu tiên trong sự nghiệp của mình.

“Tôi cảm thấy chán nản cùng cực, đến mức tôi suýt từ bỏ nỗ lực tìm việc trong năm nay”, Tajima chia sẻ. Anh tìm các công việc về thương mại quốc tế, logistic hoặc kinh doanh bất động sản nhưng đây là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19.

Sau khi bị 30 công ty từ chối, Tajima chuyển sang tìm các công việc trong những ngành tăng trưởng cao như công nghệ thông tin và sản xuất. Cuối cùng, anh nhận được một công việc về kinh doanh trong một công ty sản xuất máy móc.

Mặc dù đây không phải là công việc anh mong muốn nhưng anh cho biết: “Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và sẽ nỗ lực tích lũy kinh nghiệm để xây dựng con đường sự nghiệp mà tôi mong muốn”, anh tâm sự.

Trên khắp châu Á, có rất nhiều người trẻ rơi vào tình cảnh như Tajima: cơ hội việc làm của cả một thế hệ trẻ ở châu Á bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch.

Đại dịch cũng làm đảo lộn rất nhiều dự định của những người trẻ ở Singapore. Ảnh minh họa: Strait Times.
Đại dịch cũng làm đảo lộn rất nhiều dự định của những người trẻ ở Singapore. Ảnh minh họa: Strait Times.

Mua nhà khó khăn

Ở Singapore, nhiều người trẻ thường có kế hoạch mua một căn hộ trả góp để sau đó 3-4 năm sẽ kết hôn. Thế nhưng trong thời kỳ Covid-19, lộ trình “mua căn hộ trước, kết hôn sau” đã trở nên rất khó thực hiện.

Đối với Charlotte Wang, nhà sáng tạo nội dung 27 tuổi, và bạn trai của cô, thời gian hoàn thành dự án chung cư bị kéo dài đồng nghĩa với việc cả hai phải tiếp tục sống cùng bố mẹ hoặc đi thuê nhà. Cả hai phương án này đều không khiến họ thoải mái.

Trong khi đó, Wang đã nghỉ việc tại một công ty marketing và định nghỉ ngơi trong hai tháng nhưng đại dịch khiến cô trở thành người thất nghiệp và chưa thể tìm được việc làm mới. Người bạn trai của cô làm tư vấn tài chính cũng bị giảm thu nhập. Cặp đôi đang thay đổi kế hoạch mua nhà trả góp và dự định sang năm mới sẽ mua lại một căn hộ đã hoàn thiện.

Theo các chuyên gia, người trẻ sẽ không thay đổi lộ trình mua nhà trả góp – kết hôn do đây là “phong trào” ở Singapore. Thay vào đó, họ sẽ tự điều chỉnh để thích nghi với tình hình bằng cách thuê nhà hoặc trì hoãn kết hôn.

Ngược lại với tình trạng mua nhà chung cư trả góp đầy khó khăn như ở Singapore, một số người trẻ châu Á lại đứng trước cơ hội sở hữu nhà. Ví dụ như ở Hồng Kông.

Matthew Lai, 28 tuổi, đang tận dụng cơ hội giá nhà và lãi suất vay ngân hàng cùng thấp đi để biến giấc mơ sở hữu nhà ở Hồng Kông, một trong những nơi có giá nhà cao nhất thế giới, thành hiện thực.

Sở hữu nhà thay vì phải đi thuê là mục tiêu của nhiều người ở Hồng Kông và Lai, cùng cô bạn gái 27 tuổi của anh, là những người có việc làm ổn định nên họ không phải quá lo lắng về khả năng chi trả cho một căn hộ 46 m2 có 2 phòng ngủ.

“Do tôi đã lên kế hoạch, tôi cũng đã có một số khoản đầu tư nên lúc này tôi không cảm thấy lo lắng lắm”, Lai chia sẻ. Anh cũng cho hay, do lãi suất vay thấp nên chi phí mua nhà cũng sẽ giảm đi.

Kế hoạch riêng bị đảo lộn

Theo kết quả một cuộc khảo sát, khoảng 30% số người tham gia cho biết họ có thể sẽ hoãn kết hôn hoặc hoãn có con do tác động của đại dịch tới nền kinh tế. Ngoài ra, đại dịch cũng khiến một số người trẻ phải sắp xếp lại cuộc sống của mình.

Zoey, 19 tuổi, quyết định tiết kiệm để có tiền ra ở riêng.

Đối với cô, cuộc sống cùng bố mẹ và em trai là “môi trường sống và học tập không hiệu quả”. Vì thế, cô sinh viên năm thứ hai Đại học bách khoa quyết định hành động và đến nay cô đã tích lũy được “vài chục ngàn đô la (Singapore)” để thuê nhà ở một mình.

“Tôi đã lên kế hoạch ra ở riêng từ năm 13 tuổi nhưng tôi không thể thực hiện được vì thế tôi hoãn kế hoạch đó lại. Nhưng giờ tôi đã lớn, tôi có thể làm việc bán thời gian và tiết kiệm tiền để thực hiện mục tiêu này”, Zoey chia sẻ.

Cô cũng cho biết để có thể tự thuê nhà, cô sẽ phải tiết kiệm trong một đến hai năm và cô sẽ có thể “phải sống không thoải mái, ví dụ như sống trong một nhà trọ tập thể”. Nhưng cô không ngại chuyện đó.

Tuy nhiên, không có nhiều người trẻ Singapore có kế hoạch như của Zoey. Theo một chuyên gia bất động sản, nhiều người trẻ nước này khá là thực dụng và sẽ không ra ở riêng nếu không có đủ năng lực tài chính để tự thuê nhà trong thời gian dài.

Zoey cũng cho hay mặc dù có nhiều bạn rất ngưỡng mộ kế hoạch “ra riêng” của cô nhưng đa số họ sẽ không làm theo.

“Rất nhiều các bạn tôi cảm thấy thoải mái khi sống cùng cha mẹ, vì thế khi tôi kể cho họ về kế hoạch ra sống một mình, họ thấy sốc. Dù là sống cùng cha mẹ hay ra ở riêng thì tôi cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, tôi quyết định sẽ ở riêng và tự mình đối diện với những khó khăn của cuộc sống”, Zoey tâm sự.

Theo VNEXPRESS

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…