Thấy gì từ vụ nhân viên Eximbank bị bắt?
Nhiều cán bộ ngân hàng đâu đó vẫn còn rất chủ quan, ngây thơ với suy nghĩ rằng mình không cố ý biển thủ, không tiếp tay đồng phạm thì không sao cả. Mà hẳn nhiều người trong số họ đâu biết rằng, sự sơ suất (dù vô ý) nhưng một khi gây hậu quả nghiêm trọng đều có thể dẫn đến con đường lao lý.
Trong quyển sách nổi tiếng của mình “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”, Rosei Nguyễn đã dẫn lời của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu: “Hỡi thanh niên, hãy bán cho tôi một năm tuổi trẻ, tôi sẽ trả cho bạn một tỷ đô xanh”. Vậy với nhân viên ngân hàng thì tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?
Nhân viên ngân hàng bắt đầu biết… run rẩy
Nhiều người vẫn nói rằng, ngân hàng là thiên đường của những ước mơ. Và thật sự ngân hàng vẫn luôn là nơi hào nhoáng với lương cao, thưởng lớn… Tuy nhiên, những năm gần đây có quá nhiều vụ án liên quan đến ngành ngân hàng, những góc khuất sáng tối, những ý kiến trái chiều gây xôn xao dư luận. Nghề ngân hàng trở nên bớt đi sự lấp lánh mà người ta vẫn trao cho nó trước đây.
Thật ra, trong bất cứ ngành nghề nào cũng luôn có người tốt và kẻ xấu. Ngành ngân hàng cũng không ngoại lệ. Và tội phạm ngành ngân hàng thì vẫn tồn tại khắp nơi. Nhưng có lẽ tâm điểm của mọi sự chú thời gian gần đây không phải là các đại án ngân hàng đang được xét xử mà là vụ việc xảy ra ở Eximbank Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh…
Sau sự việc ông Lê Nguyễn Hưng bỏ trốn, sáng ngày 26/3/2018 thêm 5 nhân viên của chi nhánh này bị khởi tố trong đó có 2 người bị bắt giữ. Nguyên nhân vì sao Bà Hồ Ngọc Thủy và Bà Nguyễn Thị Thi (nhân viên và kiểm soát viên Chi nhánh Eximbank TP. Hồ Chí Minh) bị bắt thì phải chờ kết luận cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo ý kiến mà Ông Ngô Thanh Tùng – Thành viên Hội đồng Quản trị Eximbank nêu trên các phương tiện truyền thông thì các nhân viên này không cố ý nhưng bị nhận yêu cầu, nhận chứng từ từ Ông Lê Nguyễn Hưng và chỉ thị rút tiền có chữ ký của Bà Chu Thị Bình, nên đã xác nhận giấy ủy quyền không có sự hiện diện của khách hàng.
Qua sự việc trên, không chỉ nhân viên Eximbank mà có thể nhân viên các ngân hàng khác cũng đang nhìn lại những việc “sơ suất” tương tự trong suốt thời gian qua và có lẽ cũng bắt đầu biết run rẩy (?). Vì bởi lẽ, nếu ai đã từng làm tại ngân hàng cũng đều biết rằng nghề ngân hàng luôn tiềm ẩn những rủi ro vì những sơ suất và không cố ý, mà bình thường họ vẫn nghĩ là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Nhiều cán bộ ngân hàng đâu đó vẫn còn rất chủ quan, ngây thơ với suy nghĩ rằng mình không cố ý biển thủ, không tiếp tay đồng phạm thì không sao cả. Mà hẳn nhiều người trong số họ đâu biết rằng, sự sơ suất (dù vô ý) nhưng một khi gây hậu quả nghiêm trọng đều có thể dẫn đến con đường lao lý. Các chứng từ tại ngân hàng thường có rất nhiều chữ ký, từ nhân viên, kiểm soát viên, lãnh đạo phòng, Ban Giám đốc,…với chi chít các chữ ký chính, chữ ký nháy…rồi vô tình tạo hiệu ứng đám đông, trách nhiệm tập thể. Từ đó vô hình trung tạo một tâm lý an toàn giả tạo: nhân viên thì nghĩ có gì sếp chịu, cấp lãnh đạo thì nghĩ nhân viên làm trực tiếp, các lãnh đạo phòng trực tiếp quản lý phải chịu trách nhiệm còn mình chỉ kiểm soát chung.
Điểm sơ qua các sơ suất mà nhân viên ngân hàng có thể mắc phải như sau: sơ suất trong kiểm tra CMND, giấy tờ tùy thân; chi tiền không đúng chủ tài khoản mà người thân của khách hàng nhận thay; không tố giác mà đôi khi còn tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật của khách hàng ngay tại trụ sở ngân hàng như vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối; tạo lập chứng từ sử dụng vốn không đúng cho khách hàng để làm đẹp hồ sơ, đối phó với kiểm toán và Ngân hàng Nhà nước; trả lại tiền giả cho khách hàng; tạo lập hóa đơn, chứng từ trái quy định; thẩm định giá tài sản cao hơn quy định; đáo hạn nợ vay trái quy định cho khách hàng hoặc đơn giản chỉ là cho mượn user và password để hạch toán… Ở đây, chỉ nói các sơ suất trên ở góc độ do yêu cầu công việc chung theo chỉ đạo của cấp trên, hoặc vì chiều và giữ chân khách hàng mà nhân viên vô ý làm sai quy định chứ không nói đến yếu tố cố ý làm trái để tư lợi và chiếm đoạt tài sản ngân hàng và khách hàng.
Và tác giả tin rằng, đâu đó nhân viên các ngân hàng sẽ thấy thấp thoáng bóng dáng của chính mình đang hồn nhiên bước trên con đường vi phạm pháp luật một cách vô tư mà không biết hay giả vờ không muốn biết? Nếu mọi việc diễn ra bình thường thì trời vẫn xanh và nắng vẫn đẹp; nhưng nếu có một sự cố nào đó thì một ngày đẹp trời, nhân viên ngân hàng sẽ giật mình không biết vì sao bị cơ quan chức năng bắt tạm giam với mỹ từ “sơ suất”.
Bình đẳng trước pháp luật
Trở lại sự việc hai nhân viên Eximbank bị bắt, Ông Ngô Thanh Tùng – Thành viên Hội đồng Quản trị phát biểu trên các phương tiện truyền thông rằng: “Chúng tôi yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan với phương châm mọi người bình đẳng trước pháp luật”. Với tinh thần pháp luật Việt Nam, đúng như lãnh đạo Eximbank đã nói, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Tuy nhiên, sự bình đẳng trước pháp luật không đồng nghĩa với sự bình đẳng trong mọi quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động nói chung. Trong quan hệ pháp luật, công dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm và mọi chủ thể đều bình đẳng chịu một chế tài như nhau với cùng một hành vi vi phạm. Trong quan hệ lao động, có một nguyên tắc bất thành văn là người lao động chỉ được làm những gì mà cơ quan cho phép theo nội quy lao động. Từ các lập luận trên, có thể nói khái niệm công dân bình đẳng trước pháp luật thì đúng. Còn khái niệm người lao động và người sử dụng lao động bình đẳng trước pháp luật cần được nhìn nhận đầy đủ hơn.
Eximbank và niềm tin
Dư luận đang lo lắng cho một cuộc khủng hoảng có thể sẽ xảy ra tại Eximbank. Vì thời gian gần đây Eximbank để xảy ra những vụ thất thoát tiền gửi rất lớn của khách hàng và các khách hàng bị mất tiền đang khiếu nại quyết liệt, khách hàng khác có thể cũng đang rất lo lắng.
Trong bối cảnh này, ngoài việc xử lý các sai sót nội bộ, Eximbank phải đương đầu với sự cạnh tranh khốc liệt từ các ngân hàng khác. Đương nhiên, vào thời điểm Eximbank xảy ra nhiều biến cố cũng là cơ hội thuận lợi để các ngân hàng thương mại khác bắt đầu chiến dịch thu hút khách hàng về mình.
Tài sản quý giá nhất với Eximbank bây giờ, theo tác giả, có lẽ không gì khác mà chính là nguồn lực về con người. Một New Eximbank của tinh thần đổi mới có lẽ sẽ là yếu tố quan trọng giúp Eximbank vượt qua biến cố. Nhưng vấn đề ở đây, Eximbank cần tạo tạo niềm tin cho nhân viên, khuyến khích và tạo động lực cho nhân viên an tâm, gắn bó để cùng Eximbank chèo chống con thuyền trước sóng lớn. Cán bộ nhân viên Chi nhánh Eximbank TP. Hồ Chí Minh hẳn vẫn còn nhiều lo lắng sau vụ các cán bộ nơi đây bị khởi tố, và chắc hẳn những ánh mắt đăm chiêu, mông lung suy nghĩ và lo lắng…vẫn còn cho đến khi vụ việc mất 245 tỷ của Bà Chu Thị Bình được làm sáng tỏ. Không ai ủng hộ cho hành vi vi phạm pháp luật của Bà Hồ Ngọc Thủy và Bà Nguyễn Thị Thi, tuy nhiên, tác giả cho rằng, Eximbank cần có những hành động cụ thể hơn để có thể bảo vệ được quyền lợi chính đáng cho các nhân viên của mình.
Viết cho người ở lại
Từ vụ việc hai nhân viên Eximbank bị bắt, tác giả cho rằng, nhân viên ngành ngân hàng cần phải tỉnh táo trên con đường tác nghiệp đầy rủi ro, cạm bẫy mà bấy lâu nay người ta vẫn bước hời hợt và hồn nhiên.
Thứ nhất, nhân viên ngân hàng cần trang bị kiến thức pháp luật và nắm vững quy trình nghiệp vụ để biết đâu ranh giới giữa rủi ro tác nghiệp có thể chấp nhận được và hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ hai, nhân viên ngân hàng cần có bản lĩnh và biết nói không với các chỉ đạo sai trái của cấp trên.
Thứ ba, nhân viên ngân hàng cần ý thức rằng công việc hiện tại tuy quan trọng nhưng không phải là con đường duy nhất để đánh đổi tất cả, kể cả phải thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Vẫn còn đó rất nhiều cơ hội ở các ngân hàng và các doanh nghiệp khác đang chờ các bạn…
Thứ tư, nhân viên ngân hàng phải ghi nhớ nguyên tắc “án tại hồ sơ”, cần cảnh giác với các nội dung chỉ đạo sai trái mà không có văn bản của cấp trên.
Thứ năm, khi nhận thấy sự việc có sự bất thường so với quy trình nghiệp vụ thì báo cáo lãnh đạo trực tiếp của mình để xin ý kiến chỉ đạo bằng văn bản hoặc trình lãnh đạo đứng ra trực tiếp xử lý.
Thứ sáu, cần cẩn thận kiểm tra trước khi ký vào bất kỳ chứng từ nào, cho dù là mình ký chính hay ký nháy. Vì mọi chữ ký có liên quan đều phải liên đới chịu trách nhiệm khi có sai sót xảy ra.
Thứ bảy, hãy nhớ rằng mọi sơ suất gây hậu quả nghiêm trọng đều bắt nguồn từ sự dễ dãi, cả nể hay chiều chuộng khách hàng một cách thái quá, nhất là đối với các khách hàng Vip.
Và sau cùng, mọi người phải hiểu rằng tuổi trẻ là vô giá và trên lưng mỗi nhân viên ngân hàng còn là trách nhiệm với bao người thân trong gia đình…
Bình Nhiên
Theo Nhịp sống kinh tế