Thay đổi tương lai đô thị từ những viên gạch, tại sao không?
Đi đầu trong lĩnh vực sản xuất gạch xây không nung, ông Đặng Việt Lê – Chủ tịch HĐQT Minh Khang muốn một câu chuyện khác, ý nghĩa hơn với một tương lai không có ngập úng, nóng bức, biến đổi khí hậu. Cũng là gạch, nhưng là gạch lát cho nước xuyên qua.
Năm 2017 vừa qua Khang Minh đã tiếp tục xây dựng nhà máy số 2, đồng thời chính thức chào sàn HNX với mã GKM. Tháng 12/2017, Khang Minh cũng được nhận bằng khen của Bộ Xây dựng vì đã có thành tích xuất sắc tham gia thực hiện Chương trình vật liệu xây không nung. Có vẻ như Khang Minh đã có một năm bứt phá và chứng minh sức sống của một doanh nghiệp VLXD xanh trên thị trường?
Khang Minh đang xây dựng nhà máy số 2 tại Hà Nam nhằm sớm mở rộng sản xuất. Nhà máy sẽ được áp dụng những kỹ thuật mới nhất trong sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu, nâng cao khả năng tự động hóa, nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng ổn định và giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, năm vừa qua chúng tôi cũng quyết định lên sàn chứng khoán để thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn vốn phục vụ mục đích phát triển dài hạn và bền vững.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2016, sản phẩm gạch không nung xi măng cốt liệu (hay còn gọi là gạch bê tông) đang có sự phát triển mạnh. Không chỉ Khang Minh mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đầu tư nhà máy và sản phẩm của họ cũng tiêu thụ tốt. Tôi nghĩ tương lai dòng sản phẩm gạch xi măng cốt liệu sẽ còn có cơ hội phát triển mạnh hơn nữa.
Lãnh đạo CTCP Gạch Khang Minh ông Đặng Việt Lê.
Không chỉ dừng lại ở gạch xi măng cốt liệu, mới đây, Khang Minh tiếp tục cho ra mắt một sản phẩm lần đầu tiên xuất hiện ở thị trường Việt Nam là gạch lát xuyên nước. Điều gì thúc đẩy Khang Minh cho ra mắt dòng sản phẩm này?
Theo thực tiễn áp dụng tại Mỹ và các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, gạch lát xuyên nước là loạt vật liệu thân thiện với môi trường, cho phép bổ sung nguồn nước mưa tự nhiên xuống lòng đất, thúc đẩy khả năng thoát nước, tiêu úng và khi trời nắng thì hơi nước có thể được thoát lên giúp điều hòa khí hậu tại các đô thị.
Việt Nam là đất nước khí hậu nhiệt đới, mùa nắng thì nóng và oi bức, mùa mưa thì kéo dài. Việc ứng dụng gạch lát xuyên nước sẽ góp phần giải quyết hàng loạt vấn đề đặt ra trong phát triển đô thị tại Việt Nam. Sau một thời gian nghiên cứu và đầu tư dây chuyền sản xuất, đầu năm 2018 Cty CP Gạch Khang Minh đã sản xuất thành công sản phẩm gạch lát xuyên nước theo tiêu chuẩn quốc tế. Dòng sản phẩm này sẽ giúp cho lòng đất được trở lại với tự nhiên, khắc phục nhược điểm bê tông hóa trong quá trình xây dựng đô thị.
Ông có thể phân tích cụ thể hơn về dòng sản phẩm này?
Ưu điểm đầu tiên chính là điều hòa khí hậu. Giảm nhiệt độ khi trời nắng do nước từ nền đất có thể bốc hơi qua viên gạch lên phía trên, giúp hạn chế sự hấp hơi nóng qua bề mặt viên gạch, giảm hiệu ứng bê tông hóa đô thị. Theo một nghiên cứu của Trung Quốc, loại gạch này có thể giúp đô thị giảm được 4 độ C trong những ngày hè nắng nóng.
Ngược lại, nước thấm xuyên qua viên gạch khi trời mưa, sẽ giảm tải một phần cho hệ thống thoát nước đô thị, đặc biệt cần thiết với những nơi thường xuyên xảy ra ngập úng như TP.HCM. Do nước có thể thẩm thấu xuống nền đất nên cũng không bị trơn trượt khi trời mưa, tránh được cho người tham giao giao thông những rắc rối.
Thực ra đây là dòng sản phẩm mới, mà tôi nghĩ cái gì mới cũng cần có thể gian để mọi người đón nhận và ứng dụng nên Khang Minh không kỳ vọng nó là sẽ là dòng sản phẩm có doanh số bán chạy ngay trong thời gian gần. Tuy nhiên, tôi tin là xã hội sẽ đón nhận và dành cho sản phẩm này một chỗ đứng nhất định.
Những dòng sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm VLXD xanh vẫn còn là một khái niệm chưa thực sự quen thuộc với người tiêu dùng Việt, vì thế việc tiêu thụ sản phẩm sẽ rất khó khăn. Vậy tại sao Khang Minh lại mạnh dạn đầu tư như vậy?
Chúng tôi lựa chọn gạch lát xuyên nước vì giá trị sinh thái” rất lớn do sản phẩm đó mang lại cho xã hội, và tin tưởng là sản phẩm này sẽ bán tốt vì đã có thực tiễn ứng dụng tại Nhật Bản và các nước phát triển.
Là doanh nghiệp, dù kinh doanh lĩnh vực gì cũng nên gắn với trách nhiệm xã hội, tôi tin rằng, với những dòng sản phẩm mang giá trị xã hội cao, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mọi người hàng ngày phải nhắc nhau bảo vệ môi trường thì những sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, hữu ích sẽ được thị trường đón nhận và có sức sống.
Dù mang trong mình những ưu điểm vượt trội và được Nhà nước hết sức ủng hộ về chinh sách nhưng thực tế mới chỉ chiếm tỷ lệ tiêu thụ khoảng 20%, trong khi đó 80% vẫn là gạch đất nung truyền thống. Phải chăng người tiêu dùng của chúng ta quá bảo thủ?
Xét ở góc độ của người tiêu dùng, họ chọn lựa một sản phẩm dựa trên nhiều tiêu chí chứ không phải vì đơn thuần, những thứ đó được gắn mác “xanh”. Một sản phẩm dù là xanh, sinh thái hay gì đi nữa thì trước tiên phải mang đầy đủ những yếu tố cơ bản của chính nó đã.
Với Khang Minh, chúng tôi đã kết hợp với Viện Khoa học công nghệ để đưa ra một tiêu chuẩn, quy trình sử dụng cụ thể, nhưng đó mới là cấp độ cơ sở. Các doanh nghiệp vẫn mong chờ Bộ Xây dựng đưa ra một tiêu chuẩn chung.
Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu và đi theo định hướng phát triển vật liệu xây dựng xanh. Chính người tiêu dùng sẽ giúp chúng tôi hoàn thiện hơn nữa để đưa ra những dòng sản phẩm, không đơn thuần xanh mà thực sự có giá trị sử dụng tốt, hữu ích để khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nhịp sống kinh tế