Thảng thốt với ký ức ít gặp lại ở miền Tây

Ai đã từng sống ở miền Tây sông nước thì dù đi đâu, về đâu cũng khó có thể quên những hình ảnh, âm thanh quá đỗi thân thương của những chiếc xuồng hàng.

“Sáng giờ bán được nhiều không?”- một người đàn ông đang uống cà phê hỏi người bán hàng trên cái xuồng nhỏ. “Cũng khá”- người bán hàng trả lời.

“Giờ chợ búa nhiều quá, người dân đi xe máy chạy vèo là tới chợ rồi, sao còn đợi mua hàng ghe của chú”- người đàn ông uống cà phê hỏi tiếp. “Vậy mà cũng còn nhiều người mua lắm chú ơi”- người bán hàng trả lời.

Thảng thốt với ký ức ít gặp lại ở miền Tây - Ảnh 1.

Xuồng hàng gợi lên bao kỷ niệm thân thương về miền quê yên ả.

Tới bây giờ tôi mới thực sự chú ý đến chiếc xuồng hàng nhỏ của người bán hàng trên xuồng ở xứ Cà Mau này. Nói là chiếc xuồng hàng nhưng đôi khi là tam bản, khi là chiếc võ làm bằng chất liệu nhựa tổng hợp chạy bằng máy đuôi tôm.

Nó gợi lên trong tâm trí tôi những hình ảnh cư dân vùng châu thổ vào cái thuở còn khó khăn trong giao thương ngày nào qua truyện kể của Sơn Nam.

Anh Nguyễn Văn Nỉ, quê Cái Nước, Cà Mau, là người có thâm niên hơn 15 năm gắn đời mình với cái xuồng thương hồ, sáng xóm trên, chiều xóm dưới này. Trong ly cà phê sáng nay bên quán nhỏ ven sông nhìn những chiếc tắc ráng bon bon trên mặt nước, anh nói không biết cái xuồng hàng nó có từ hồi nào nữa.

“Chắc hồi xưa chưa có lộ, ông bà mình ra chợ nổi mua đồ để lên xuồng chèo đi bán, rồi có máy đuôi tôm gắn vào nên di chuyển mau lẹ hơn”. Nói vậy có nghĩa là, gốc gác, lai lịch của chiếc xuồng hàng có từ thời “xa lắm”.

Buổi sáng sớm trên dòng kênh Tân Duyệt, đoạn kênh chạy dọc theo hương lộ Tân Duyệt nối huyện Cái Nước với huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau.

Trong không gian yên ả của làng quê, bỗng chốc vang lên tiếng kèn tun tun của chiếc xuồng hàng. Âm thanh báo hiệu cho người dân chuẩn bị ra bến sông để mua nguyên liệu còn thiếu trong bữa cơm gia đình hay vật dụng sinh hoạt khác trong nhà.

Dù hầu hết các tuyến đường giao thông ở đây đã được đầu tư kiên cố hóa, nhưng nhiều người vẫn còn có thói quen mua thực phẩm, vật dụng gia đình trên chiếc xuồng hàng, nhanh gọn và tiện lợi.

Sáng sớm nhỏ em mang cái bọc ni lông vắt lên cái cây được cắm dưới mé sông. Nó lý giải, “như thế thì không cần phải đợi tiếng kèn tun tun nữa, mà tới nơi thì xuồng của anh Nỉ sẽ ghé lại thôi”.

Đó là một quy ước trong mua bán, kiểu quy ước sơ khai nhưng hữu hiệu và đáng yêu biết chừng nào. Trên cái xuồng hàng của anh Nỉ, chúng tôi quan sát thấy nào là bầu bí, khổ qua, đậu đũa, bí rợ, bắp cải. Rồi nào là đường, nước mắm, nước tương… Có cả cá lóc, cá sặc rằn…

Nói chung là đủ để cho cả một xóm nhóm bếp bữa cơm sáng hoặc chiều. Khi tôi đưa máy ảnh lên chụp, anh Nỉ cười tươi rói, “lâu lâu thấy có người đứng trên bờ chụp, chắc vùng trên không có bán kiểu này nên thấy lạ hay sao?”.

Đúng là có thể nhiều nơi không có cái cách buôn bán lênh đênh như thế này nên họ thấy lạ, còn riêng với chúng tôi, có thể sau này, những hình ảnh chiếc xuồng hàng dần xa vắng, lúc đó còn có những tấm ảnh lưu lại cho con cháu xem để biết hình ảnh xa xưa của quê mình.

Tôi hỏi anh Nỉ xin cho theo xuồng hàng, anh cười, “chỗ đâu cô ngồi mà hỏi đi theo”. Mà đúng thật, như tôi vừa mô tả, xuồng hàng của anh hàng hóa để đầy từ trước đến sau.

Nhưng anh đã quen, dù xuồng ghe có lắc lư theo nhịp sóng của các phương tiện khác qua lại, nhưng bước chân anh vẫn vững chãi trên be mỗi khi ghé lại bán hàng.

Trên dọc tuyến kênh Tân Duyệt, hay trên các kênh rạch như Dân Quân, Cái Tàu, Bảy Háp, Đầm Cùng, Cổ Cò của các huyện Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn…nơi nào cũng có xuồng hàng buôn bán.

Mấy anh, mấy chị bán hàng lý giải là dù có đường xá thông thoáng, xe máy đi lại thuận tiện, nhưng thói quen hay tâm lý, nhiều người vẫn thích mua ở các xuồng hàng. Đôi khi tâm lý ngồi đợi hàng mang tới nhà, đỡ tốn tiền xăng xe, đỡ tốn công đi chợ.

Nhỏ em tôi nói, “ở nhà đợi xuồng hàng mình có thể làm công chuyện nhà luôn”. Một công đôi ba việc. Với lại mấy xuồng hàng ở đây chẳng ai nói thách giá gì hết, vì quen hết rồi, giá thị trường sao bán ra như vậy. Có lẽ vì thế mà các xuồng hàng sống khỏe.

Thảng thốt với ký ức ít gặp lại ở miền Tây - Ảnh 2.
Nhà không có nhiều đất đai để có thể nuôi nổi 4 miệng ăn, nên chị thường phiêu bạt lên các vùng Bình Dương, Đồng Nai làm mướn. Nhưng đời cơ cực, làm mướn nguồn thu cũng không dư dã để có thể lo cho 4 đứa nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, thế là chị sắm sửa xuồng máy đuôi tôm, cùng đứa con lớn lênh đênh buôn bán. Ngày kiếm cũng được vài trăm, chị kể – “đủ cho các cháu đóng tiền học, sách vở, quần áo”.Tôi gặp chị Nguyễn Thị Lệ Thu, cũng thâm niên bán hàng trên xuồng hàng chục năm rồi. Chị Thu cũng có chiếc xuồng hàng giống của anh Nỉ vậy, nhưng không phải là “quen sông nước từ nhỏ”, mà vì mưu sinh.

Chị nói, lúc đầu cũng nghĩ là làm vài năm có tiền lo cho các con thôi, nhưng giờ quen rồi, cứ hễ nghỉ một ngày lại nhớ mối lới. Người quê dễ gần, dễ thân tình lắm.

Rồi chị cười tươi sau khi tôi trả tiền mớ rau dền với một ngụm tép đất, chị xoay tròn cái máy đuôi tôm điệu nghệ, để đẩy chiếc xuồng ra như kiểu người ta de lùi xe ô tô, rồi quẳng cái đuôi tôm ngược lại để cho chiếc xuồng lao tới thật nhuần nhuyễn.

Chưa có một thống kê chính thức là Cà Mau có bao nhiêu xuồng hàng đang hoạt động, nhưng trên đường chúng tôi khám phá những chiếc xuồng hàng độc đáo này, chúng có ở khắp nơi. Từ những xóm ấp ngay cạnh thị trấn, chợ huyện, đến những lung sâu hun hút nơi chưa có con đường.

Xã hội ngày càng hiện đại nhưng hình ảnh thân quen về chiếc xuồng hàng của anh Nỉ, chị Thu hay 1 số hộ tiểu thương làm kiếp thương hồ cũng gợi cho nhiều người dân quê nét đẹp dung dị, thân quen của quê hương.

Ai đã từng sống ở miền Tây sông nước, từng ra bến sông ngồi đón chiếc xuồng hàng để mua một vài món đồ nhỏ nhặt hay chỉ để nghe tiếng kèn tun tun quen thuộc thì dù đi đâu, về đâu cũng khó có thể quên được những hình ảnh, âm thanh quá đỗi thân thương của những chiếc xuồng hàng.

Theo Báo Vĩnh Long

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…