Tháng cao điểm ra tiền, lãi suất liên ngân hàng thu hẹp chênh lệch

Ước tính trong tháng 7 này Ngân hàng Nhà nước trả ra thị trường khoảng 100.000 tỷ đồng…

Thị trường liên ngân hàng một tuần gần đây có chuyển biến mới: lãi suất VND liên tiếp tăng lên khá mạnh, thu hẹp chênh lệch so với lãi suất USD, dù lượng tín phiếu đáo hạn lớn.

Như thể hiện từ trung tuần tháng 6 vừa qua, với lượng tiền đồng lớn và thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng có biểu hiện dư thừa, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng liên tục giảm mạnh và sâu, trong khi lãi suất USD trên cùng thị trường tăng mạnh sau cú hích tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

So sánh tương đối ở các kỳ hạn ngắn, sau diễn biến trên, lãi suất USD đã gấp đôi lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng. Chênh lệch quá lớn này kích thích việc nắm giữ hoặc đầu tư USD, dẫn tới một trong những nguyên nhân nổi bật đẩy tỷ giá USD/VND lên cao từ thời điểm đó đến nay.

Tuy nhiên, một tuần trở lại đây, diễn biến mới đã thể hiện: lãi suất VND trên liên ngân hàng tăng mạnh lên, thu hẹp chênh lệch với lãi suất USD.

Điển hình ở lãi suất qua đêm, sau khi có thời điểm rơi sâu dưới 0,7%/năm, lãi suất VND những phiên trong tuần này đã bật mạnh trở lại, vượt mốc 1%/năm, đạt 1,23%/năm như trong ngày 12/7. Trong khi lãi suất qua đêm USD đã giảm về sát 2%/năm. Chênh lệch đã thu hẹp đáng kể.

Nhưng ở một diễn biến liên quan, qua cân đối khối lượng tín phiếu đến kỳ đáo hạn, ước tính tháng 7 này là tháng cao điểm lượng vốn Ngân hàng Nhà nước hút về thời gian qua được trả ra thị trường, với khoảng 100.000 tỷ đồng.

Quy mô trên đang từng bước cụ thể hóa, khi trong tuần thứ hai của tháng 7 này số dư tín phiếu lưu hành đã giảm mạnh, đến ngày 12/7 chỉ còn 106.380 tỷ đồng, trong khi mức độ hút vốn ở kênh này nửa cuối tháng 6 vừa qua có số dư lên tới quanh 150.000 tỷ đồng.

Lượng vốn lớn được trả ra thị trường, tập trung trong tháng 7 một phần do kỳ hạn của tín phiếu hút về trước đó ngắn.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước chủ yếu vẫn dùng hai kỳ hạn 7 và 14 ngày để hút tiền về. Từ đầu tháng 6 vừa qua, đón trước diễn biến FED tăng lãi suất, lượng hóa được lượng tiền đồng trả cho việc mua ngoại tệ kỳ hạn lần lượt đáo hạn, và trước trạng thái vốn khả dụng hệ thống có dấu hiệu dư thừa, Ngân hàng Nhà nước đã đẩy mạnh hơn việc hút bớt tiền về với độ nén dài hơn. Bên cạnh các kỳ hạn ngắn, tín phiếu phát hành đã xuất hiện kỳ hạn dài, lên tới 91 ngày – kỳ hạn chưa từng được dùng đến trong hai năm cao điểm mua vào ngoại tệ gần đây.

Với kỳ hạn dài hơn, việc “trói” bớt tiền đồng sẽ giữ được lâu hơn, nhất là trong bối cảnh sau nửa năm đầu tư công vẫn ứ đọng và tiền gửi ngân sách dồn lại trên hệ thống ngân hàng.

Và sau vòng quay “bơm – hút” vốn điều tiết trong hệ thống, sau tháng cao điểm tiền trả ra thị trường, nếu giải ngân đầu tư công vẫn chậm, vốn vẫn ứ đọng trong khi lạm phát gia tăng áp lực và tỷ giá USD/VND có biểu hiện biến động, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mở rộng kỳ hạn phát hành tín phiếu thì cũng không bất ngờ.

Chỉ có điều, đi cùng với việc điều tiết trên, kỳ hạn dài hơn gắn với lãi suất phải trả cho việc điều tiết cao hơn. Mà đây là một cấu phần cân đối chi phí của ngân sách và điều hành (phối hợp) chính sách.

Theo Hoàng Vũ

Vneconomy

[elementor-template id=”16904″]

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…