Tàu sân bay nội địa trong tham vọng hải quân biển lớn của Trung Quốc
Việc biên chế tàu sân bay Type-001A có thể là sự mở đầu cho việc Trung Quốc xây dựng một hạm đội lớn cạnh tranh với Mỹ ở Thái Bình Dương.
Tàu sân bay Type-001A rời cảng Đại Liên. Ảnh: Weibo. |
Tàu sân bay nội địa Type-001A của Trung Quốc hôm qua rời cảng Đại Liên, bắt đầu chuyến thử nghiệm đầu tiên trên biển. Khi con tàu được biên chế vào năm 2019 hoặc 2020, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia có nhiều tàu sân bay thứ hai thế giới với số lượng hai chiếc, chỉ đứng sau Mỹ với 11 chiếc, theo Foreign Policy.
Bắc Kinh sẽ không dừng lại ở hai tàu sân bay, cũng như không tiếp tục ứng dụng thiết kế có từ thời Liên Xô của chiếc Liêu Ninh và Type-001A cho những hàng không mẫu hạm tiếp theo. Một số nguồn tin cho rằng Trung Quốc đã khởi đóng tàu sân bay thứ ba, có thiết kế tương đồng với siêu tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ, dù kích thước nhỏ hơn và không trang bị lò phản ứng hạt nhân.
Trung Quốc đã biên chế hàng chục tàu ngầm, nhiều phi đội cường kích và tên lửa diệt hạm để đối phó với lực lượng tàu sân bay Mỹ. Bắc Kinh thậm chí còn phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm với biệt danh “sát thủ tàu sân bay”. Điều này đặt dấu hỏi về việc Trung Quốc theo đuổi tham vọng tàu sân bay, loại khí tài đắt tiền mà họ luôn tìm cách tiêu diệt.
Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc không chỉ tìm cách đối phó với hải quân Mỹ, mà còn muốn trở thành cường quốc hải quân biển xanh với khả năng tác chiến xa bờ.
Theo số liệu ước tính trong báo cáo của chính phủ Australia, nền kinh tế Trung Quốc có thể lớn gấp đôi Mỹ sau 15 năm nữa. Với quy mô như vậy, Bắc Kinh khó lòng chấp nhận sự áp đặt của Washington tại những khu vực họ coi là sân sau. Hạm đội tàu sân bay của Bắc Kinh có thể coi là đòn đánh trực diện vào cốt lõi sức mạnh Washington, chấm dứt sự thống trị của hải quân Mỹ tại châu Á -Thái Bình Dương.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong chuyến huấn luyện năm 2017. Ảnh: Sina. |
Tuy nhiên, việc xây dựng hạm đội tàu sân bây quy mô lớn vẫn là thử thách không nhỏ với Trung Quốc. Nếu duy trì tốc độ hiện đại hóa hiện nay, Bắc Kinh vẫn cần hàng chục năm để sở hữu hạm đội mong muốn. Mỹ và đồng minh cũng liên tục cải thiện khả năng tác chiến trong thời gian đó, chưa kể tới nguy cơ chiến tranh do xung đột lợi ích chiến lược giữa các cường quốc.
Một cách giải thích khác là hạm đội tàu sân bay của Bắc Kinh không nhằm đối đầu với Washington. Trung Quốc sẽ không chủ động gây chiến với Mỹ, mà khiến Mỹ tự rút lực lượng khỏi châu Á-Thái Bình Dương để hạn chế chi phí duy trì sức mạnh trong khu vực.
Trước khi Trung Quốc đầu tư vào khả năng chống hạm, tàu sân bay Mỹ có thể thoải mái di chuyển qua eo biển Đài Loan và thể hiện khả năng sẵn sàng bảo vệ đồng minh. Giờ đây, Washington phải đối mặt với nguy cơ mất ít nhất một hoặc hai nhóm tác chiến tàu sân bay nếu xung đột quanh đảo Đài Loan nổ ra.
Một số chuyên gia dự đoán Bắc Kinh chỉ cần tối đa 6 tàu sân bay để có thể cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ ở Thái Bình Dương và hoàn thành tham vọng hải quân biển lớn của mình.
Việt Hòa
Theo : vnexpress.net
[elementor-template id=”16904″]