Tài chính tiêu dùng: Trông người lại ngẫm tới ta
Cho vay tiêu dùng chiếm tới 70% nền kinh tế Mỹ và vẫn liên tục tăng trưởng, trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam, dù tăng mạnh trong những năm vừa qua, cũng mới chỉ dừng ở mức khá khiêm tốn là 18%.
Theo báo cáo vừa công bố của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thì người dân nước này đã chi nhiều hơn cho việc mua sắm thông qua hình thức vay tiêu dùng trong tháng 5/2018, nâng tổng dư nợ lên cao nhất 18 tháng qua, đạt mức xấp xỉ 3,9 nghìn tỷ USD.
Cụ thể, các khoản vay tiêu dùng của Mỹ tăng gần 25 tỷ USD chỉ riêng trong tháng 5, gấp đôi so với mức dự báo 12 tỷ USD, chủ yếu là vay nợ bằng thẻ tín dụng.
Trong vòng 5 năm qua, tổng dư nợ tiêu dùng của nước Mỹ liên tục tăng với tốc độ ổn định 5-6%/năm và dự kiến sẽ sớm đạt mốc 4.000 tỷ USD vào cuối năm nay.
Trong khi đó, tại Việt Nam, dù tín dụng tiêu dùng tăng tới 65% trong năm 2017 nhưng do xuất phát điểm thấp nên tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng quốc gia cũng chỉ chiếm 18%, tương đương khoảng 43 tỷ USD vào thời điểm cuối năm 2016.
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, thói quen tích trữ, tiết kiệm, ngại vay mượn và thiếu thông tin chính thống là các nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân Việt Nam còn e dè với vay tiêu dùng.
Tại Mỹ, khoảng 26% thu nhập của người dân được dùng để trả nợ các khoản vay trước đó, trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam ước tính chỉ khoảng dưới 10%, thậm chí là thấp hơn vì vay tiêu dùng hiện mới chỉ phổ biến ở các thành phố lớn trong 5 năm gần đây. Riêng tại ở các vùng nông thôn, miền núi,… thị trường này gần như vẫn bỏ ngỏ.
Đối với người dân Mỹ và các quốc gia phát triển, việc sử dụng nguồn vốn vay tiêu dùng để thanh toán các khoản mua sắm từ trang thiết bị trong gia đình đến quần áo thời trang,… thậm chí là đi du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí,… luôn là lựa chọn đầu tiên mỗi khi rút ví thay vì hình thức tiền mặt như ở Việt Nam.
Việc thanh toán bằng nguồn vốn vay tiêu dùnng vừa giúp giảm gánh nặng tài chính cho khách hàng, vừa giúp nâng cao chất lượng đời sống người dân, tăng cường sự minh bạch của ngành tài chính, giúp thúc đẩy nền sản xuất và tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.
Đơn cử, thay vì việc tiết kiệm 10-15 năm mới đủ tiền mua nhà, người Mỹ chọn cách vay tiêu dùng để có thể sở hữu một ngôi nhà mới. Với số tiền trả hàng tháng thường dao động quanh mức 10-15% thu nhập, khách hàng vay trả góp đã ngay lập tức có nhà mới để ở mà lại không phải tốn tiền đi thuê nhà trong khi vẫn đảm bảo chi tiêu thường ngày.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, do thiếu thông tin về tài chính tiêu dùng nên nhiều người còn hiểu sai về hình thức phân phối vốn này, thậm chí đánh đồng tài chính tiêu dùng với… tín dụng đen dẫn đến việc tài chính tiêu dùng vẫn còn khá mới mẻ đối với phần lớn người dân.
Thực tế cho thấy, dù đạt được khá nhiều thành quả ban đầu như tăng trưởng ấn tượng trung bình 20%/năm, đạt mốc 43 tỷ USD vào cuối năm 2017, tạo công ăn việc làm cho khoảng 30.000 lao động, phục vụ khoảng 25 lượt khách hàng,… nhưng tài chính tiêu dùng mới chỉ khai thác khoảng 1/4 nhu cầu hiện tại.
Điều đáng nói là, hầu hết người dân các khu vực nông thôn, vùng núi – những người có nhu cầu rất cao trong việc vay vốn nhỏ lẻ – đối tượng chính của tài chính tiêu dùng lại chưa biết đến tài chính tiêu dùng.
Mỗi khi có nhu cầu vay vốn mua sắm đồ dùng gia đình, trang thiết bị phục vụ mưu sinh,… họ thường tìm đến các hình thức phi chính thức như vay mượn người thân, vay tín dụng đen,… vừa có lãi suất cao, vừa đi kèm nhiều điều kiện bất lợi, thậm chí là nguy hiểm. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh của họ, đấy gần như là lựa chọn bắt buộc.
Trước tình hình này, các công ty tài chính hàng đầu như FE Credit, Home Credit,… đã liên tục mở rộng mạng lưới và tổ chức nhiều chương trình tư vấn tài chính, tư vấn tiêu dùng, định hướng chi tiêu,… để cung cấp kiến thức quản lý tài chính cá nhân nói riêng và kiến thức kinh tế cơ bản nói chung cho các đối tượng yếu thế như phụ nữ, công nhân nghèo,…
Giáo dục tài chính cá nhân chính là việc hướng dẫn người dân kiến thức về tiền, cách làm ra tiền và chi tiêu sao cho đúng và hiệu quả. Theo các chuyên gia, bên cạnh việc khuyến khích các công ty tài chính mở rộng cho vay đối với tài chính cá nhân, việc đào tạo kiến thức về tài chính cá nhân ngay từ trên ghế nhà trường là một biện pháp mang tính lâu dài.
“Quan trọng hơn, nó sẽ giúp người học ý thức được việc quản trị chi tiêu cá nhân ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Những kiến thức học được sẽ giúp hình thành thói quen quản trị tài chính cá nhân và sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống sau này của mỗi người”, chuyên gia nhận xét.
Chính vì vậy, để có thể giải quyết triệt để tình trạng này, cần có sự tham gia của không chỉ các doanh nghiệp mà còn cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước, vừa giúp hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động cho vay tiêu dùng, vừa thúc đẩy sự minh bạch của thị trường và hỗ trợ truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân.
Theo Trí thức trẻ
[elementor-template id=”16904″]