Sức mạnh tình người trong cuộc giải cứu các thiếu niên Thái Lan mắc kẹt
Chiến dịch giải cứu đội bóng nhí Thái Lan trong hang Tham Luang ra ngoài cho thấy sức mạnh của tình đoàn kết và lòng nhân đạo.
Cảnh sát Liên bang và Lực lượng Quốc phòng Australia trò chuyện cùng một nhân viên cứu hộ Thái Lan (bên phải) hôm 3/7. Ảnh: AP. |
Chiến dịch giải cứu 12 thiếu niên và một huấn luyện viên đội bóng Thái Lan mắc kẹt trong hang Tham Luang từ ngày 23/6 đang bước vào giai đoạn quan trọng nhất, khi chính quyền quyết định cử 18 thợ lặn vào hang để đưa các em ra ngoài. Hôm nay đội cứu hộ tiếp tục công việc giải cứu sau khi 4 cậu bé thoát ra an toàn vào tối qua.
Trong một bài viết trên CNN, Jay Parini, giảng viên Đại học Middlebury, Mỹ, cho rằng trong suốt hai tuần tìm kiếm và cứu nạn ở hang Tham Luang, các thợ lặn không chỉ thể hiện sự can đảm tuyệt vời mà còn cả những kỹ năng đáng kinh ngạc. Khó có thể tưởng tượng được mức độ khó khăn của công việc giải cứu, khi các hoạt động phải tiến hành sâu dưới lòng đất, trong những ngách hang vô cùng hẹp đầy vách đá lởm chởm, dòng nước chảy xiết và nước đục đến mức gần như không nhìn thấy gì.
7 nước bao gồm Anh, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Myanmar, Lào đã cử các chuyên gia đầy kinh nghiệm tới trợ giúp Thái Lan, khiến số người tham gia chiến dịch giải cứu lên tới hơn 1.000 người. Nỗ lực này cho thấy thế giới vào một thời điểm nào đó hoàn toàn có thể hợp tác tích cực vì một mục tiêu chung.
Trong hang Tham Luang không có sự phân biệt màu da, quốc tịch, tôn giáo hay giới tính, cũng không có sự nghi ngờ về chuyên môn của nhau. Dù vẫn còn rào cản ngôn ngữ, đội cứu hộ đã làm việc một cách đoàn kết và đầy tình người, để hướng tới mục tiêu cuối cùng là đưa các thiếu niên mắc kẹt trở về với bố mẹ.
Theo Parini, việc tất cả đặt lợi ích của những đứa trẻ lên đầu tiên là hành động đáng ngưỡng mộ. Ai cũng từng mắc lỗi và đôi khi hàng nghìn người phải nỗ lực để bù đắp cho lỗi lầm đó. Dư luận Thái Lan và quốc tế hầu như không trách móc những đứa trẻ đi vào hang Tham Luang trong mùa mưa, mở đầu cho một trong những chiến dịch cứu nạn quy mô nhất thế giới.
Mọi người dường như chỉ lo lắng cho sự an toàn của các em và chờ đợi từng cậu bé xuất hiện mà không quá bận tâm tới chi phí giải cứu, bởi có lẽ họ đều hiểu rằng giá trị mạng sống không thể đo đếm bằng tiền.
Dư luận cũng bày tỏ sự biết ơn đối với Saman Gunan, thợ lặn Thái Lan hy sinh hôm 6/7 do thiếu oxy khi đang trên đường ra khỏi hang Tham Luang. Việc anh sẵn sàng đánh cược cả mạng sống vì nhóm thiếu niên là dấu ấn đáng nhớ trong quá trình giải cứu, thể hiện lòng dũng cảm chân chính, hoàn toàn không vụ lợi.
Nhiều người theo dõi chiến dịch giải cứu đội bóng nhí còn thể hiện sự đồng cảm với những bậc cha mẹ đang ngày đêm mong ngóng con trở về. Ai từng trải qua nỗi đau cùng cực khi chia xa đều hiểu rằng các cậu bé và huấn luyện viên vô cùng quý giá với gia đình họ.
Năm 2010, hành trình giải cứu 33 thợ mỏ trong vụ sập hầm ở Chile đã thu hút khoảng một tỷ người theo dõi. Họ bị mắc kẹt 700 m dưới lòng đất suốt 69 ngày, nhưng vẫn được cứu sống trong một chiến dịch được coi là “không tưởng”, khiến người dân Chile xích lại gần nhau hơn.
Cũng giống sự kiện này, quá trình giải cứu 12 thiếu niên và huấn luyện viên tại một hang động xa xôi ở Thái Lan đã ảnh hưởng lớn đến dư luận, mang lại niềm tin rằng thế giới có thể sát cánh bên nhau, để lại bài học về ý chí và giá trị của tình người, tình đoàn kết.
Ánh Ngọc
Theo : vnexpress.net
[elementor-template id=”16904″]