Sức chống chịu của doanh nghiệp suy giảm
Lượng doanh nghiệp quy mô lớn rút khỏi thị trường tăng trong nửa đầu năm nay, phản ánh sức chống chịu của họ đã suy giảm bởi dịch bệnh.
Nội dung này nêu trong báo cáo kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và kế hoạch nửa cuối năm vừa được Chính phủ gửi Quốc hội.
Chính phủ cho biết, 6 tháng đầu năm kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát với CPI bình quân 6 tháng tăng 1,47%, thấp nhất từ năm 2016.
Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá ổn định, tín dụng phục hồi, tăng 5,68% so với cuối năm 2020; mặt bằng lãi suất cho vay giảm. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng cao, 6 tháng tăng 32,2%…
Nhưng Covid-19 đã tác động không nhỏ tới hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong nửa đầu năm tăng gần 25%.
“Đáng chú ý, số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh”, báo cáo nêu.
Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), 6 tháng đầu năm nay cả nước có gần 67.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 942.600 tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp 14,1 tỷ đồng. Tính cả số đơn vị quay trở lại làm việc (93.200 doanh nghiệp), bình quân mỗi tháng có 15.500 doanh nghiệp lập mới và quay trở lại hoạt động.
Nhưng, số giải thể tăng gần 34%, doanh nghiệp đang chờ làm thủ tục giải thể tăng xấp xỉ 26% hay ngừng kinh doanh tăng hơn 22%… Lĩnh vực tạm ngừng kinh doanh nhiều nhất là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy (hơn 37%), xây dựng gần 14%, công nghiệp chế biến chế tạo gần 12%…
Bình quân mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Tại báo cáo này, Chính phủ cũng nhìn nhận tăng trưởng GDP 6 tháng chưa đạt mục tiêu kịch bản đưa ra. Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít thị trường, tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI còn cao (74,1%). Cán cân thương mại nghiêng về nhập siêu (6 tháng nhập siêu 1,47 tỷ USD); hàng hóa xuất nhập khẩu có thời điểm bị ùn ứ. Các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán, vàng còn tiềm ẩn rủi ro.
Phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Hết tháng 6, còn 15,6% vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương chưa được các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết, do phải chờ thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Nửa đầu năm mới giải ngân vốn công đạt hơn 29%, thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt gần 7,4%. Tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, theo Chính phủ, ngoài do xu hướng dồn tăng mạnh trong những tháng cuối năm, một phần còn do tâm lý ngại giải ngân, thanh quyết toán vốn nhiều lần của chủ đầu tư, ban quan lý dự án, nhà thầu.
Thu hút FDI giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2020, số dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm mạnh cho thấy tín hiệu còn nhiều khó khăn. “Sự hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu suy giảm”, báo cáo nhận xét.
Chính phủ dự báo, 6 tháng cuối năm tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới môi trường an ninh, phát triển của Việt Nam.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP nửa đầu năm chỉ đạt 5,64% so với cùng kỳ, để GDP năm nay đạt 6%, quý III phải tăng 6,2% và quý IV tăng 6,5%. Còn kịch bản GDP năm 2021 đạt 6,5%, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III và IV lần lượt 7% và 7,5%.
Chính phủ cho rằng, các kịch bản này đều phụ thuộc lớn vào khả năng khống chế Covid-19, nhất là tại các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế, khu công nghiệp, khu kinh tế. Tuy nhiên, để đạt cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhà chức trách nhấn mạnh kiên định mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội.
Cùng đó, cấp có thẩm quyền sẽ siết chặt kỷ luật tài chính – ngân sách Nhà nước, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, có giải pháp thu hút FDI phù hợp. Song song đó là phát triển hạ tầng số, logistics, giao thông và năng lượng… đồng bộ.
Theo VNEXPRESS