Sự thật về bệnh nhân "3 tháng không người nhận" ở Hà Nội

Sau 10 ngày xác minh, từ những thông tin “như không có”, các trinh sát Phòng Truy tìm – Cục Cảnh sát truy nã tội phạm đã làm rõ được nhân thân của bệnh nhân bị hôn mê sâu, 3 tháng liền không có người thân đến nhận ở Bệnh viện Việt Đức

Chiều 3- 4, anh Nguyễn Duy Đức (trú tại Uông Bí, Quảng Ninh) đã hoàn tất các thủ tục đưa bố anh là ông Nguyễn Duy Hồng (SN 1941) từ Bệnh viện hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) về bệnh viện tại Quảng Ninh để điều trị, chăm sóc. Ông Hồng là bệnh nhân bị xuất huyết não, hôn mê, được các y bác sĩ BV Việt Đức tận tình chăm sóc suốt hơn 3 tháng qua.

“Mò kim đáy bể”

Để ông Hồng về được với gia đình, bên cạnh sự cố gắng cứu chữa, chăm sóc của các y bác sĩ BV Việt Đức và các nhà hảo tâm còn phải kể đến nỗ lực không biết mệt mỏi của tập thể Phòng Truy tìm (Phòng 6) – Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (C52 – Bộ Công an).

“Chúng tôi huy động toàn bộ lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ của Phòng vào một nhiệm vụ mà như mọi người đánh giá là mò kim đáy bể.” – Thiếu tá Phạm Trường Sơn, Trưởng phòng 6, nhớ lại.

Theo Thiếu tá Sơn, trung tuần tháng 3-2018, thực hiện sự chỉ đạo của Thượng tượng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an, Cục C52 được Trung tướng Trần Văn Vệ – quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát – giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với công an các đơn vị, địa phương khẩn trương tiến hành xác minh lai lịch, nhân thân của một bệnh nhân bị hôn mê sâu, đang điều trị tại BV Việt Đức theo công văn đề nghị của BV Việt Đức.

Trước đó, tháng 1/2018, Công an một quận của Hà Nội đã tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh để thu thập thông tin theo đề nghị của BV Việt Đức nhưng không xác định được nhân thân và lai lịch của bệnh nhân trên.

Ngay sau khi được lãnh đạo Cục C52 quán triệt và giao nhiệm vụ, đặc biệt là chỉ đạo quyết liệt từ Đại tá Trần Văn Toản – Phó Cục trưởng phụ trách Cục đối với Phòng 6, đó là “phải xác định được nhân thân và lai lịch của bệnh nhân; đây không chỉ là danh dự mà còn là trách nhiệm của chúng ta”, các trinh sát Phòng 6 nhanh chóng bắt tay vào việc.

Thông tin đầu tiên Phòng 6 tiếp nhận được đó là… không có thông tin gì. Bệnh nhân không có giấy tờ tùy thân, không người thân, không người chăm sóc và không người nào biết được thông tin về bệnh nhân…

Làm việc với tổ y tá tiếp nhận bệnh nhân, cán bộ Phòng 6 được biết, bệnh nhân bị đột quỵ chiều 30/12/2017 và được người dân đưa vào khoa Cấp cứu; tuy nhiên không thể trích xuất hình ảnh từ camera của bệnh viện vì hệ thống cơ sở dữ liệu chỉ lưu trữ được hình ảnh trong vòng 1 tháng trở lại. Khi tiếp nhận bệnh nhân, tổ y bác sĩ trực có hỏi tên nhưng bệnh nhân không nói được, sau đó rơi vào hôn mê.

Trinh sát Phòng 6 cũng đã làm việc với bộ phận bảo vệ, nhân viên vệ sinh, các tổ chức, cá nhân thường xuyên tổ chức các hoạt động thiện nguyện tại BV Việt Đức, hàng nước, trông xe, xe ôm ở khu vực trong và ngoài bệnh viện… nhưng không ai có thể nhận ra bệnh nhân vì bệnh nhân bệnh nặng, thời gian nằm viện lâu nên có những khác biệt rất nhiều về nhân dạng.

Trong túi đồ đạc của bệnh nhân này, bệnh viện phát hiện có thẻ bảo hiểm y tế mang tên Nguyễn Văn N. (60 tuổi, quê Yên Phong, Bắc Ninh), thẻ ATM, thẻ khám bệnh của BV Bạch Mai , các loại danh thiếp, giấy ghi nhiều số điện thoại khác nhau. Phòng 6 đã phối hợp với công an cơ sở và gia đình ông Nguyễn Văn N. tiến hành xác minh làm rõ thì được biết, người có tên trong thẻ bảo hiểm y tế trên đã… tử vong từ tháng 9/2017. Ông N. trong lần lên khám bệnh ở BV Việt Đức và cuối năm 2016 đã bị mất một sô giấy tờ tùy thân trong đó có thẻ báo hiểm y tế trên.

Việc xác minh từ những giấy tờ khác có trong người bệnh nhân khi bị đột quỵ cũng không mang lại thông tin nào hữu ích vì những giấy tờ này được xác định là không phải của bệnh nhân và gần như không có giá trị sử dụng đối với bệnh nhân.

Cán bộ Phòng 6 – C52 đã phối hợp với Phòng 4 – Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (C53 – Bộ Công an) chụp ảnh và lấy vân tay bệnh nhân đang nằm tại bệnh viện. Tuy nhiên, do người bệnh đã già yếu, các ngón tay bị phù nề nên vân tay bệnh nhân không rõ đã ảnh hưởng đến việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ tiếp theo của đơn vị.

Bỏ nhà đi từ 37 năm trước vì vi phạm pháp luật

Song song với quá trình này, các trinh sát Phòng 6 trực tiếp tiến hành rà soát các địa điểm tập trung đối tượng lang thang, các trung tâm bảo trợ xã hội, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là bệnh viện tâm thần xem có bệnh nhân trốn viện không; đồng thời, đề nghị BV Việt Đức phối hợp với C52 niêm yết ảnh và thông tin về bệnh nhân tại các khu vực của bệnh viện để thu thập các nội dung có liên quan.

Nỗ lực dường như vô vọng vì không có kết quả, các cán bộ của Phòng 6 vẫn không nản chí, tiếp tục mở rộng công tác điều tra xác minh, vận động quần chúng cung cấp thông tin. Đến ngày 29/3/2018, một số người trong BV Việt Đức qua sự tiếp xúc, động viên, gợi mở của các trinh sát đã cung cấp thông tin có thể bệnh nhân là một người thường xuyên ở lại qua đêm ở tầng 2, nhà chờ C4 của bệnh viện thời gian trước đây.

“Người này tối muộn mới về ngủ ở nhà chờ, sáng sớm lại đi, trước khi đi đều quét dọn, cất đồ đạc gọn gàng. Nếu đúng là bệnh nhân thì người này sau phẫu thuật và nằm viện đã khác trước rất nhiều, nếu chỉ nhìn qua ảnh thì không thể thể nhận diện ra được nếu như không quen thân.” – Thiếu tá Sơn thông tin.

Sự thật về bệnh nhân 3 tháng không người nhận ở Hà Nội - Ảnh 1.

Thời gian nằm viện lâu khiến ông Hồng có những khác biệt rất nhiều về nhân dạng.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cán bộ Phòng 6 – C52 xác định, tháng 3-2017, người đàn ông này vì sống lang thang, có thể từng gây ra các hành vi vi phạm pháp luật nên đã được Công an phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) đưa đi Trung tâm bảo trợ xã hội số 1 của TP Hà Nội, đến tháng 5/2017 thì ra khỏi Trung tâm nhưng không xác định được đi đâu. Hồ sơ lưu tại CAP Hàng Bông và Trung tâm bảo trợ xã hội số 1 cho thấy, người này có tên là Nguyễn Hồng, sinh năm 1941, đăng ký nhân khẩu thường trú tại Lào Cai cùng một số thông tin có liên quan khác.

Từ những thông tin đã thu thập được, Cục C52 có công văn gửi Viện Khoa học kỹ thuật hình sự – Bộ Công an đề nghị xác định dấu vân tay của bệnh nhân đang nằm điều trị tại BV Việt – Đức với dấu vân tay của người tên Nguyễn Hồng có phải là một hay không. Kết quả truy nguyên là đồng nhất.

Phối hợp với Phòng Cảnh sát truy nã và các cơ quan chức năng của CA tỉnh Lào Cai xác minh, cán bộ Phòng 6 – C52 được biết, ông Hồng đã tạm trú tại tổ 2, phường Lào Cai, thị xã Lào Cai (nay là thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) từ năm 1995; ông Hồng quê gốc ở Hải Phòng. Quá trình sinh sống, ông Hồng làm nghề cửu vạn. Đến năm 1999, ông rời đi cho đến nay không trở lại. Hiện giờ ông Hồng không có người thân ở tại Lào Cai.

Tiếp tục phối hợp với Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Phòng Hồ sơ, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính, CA Quận Lê Chân (TP Hải Phòng), cán bộ Phòng 6 – C52 đã xác định, ông Hồng tên thật là Nguyễn Hồng, tên khác là Nguyễn Duy Hồng, sinh năm 1941, quê gốc ở xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ông Hồng có vợ và 7 người con; hiện nay vợ và 4/7 người con của họ đang sinh sống tại phường Bắc Sơn, TP Uông Bí, Quảng Ninh.

Ngày 31/3, sau 10 ngày nỗ lực không ngừng nghỉ, Phòng 6 – C52 đã phối hợp các đơn vị, địa phương xác định được vợ và con ông Hồng. Tại trụ sở CA phường Bắc Sơn (TP Uông Bí), sau khi được nhận diện ảnh của bệnh nhân đang điều trị tại BV Việt Đức, ảnh của ông Nguyễn Hồng trong hồ sơ quản lý của cơ quan chức năng và được xem các tài liệu do Phòng 6 cung cấp, gia đình đều công nhận hai người này là một và là chồng, là cha của họ.

Gia đình ông Hồng cho biết, ông Hồng bỏ đi từ năm 1981 vì có dính líu đến pháp luật tại địa phương. Từ đó đến nay, gia đình, vợ con không biết ông Hồng đi đâu, làm gì.

Ngay trong đêm 31-3- 2018, với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Cục C52, anh Nguyễn Duy Đức (con trai cả ông Hồng) đã được tổ công tác Phòng 6 – C52 đưa lên BV Việt Đức để nhận dạng trực tiếp. Bằng linh cảm của người con và từ những đặc điểm nhận dạng riêng biệt, anh Đức chính thức xác nhận đây chính là bố của mình. Sau khi hoàn tất các thủ tục, anh Đức cùng gia đình đã đưa ông Hồng về bệnh viện tại Quảng Ninh để tiện điều trị, chăm sóc.

Theo Dân Trí

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…