Startup tích cực giải bài toán của thương mại điện tử
Nhiều startup mang đến giải pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm, tối ưu quy trình giao hàng, phương thức thanh toán… thúc đẩy thương mại điện tử bứt phá.
Sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến đặt ra những bài toán khó về chất lượng sản phẩm, quy trình giao hàng và phương thức thanh toán. Song song đó, với quy mô ước tính vượt 15 tỷ USD trong năm 2020, thị trường thương mại điện tử cũng trở nên hấp dẫn trong mắt các startup.
Ở bài toán kiểm soát chất lượng và cá nhân hóa danh mục sản phẩm cho người tiêu dùng, Sumi mang đến giải pháp là một “người bạn” AI dành cho thế hệ Z có khả năng trò chuyện với người dùng và tạo dựng mối quan hệ. Từ những cuộc hội thoại được xây dựng ban đầu, Sumi sẽ hiểu và nhớ được những nhu cầu của người dùng để từ đó gợi ý sản phẩm phù hợp, đã được cộng đồng đánh giá và tin tưởng.
“Với xu hướng phát triển AI hiện tại và khi thế hệ Z dần trở thành những người tiêu dùng chính, cá nhân hóa là một nhu cầu thiết yếu, giúp người dùng tiết kiệm thời gian trong mua sắm và tìm được sản phẩm cho riêng mình”, chị Nguyễn Thị Trâm Anh, nhà sáng lập kiêm CEO Sumi chia sẻ.
Trong khi đó, với những giải pháp công nghệ tối ưu cho livestream, Emiso giúp các doanh nghiệp triển khai mô hình live streaming nhanh chóng, tiết kiệm và ổn định. Đây là một trong những kênh bán hàng được ưa chuộng nhất hiện nay và vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.
“Giải pháp livestreaming của Emiso chú trọng tạo video trực tiếp với độ nét cao, độ trễ thấp, và kèm theo kho thư viện tính năng livestream phong phú giúp doanh nghiệp thỏa sức sáng tạo”, anh Hàng Minh Lợi, đồng sáng lập kiêm COO của Emiso chia sẻ.
Một startup sáng giá khác là Abivin cung cấp giải pháp tối ưu logistics – một trong những bài toán lớn nhất của thương mại điện tử tại Việt Nam. Để có thể lên kế hoạch cho hàng trăm xe và hàng nghìn đơn hàng chỉ trong vài giây, startup này đã phát triển thuật toán tối ưu thỏa mãn trên 30 điều kiện khác nhau như chi phí, loại xe, đường cấm, tận dụng tối đa tải trọng của các xe, thời gian đóng mở cửa khác nhau của các cửa hàng…
“Với Abivin vRoute, doanh nghiệp có thể hoạch định tuyến đường, tăng tỷ lệ đầy xe lên tối đa, trung bình lớn hơn 85%. Nhờ đó giảm chi phí và nhân lực 10-30%”, chị Nguyễn Hoàng Anh, đồng sáng lập kiêm COO của Abivin cho biết.
Trên phương diện thanh toán, bePOS với kinh nghiệm nhiều năm am tường thị trường bán lẻ nước ngoài, đã mang đến giải pháp thanh toán qua di động và quản lý bán hàng hiệu quả cho doanh nghiệp thuộc nhiều quy mô khác nhau. Startup này hỗ trợ các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ… chuyển đổi số và gia nhập thị trường bán hàng online nhanh chóng. Đây được cho là yếu tố mang tính sống còn trong “thời” Covid-19. Cụ thể bePOS cung cấp các giải pháp bán hàng tổng thể với quy trình tinh gọn và chi phí tối ưu, bao gồm POS, hệ thống báo cáo, quản lý lịch hẹn, kho, nhân viên, khách hàng…
“Chúng tôi đã hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp F&B, spa, bán lẻ trên 10 quốc gia. Các quy trình bán hàng, chăm sóc khách hàng, vận hành cửa hàng được rút ngắn và tối ưu giúp tăng hơn 30% doanh thu và giảm 50% chi phí mỗi ngày”, anh Bách Nguyễn, đồng sáng lập bePOS nói.
Sự tham gia tích cực của các startup được cho là động lực lớn thúc đẩy thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục trưởng thành và là một trong những thị trường sôi động nhất Đông Nam Á. Đà tăng trưởng mạnh mẽ này còn có trợ lực từ các quỹ đầu tư và các chương trình tăng tốc khởi nghiệp, trong đó có Grab Ventures Ignite (GVI) – chương trình do Grab triển khai nhằm kiến tạo những “kỳ lân tỷ đô” mới tại Đông Nam Á.
Đại diện bePOS nhận định, sự kết hợp hài hòa giữa tầm nhìn và thực tế là bài học quý giá nhận được từ GVI. Chương trình còn cung cấp những thông tin cần thiết về cách triển khai ý tưởng và đưa mô hình kinh doanh vào giai đoạn tăng trưởng bứt phá.
“Những câu chuyện từ những người đứng đầu Grab như ông Anthony Tan đã truyền cảm hứng cho chúng tôi rằng không có thành công nào xuất hiện sau một đêm mà cần cả một quá trình dài đằng đẵng sửa sai và làm lại với rất nhiều nỗ lực”, đại diện Sumi chia sẻ.
Còn Abivin đặt niềm tin vào những trải nghiệm thú vị từ chương trình. Startup có thêm kiến thức, có cơ hội tham gia và lắng nghe các buổi đào tạo bán hàng, tiếp thị, thiết kế sản phẩm, tài chính, quản lý con người… Kinh nghiệm từ “kỳ lân” Grab tại Đông Nam Á cũng là bài học mà Emiso đúc kết từ GVI.
Trong 13 startup tham gia GVI, chương trình sẽ chọn ra 5 startup thắng cuộc để trao gói hỗ trợ tổng trị giá đến hơn một triệu USD. Lễ trao giải được tổ chức vào ngày 24/11 tại Hà Nội.
Theo VNEXPRESS