Shark Phú chỉ ra 1 chiêu thức giúp startup dù ít tiền nhưng vẫn có thể tạo ra sự khác biệt để người dùng nhớ tới
Những thương hiệu thành công nhất Việt Nam như Trung Nguyên, Kinh Đô đa phần cách làm ban đầu của họ là “lấy mỡ nó rán nó” chứ họ không bỏ tiền ra quảng cáo vì không có nguồn lực.
Ít tiền: Chuyện đau đầu muôn thủa của startup
Chia sẻ tại một diễn đàn khởi nghiệp cách đây không lâu, ông Lê Hồng Minh, chủ tịch VNG có những chia sẻ bức tranh không phải màu hồng với những ai nung nấu ý ý định khởi nghiệp. Theo đó trong năm 2016, khu vực Đông Nam Á nhận được khoảng 1,5 tỷ USD vốn đầu tư vào các dự án khởi nghiệp thì chỉ dưới 100 triệu USD vào Việt Nam. 80% còn lại chảy vào Indonesia và Singapore. Ngay chính VNG vốn cũng khá khó khăn mới gọi được 200-300 triệu USD và phải qua nhiều thủ tực rườm rà mới thực hiện được một giao dịch nhỏ.
Lý giải cho xu hướng đầu tư startup tại Việt Nam tăng điều trong giai đoạn 2011-2014, đột biến năm 2014 nhưng giảm dần về số lượng đến năm 2016, số liệu thống kê của Sở khoa học và công nghệ TP. Hồ Chí Minh cho thấy do thiếu định hướng nên các doanh nghiệp Startup hoạt động rải rác trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ra tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp thành công cũng rất thấp, chỉ khoảng 5%. Hầu hết các startup có tuổi đời dưới 1 năm, quy mô nhỏ lẻ và khả năng tăng trưởng không cao, vốn đầu tư dưới 10 triệu USD.
Ngoài ra một số nhà đầu tư cho rằng gọi vốn ít sẽ dễ hơn hoặc tâm lý sợ bị chiếm đoạt dự án nên doanh nghiệp tìm cách ra giá quá cao khiến khả năng gọi vốn của startup Việt Nam càng khó khăn. Một lý do khác là các quỹ đầu tư gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư nên nhiều quỹ tuy có tiền để bỏ cho startup nhưng đến nay vẫn chưa được sử dụng.
Trong khi đó vốn cho doanh nghiệp được ví nhu máu trong cơ thể người. Sức khở của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào lượng máu để nuôi các tế bào. Từ đó doanh nghiệp mới đủ sức đầu tư, phát triển kinh doanh, xây dựng thương hiệu.
Ít tiền làm thế nào để tạo ra sự khác biệt?
Đó là câu hỏi của CEO tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú trong chương trình Wetalk của CafeBiz. Theo ông Phú thực ra bây giờ công nghệ và mọi thứ đều có thể học rất nhanh. Thế giới có thể làm ra tương đương về chất lượng, mẫu mã nhưng cái quan trọng nhất là làm sao để người dùng mua của mình mà không mua của người bên cạnh mình. “Điều quan trọng là đặt mình vào vị trí người tiêu dùng. Đấy là điều vô cùng quan trọng, tất cả mọi thứ chúng ta phải tập trung các bộ phận phòng ban để tìm ra điều này”, ông Phú nhấn mạnh.
Với kinh nghiệm đầu tư trong giới khởi nghiệp Việt Nam, ông Phú cho rằng lý do khiến nhiều người thất bại là mặc dù họ làm được sản phẩm A, B, C nhưng không hút được người dùng về.
“Thực ra nguồn lực hàng nghìn tỷ không ăn thua gì khi chúng ta cứ tiêu đi mà không có nguồn quay lại. Mặc dù có 10 triệu đồng nhưng chúng ta cứ bán, có tiền quay về thì chúng ta cứ lớn dần lên, doanh nghiệp sẽ thành công”, vị doanh nhân này khẳng định. Và điểm mấu chốt nhất của làm to hay làm bé là sản phẩm dịch vụ của mình gây ra điểm gì đó để người dùng nhìn thấy.
Lấy ví dụ về Uber hay Grab khi thâm nhập thị trường Việt Nam, đầu tiên họ có thể lỗ hàng nghìn tỷ, CEO tập đoàn Sunhouse cho rằng về bản chất họ muốn chuyển thói quen của người tiêu dùng: Rẻ hơn, tiện hơn. Thậm chí, đáng lẽ đi chuyến taxi 40 nghìn đồng, nhưng họ sẵn sàng bán với giá 20 nghìn đồng.
Một ví dụ khác từ chính Sunhouse kinh doanh bình lọc nước được ông Phú đưa ra. Tại thời điểm này thương hiệu Korea King rất lớn, phủ hết thị trường. Sunhouse cũng mua đúng sản phẩm của nhà máy mà hãng Korea King mua và dán thương hiệu của mình nhưng không thể bán được. Dù tập đoàn này quyết định bán rẻ hơn tới 5% so với sản phẩm của Korea King.
“Để nói cho người tiêu dùng 2 sản phẩm giống nhau đã tốn rất nhiều tiền rồi. Quảng cáo còn tốn hơn”, ông Phú chia sẻ. Quyết định của Sunhouse lúc này là giảm giá xuống 1 nửa, mua 1 tặng 1 và bắt đầu đầu có hiệu ứng.
“Nếu chỉ giảm 5% không ăn thua, giảm nửa thì người tiêu dùng bắt đầu thay đổi thói quen. Thêm nữa các đại lý bắt đầu lấy hàng vì khoản lợi rất lớn. Họ lại là những tuyên truyền thay mình quảng cáo”, ông Phú rút ra kinh nghiệm.
Như vậy theo CEO Sunhouse, cùng sản phẩm tương đương nhưng ai nghĩ ra cách tạo sự khác biệt, gây chú ý cho người dùng, để cho người dùng nhận ra lợi ích hơn. Trong đó lợi ích của người tiêu dùng có rất nhiều yếu tố: Giá, chức năng sản phẩm, mẫu mã màu sắc sản phẩm, độ tiện dụng. Nếu sản phẩm nào tích hợp càng nhiều thứ càng tốt. Điều tiên quyết là doanh nghiệp phải có ít nhất 1 thứ hơn người khác. Từ kinh nghiệm lâu năm trong thương trường, ông Phú cho rằng chỉ cần tìm đúng ra 1 điểm đấy thôi là sẽ thành công.
“Sau này các bạn làm công nghệ cũng thế thôi hãy tìm ra 1 điểm khác biệt gây chú ý. Tất nhiên cái khó nhất của startup là tiền và gây sự khác biệt rất tốn tiền. Vậy làm thế nào khác biệt mà ít tiền mới là khó”, ông Phú lại đặt thêm câu hỏi.
Từ sự quan sát của bản thân với những thương hiệu thành công nhất Việt Nam như Trung Nguyên, Kinh Đô ông Phú cho rằng đa phần cách làm của họ là lấy mỡ nó rán nó chứ họ không bỏ tiền ra quảng cáo vì không có nguồn lực.
Ví dụ Trung Nguyên gây được thương hiệu bằng cách giai đoạn đầu làm 1 quán cà phê chuẩn, nhận diện thương hiệu chuẩn, khác biệt hẳn với quán khác. Và quán đó vẫn bán cà phê và tiền bán cà phê vẫn đủ nuôi cửa hàng nhưng thương hiệu được vào nhận diện chuẩn đó. Điểm khác biệt tạo nên thương hiệu.
Hay như Kinh Đô làm bánh trung thu, mở ra quầy bán bánh. Cùng nhận diện, cùng vỏ hộp bánh thì doanh nghiệp này chọn cách sắp xếp các vỏ hộp chồng lên nhau. Cách làm này không mất đồng nào marketing nhưng có tư duy để tạo ra sự khác biệt để hình thành thương hiệu.
“Cái khó nhất của startup là tìm ra một kẽ hở, khác biệt nhưng không tốn nhiều tiền mà người dùng vẫn nhận ra chúng ta khác. Đấy là cái bài rất khó. Bắt chước cho tiền vào quảng cáo thì đốt nhanh lắm, hết tiền ngay”, ông Phú kết luận.
Trí thức trẻ