Sau Mỹ, đến lượt EU áp dụng biện pháp tự vệ với thép Việt
Để bảo vệ các nhà sản xuất thép thuộc Liên minh châu Âu (EU) trước nguy cơ cạnh tranh dữ dội của thép nhập khẩu, ngày 18/7/2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông báo tới WTO về việc EU sẽ áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời với sản phẩm thép của các nước trong vụ việc điều tra (trong đó có thép Việt Nam), áp dụng biện pháp tự vệ với một số sản phẩm thép nhập khẩu. Theo các chuyên gia kinh tế, quyết định này chắc chắn sẽ gây ra khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam.
3 sản phẩm thép Việt sẽ bị EC áp mức hạn ngạch
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, biện pháp tự vệ tạm thời sẽ được EU áp dụng dưới hình thức hạn ngạch thuế quan đối với 28 nhóm sản phẩm thép bị điều tra. Trong đó, mỗi nhóm sẽ được quy định một mức hạn ngạch riêng. Đối với lượng hàng hóa vượt hạn ngạch, mức thuế áp dụng là 25% trong vòng 200 ngày, bắt đầu từ ngày 19/7/2018.
Ngoài ra, căn cứ trên quy định của Điều 9.1 Hiệp định tự vệ WTO về việc loại trừ các nước đang phát triển ra khỏi biện pháp nếu các nước này đáp ứng tiêu chí có thị phần nhập khẩu nhỏ hơn 3% và tổng thị phần của tất cả các nước đang phát triển đáp ứng tiêu chí trên nhỏ hơn 9%, EC đã xây dựng danh sách các loại sản phẩm mà cơ quan này sẽ áp dụng biện pháp sơ bộ với các nước đang phát triển. Theo đó có 3 nhóm sản phẩm thép của Việt Nam bị áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trong 200 ngày bao gồm: thép cán nguội hợp kim và không hợp kim, thép tấm mạ kim loại và thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh. Theo quy định của Điều 12.3 Hiệp định tự vệ WTO, sau khi áp dụng biện pháp, EU sẽ tạo cơ hội cho các bên có liên quan tiến hành tham vấn về biện pháp.
Trước khi áp thuế tự vệ tạm thời với 3 nhóm sản phẩm thép của Việt Nam, EU áp dụng thuế ưu đãi GSP 0% đối với các sản phẩm sắt thép có xuất xứ Việt Nam và áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt thép Trung Quốc (65,1 – 73,7% đối với thép tấm nặng; 13,2 – 22,6% đối với thép cán nóng).
Mặc dù chỉ có 3 nhóm sản phẩm thép của Việt Nam bị áp thuế tạm thời khi xuất khẩu vào thị trường EU nhưng theo các chuyên gia kinh tế, ngành thép Việt đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trước đó, Mỹ cũng đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép và nhôm theo Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng cho các nước (miễn trừ Mexico, Canada) dưới hình thức tăng thuế nhập khẩu. Theo đó, một số sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ sẽ phải chịu mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm.Với quyết định này, các sản phẩm thép của Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với Hoa Kỳ vẫn phải chịu mức thuế lên tới 25%.
Theo : Nguyễn Cường
Cherry Media – https://bizc.vn
[elementor-template id=”16904″]