Sản xuất toàn cầu phục hồi mạnh

Nhân viên đeo khẩu trang trong nhà máy VW ở Wolfsburg, Đức vào tháng 4/2020. Ảnh: AP.

Bất chấp Covid-19 vẫn bùng phát, các nhà máy ở châu Á và châu Âu gia tăng sản lượng khi năm 2020 kết thúc, nhờ thương mại hồi sinh.

Các cuộc khảo sát với giám đốc mua hàng tại các nhà máy trên khắp châu Á và châu Âu được công bố hôm 4/1 đã ghi nhận sự tăng mạnh của hoạt động sản xuất trong tháng 12. Thậm chí, tại Đài Loan, lĩnh vực sản xuất có tháng cao mạnh nhất trong gần một thập kỷ. Kết quả của một cuộc khảo sát tương tự sắp công bố tại Mỹ cũng dự kiến chỉ ra sự gia tăng mạnh mẽ của hoạt động này.

Trong khi châu Âu chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng, khiến các chính phủ có thể tăng các lệnh hạn chế, các nhà sản xuất tại đây vẫn tiếp tục báo cáo sự phục hồi.

IHS Markit cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của khu vực đồng euro đã tăng lên 55,2 trong tháng 12, từ mức 53,8 trong tháng 11, đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2018. Chỉ số trên 50 phản ánh hoạt động đang tăng trưởng trong khi dưới 50 báo hiệu sự suy giảm.

“Hiệu suất vững chắc của ngành sản xuất trong bối cảnh thắt chặt các hạn chế của Covid-19 trong những tháng cuối năm 2020 thể hiện sự tương phản lớn với các đợt đóng cửa hồi đầu năm. Các nhà máy đang đóng vai trò hỗ trợ quan trọng cho nền kinh tế khi ngành dịch vụ gặp nhiều khó khăn”, Chris Williamson, Nhà kinh tế trưởng của IHS Markit, nhận xét.

Sự hồi sinh của sản xuất tại châu Âu được dẫn dắt bởi Đức, nước đang có nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ. Chỉ số PMI của quốc gia này đã tăng lên mức cao nhất trong gần ba năm vào tháng 12.

Nhật Bản, một nhà xuất khẩu hàng sản xuất hàng đầu khác, đã chứng kiến chỉ số PMI tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2019. Trong khi đó, các nhà máy của Hàn Quốc báo cáo hoạt động tăng trưởng mạnh mẽ tương đương tháng 11.

Khả năng phục hồi của khu vực sản xuất toàn cầu trái ngược với sự yếu kém của các doanh nghiệp dịch vụ, vốn phụ thuộc nhiều vào tiếp xúc vật lý. Tại một vài nước, chính quyền vẫn đang dừng hoạt động nhiều loại hình dịch vụ và hạn chế tập trung đông người ở vài nơi.

Các nhà kinh tế dự đoán xu hướng trái ngược của sản xuất và dịch vụ sẽ trở thành một đặc điểm của nền kinh tế toàn cầu năm 2021, cho đến khi vaccine được phân phối đủ rộng để đảm bảo khả năng miễn dịch rộng rãi.

Riêng với Trung Quốc, chỉ số PMI theo khảo sát của Caixin cho biết sản xuất giảm nhẹ tháng qua, một phần phản ánh sự hạ nhiệt của nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của nước này. Trong thời kỳ đại dịch, đồ bảo hộ và các sản phẩm công nghệ gia đình đóng vai trò là trụ cột cho thương mại nước ngoài của Trung Quốc, giúp Trung Quốc giành được thị phần toàn cầu.

Bất chấp đà phục hồi kéo dài, các cuộc khảo sát PMI chỉ ra rằng nhiều nhà máy trên thế giới tiếp tục cắt giảm nhân sự. Điều đó cho thấy nhiều người vẫn thận trọng về triển vọng vào năm 2021, ngay cả khi việc triển khai vaccine đang được tiến hành.

Theo VNEXPRESS

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…