Saigon Co.op nguy cơ bị thâu tóm thế nào
TP HCMNhiều tổ chức thông qua HTX thành viên đã góp hàng nghìn tỷ đồng để tăng khả năng chi phối Saigon Co.op – nơi sở hữu hơn 100 siêu thị trải dài khắp nước.
Kết luận Thanh tra thành phố công bố hôm 27/7 cho thấy Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố (Saigon Co.op) có “dấu hiệu bị thâu tóm” ở lần bổ sung vốn điều lệ lên gần 6.800 tỷ đồng vào đầu năm 2020. Trước đó đơn vị này đã trải qua 7 lần tăng vốn.
Để chuẩn bị cho lần tăng vốn đầu năm nay, ngày 18/4/2019, Saigon Co.op tổ chức hội thảo lấy ý kiến các hợp tác xã (HTX). Hội thảo thống nhất chủ trương tăng góp vốn của các HTX vào vốn điều lệ Saigon Co.op tùy theo tình hình tài chính từng thành viên. Hai tháng sau, HĐQT Saigon Co.op thông qua tờ trình chủ trương tăng vốn.
Ngày 6/7/2019, Saigon Co.op tổ chức Đại hội thành viên nhiệm kỳ 2019-2024 và ban hành Nghị quyết 11, thống nhất tăng vốn điều lệ từ các HTX thành viên theo đúng quy định pháp luật “để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính phục vụ cho việc triển khai các giải pháp trọng yếu theo đúng định hướng phát triển tổng thể, giữ vững vị thế dẫn đầu của Saigon Co.op”. HĐQT được giao tính toán phương án tăng vốn cụ thể trình Đại hội thành viên thông qua.
Ngày 30/1/2020, Đại hội thành viên bất thường Saigon Co.op có nghị quyết thống nhất tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỷ đồng lên gần 6.800 tỷ đồng, theo phương án huy động vốn từ các thành viên. 20 trong số 26 HTX thành viên góp vốn hơn 3.597 tỷ đồng. Đơn vị góp nhiều nhất hơn 952 tỷ đồng, ít nhất 50 triệu đồng.
Cũng theo Nghị quyết, vốn góp từ các HTX thành viên không phải do các hợp tác xã thành viên đi vay hoặc huy động từ nguồn vốn đối thủ cạnh tranh. Saigon Co.op sẽ hoàn trả số tiền huy động này nếu HTX thành viên vi phạm.
Tuy nhiên, qua kiểm tra kết quả hoạt động sản xuất, Thanh tra thành phố cho thấy trong các năm 2018-2019 có 6 HTX thành viên hoạt động không hiệu quả. Một số HTX thành viên của Saigon Co.op đạt lợi nhuận 5-6 tỷ đồng nhưng không góp vốn. Trong khi phần lớn các HTX chỉ đạt lợi nhuận sau thuế từ 24 đến 500 triệu đồng một năm lại góp vốn hàng trăm tỷ đồng. Điều này được cho là không bình thường.
Thậm chí một số đơn vị kinh doanh lỗ nhưng vẫn góp hàng trăm tỷ đồng như: HTX Thương mại, dịch vụ Linh Tây (kinh doanh lỗ 48 triệu đồng, góp 952 tỷ đồng); HTX Thương mại Thị Nghè (lỗ 163 triệu đồng, góp 244 tỷ đồng); HTX Thương mại Đô Thành (lỗ 721 triệu đồng, góp hơn 247 tỷ đồng)…
Theo ghi nhận trưa 28/7, trụ sở HTX Thương mại, dịch vụ Linh Tây nằm trên đường Lê Văn Ninh, bên cạnh chợ Thủ Đức, vắng vẻ. Tấm bảng hiệu ghi thông tin các mặt hàng kinh doanh của cửa hàng Co.op số 36 này bị phai màu, khó đọc. Cửa hàng rộng chừng 30 m2 chỉ có một nhân viên, bán đồ gia dụng như thảm chùi chân, bao bì, giấy dán tường, ghế xếp, thú nhồi bông…
Cách đó chừng 9 km, ở số 8 Công trường Tự Do (Bình Thạnh), là trụ sở HTX Thương mại Thị Nghè. Đây là khu vực khá sầm uất với nhiều cửa hàng ăn uống, tạp hóa, mỹ phẩm… Tấm bảng hiệu HTX đặt trên mái nằm xiêu vẹo, ngả màu nâu, hoen rỉ. Căn nhà được chia thành hai khu vực kinh doanh và văn phòng. Ở tầng trệt là cửa hàng cháo, gỏi vịt với hơn 10 bàn, nhưng chỉ một bàn có khách…
Làm việc với thanh tra trước đó, các HTX này cho biết đã huy động vốn từ các thành viên bên ngoài và có trường hợp ký hợp đồng hợp tác với các cá nhân bên ngoài hợp tác xã. Điều này cho thấy đã có các cá nhân, tổ chức thông qua hợp tác xã thành viên để tham gia đầu tư vốn vào Saigon Co.op.
Ngày 29/4, Thanh tra thành phố đã mời làm việc (lần 2) đối với 26 HTX thành viên Saigon Co.op để làm rõ nguồn gốc góp vốn. HTX Thương mại dịch vụ Linh Tây là đơn vị góp vốn cao nhất nhưng không đến làm việc. 13 HTX ủy quyền cho một đại diện nhưng người này và các HTX đến làm việc cũng không cung cấp hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của đoàn thanh tra làm rõ nguồn vốn góp.
Theo cơ quan thanh tra, do tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt được 26-39% trên vốn góp nên nhu cầu của các cá nhân, tổ chức muốn đầu tư vào Saigon Co.op là có cơ sở. Việc này cũng cho thấy nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động.
“Có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung (tài sản không chia) và tài sản của nhà nước. Điều này ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự”, kết luận của Thanh tra thành phố nhận định.
Ngoài ra, Thanh tra thành phố cũng kết luận việc tăng vốn điều lệ năm 2020 của Saigon Co.op chưa đúng quy định của Luật Hợp tác xã và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Saigon Co.op đã được Đại hội thành viên thông qua.
Cụ thể, HĐQT chưa xây dựng phương án huy động vốn trình Đại hội thành viên là không đúng Nghị quyết của Hội đồng thành viên năm 2019. Việc HĐQT ban hành Nghị quyết ngày 12/11/2019 thống nhất phương án tăng vốn chỉ căn cứ vào biên bản họp HĐQT trong khi chưa có phương án trình Đại hội thành viên không đúng theo Thông tư 83/2015 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với HTX.
HĐQT ra Nghị quyết về phương thức tăng vốn cũng không đúng do việc này thuộc thẩm quyền của Đại hội thành viên. Ngoài ra, ngày 30/1 Đại hội Thành viên bất thường của Saigon Co.op mới có Nghị quyết thống nhất việc tăng vốn nhưng việc huy động vốn đã diễn ra từ tháng 12/2019 và hoàn tất việc góp vốn vào ngày 20/1; các HTX thành viên huy động vốn từ bên ngoài, không phải là thành viên của HTX để góp vốn vào Saigon Co.op là không đúng Nghị quyết của Đại hội thành viên.
Các sai phạm tại Saigon Co.op theo cơ quan Thanh tra là thuộc về trách nhiệm của HĐQT, Thành viên liên hiệp, Ban Tổng giám đốc, các phòng ban chức năng và cá nhân có liên quan tại các thời kỳ.
Ngoài kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo xử lý, khắc phục những thiếu sót, sai phạm liên quan, Thanh tra thành phố đề nghị công an vào cuộc.
Hôm 27/7, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT của Saigon Co.op bị Ban thường vụ Thành ủy TP HCM đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, các vai trò Ban chấp hành, Ban thường vụ và Bí thư Đảng ủy tại Đảng bộ Saigon Co.op do để xảy ra nhiều sai phạm tại đơn vị này.
VnExpress nhiều lần gọi vào số máy của ông Diệp Dũng nhưng không liên lạc được. Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op nói rằng “không muốn xoáy vào nỗi đau của Saigon Co.op nữa. Những việc xảy ra ở Saigon Co.op vừa qua không phải đấu đá nội bộ mà tất cả tập thể đều đứng về một phía bảo vệ Saigon Co.op. Thành ủy, UBND thành phố cũng chỉ đạo giữ vững được Saigon Co.op”, ông Đức nói và cho biết hoạt động của Saigon Co.op diễn ra bình thường.
Saigon Co.op tiền thân là Ban quản lý Hợp tác xã Mua Bán thành phố. Đến năm 1989, UBND thành phố quyết định chuyển đổi thành Liên hiệp hợp tác xã mua bán TP HCM (Saigon Co.op), là tổ chức kinh tế hợp tác xã theo nguyên tắc xác lập sở hữu tập thể, hoạt động sản xuất kinh doanh tự chủ và tự chịu trách nhiệm.
Năm 1998, đơn vị này đổi tên thành Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM với 20 hợp tác xã thành viên. Năm 1999, Saigon Co.op có vốn đăng ký hơn 23 tỷ đồng gồm: vốn điều lệ hơn một tỷ đồng, vốn công trợ của nhà nước 198 triệu đồng và gần 22 tỷ đồng vốn tích lũy không chia.
Từ khi thành lập đến nay, Saigon Co.op 34 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, 14 lần điều chỉnh, bổ sung điều lệ qua các thời kỳ và 8 lần bổ sung tăng vốn điều lệ. Tính đến tháng 1/2020, Saigon Co.op có vốn điều lệ gần 6.800 tỷ đồng.
Quá trình hoạt động cho thấy Saigon Co.op kinh doanh rất hiệu quả. Điều này thể hiện từ năm 2014 đến nay, lợi nhuận sau thuế của Saigon Co.op ổn định qua các năm ở mức 800 tỷ đến 1.500 tỷ đồng. Từ năm 2014 đến 2019, đơn vị này đóng thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 1.270 tỷ đồng.
Saigon Co.op hiện có hơn 100 siêu thị (Co.opmart), 360 cửa hàng Co.op Food trong cả nước và là một trong những hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam.
Hữu Công – Hà An (theo vnexpress.net).