Sài Gòn – TP.HCM, những ngày sống chậm vì dịch Covid-19
Những ngày căng thẳng đối phó với dịch Covid-19 bỗng dưng trở thành khoảng thời gian sống chậm “điềm tĩnh” chưa từng thấy của thành phố chục triệu dân vốn được mệnh danh là thành phố không ngủ.
Dịp này những năm trước thì đang là một TP.HCM ồn ã, chen chúc những người là người dưới cái nắng tháng 3. Vội đi vội chạy vội việc vội hẹn, cứ như một thành phố bị thừa năng lượng sống, ai cũng lao vào dòng chảy của đô thị với áp lực cực lớn của tốc độ sống.
Chỉ có những dịp Tết Nguyên đán thì TP.HCM mới thật sự yên tĩnh, nhưng lại là cái yên tĩnh thiếu vắng người đến mức cô đơn, vì ai cũng rời bỏ đô thị để tìm về quê hương xum vầy bên gia đình, bên cha mẹ.
Tôi bỗng thấy một Sài Gòn – TP.HCM rất khác trong những ngày gồng mình chống dịch. Vẫn không ít người đi là bao nhiêu, nhưng nhịp sống thì chậm lại đến mức không tưởng.
Chậm lại nên mấy đôi vợ chồng trẻ có cơ hội thong dong nắm tay nhau dạo bộ công viên, thay cho cái cảnh sáng nào cũng khủng hoảng cảm xúc với chuông báo thức, vội vàng choàng dậy để kịp lao vào dòng chảy cuồng nhiệt của công việc. Chậm lại nên mấy cô cậu thanh niên mới thả mình thư thái vào những trang sách bên ghế đá công viên dưới tán cây rải đầy nắng. Buổi sớm mai giữa Sài Gòn bỗng dưng yên ả…
Chậm lại nên nhà nào bữa cơm gia đình cũng trở nên ấm cúng – những bữa cơm gia đình mà không phải nhà nào cũng giữ nếp được lúc ngày thường. Chồng bận vợ bận, con cái học hành thi cử, bữa cơm có khi đủ mặt gia đình đã là khó lắm. Và chẳng hiếm chuyện những anh chồng lười chuyện bếp núc bỗng quay ra giành phần rửa chén, nấu cơm như thể bắt được cơ hội để chia sẻ và quan tâm đến gia đình.
Ở nhà, hạn chế ra đường để tăng mức độ giãn cách cộng đồng, hỗ trợ cho những nỗ lực của chính phủ trong cuộc chiến đầy khó khăn chống lây lan dịch bệnh Covid-19 là điều rất có ý nghĩa về trách nhiệm công dân lúc này. Sống chậm lại những ngày này cũng là cách để góp sức giữ cho những con số đáng sợ trên bảng thông báo dịch bệnh không tăng nhanh và luôn trong phạm vi có thể kiểm soát.
Nhưng nếu nghĩ thêm một chút, quan sát thêm một chút, mới thấy bên cạnh cái “rủi ro” hạn chế tiếp xúc ấy lại là một dịp tốt để bạn có nhiều thời gian hơn bên gia đình, nhiều cơ hội hơn để quan tâm, chăm sóc người thân yêu của mình. Và bạn được sống chậm lại, được tận hưởng những điều thú vị mà có thể dịp bình thường cuộc sống ồn ã cuốn bạn đi đến mức quên mất. Một Sài Gòn chậm lại như một dịp để thành phố tự giảm áp lực lên cuộc sống của cư dân, như một dịp để giảm áp lực lên môi trường sống vốn có nguy cơ kiệt quệ và đổ vỡ thế cân bằng vì tác động công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hôm qua có cậu giảng viên trẻ ở trường đại học tôi làm việc chia sẻ lên Facebook trải nghiệm cá nhân về một chiến dịch đầy hối hả của chính quyền trong nỗ lực kịp chuẩn bị khu vực cách ly mới cho công dân từ nước ngoài về tránh dịch.
Các bạn trẻ đã làm việc liên tục, xuyên đêm. Một bức ảnh chụp từ cửa sổ trên tầng cao ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM ghi lại một khung cảnh xúc động. Một số bạn trẻ trong nhóm tình nguyện viên và bộ đội đang tranh thủ chợp mắt trên những tấm chiếu trải vội bên lề đường. Bức ảnh được nhiều người chia sẻ lại trên mạng.
Thông điệp có thể được viết kèm bức ảnh với diễn đạt khác nhau, nhưng ngữ nghĩa thì chỉ có một: đằng sau nhịp sống chậm lại của thành phố là một cuộc đua tốc độ khốc liệt của chính quyền và lực lượng tổ chức chống dịch. Tổ quốc chẳng thể từ chối đồng bào tìm về trú ẩn dù vẫn biết áp lực kiểm soát dịch bệnh sẽ khó khăn hơn. Quê hương chẳng thể khoanh tay quay mặt bỏ rơi con em mình nơi đất khách xứ người.
Phía sau một ngày tháng bình yên, thong thả nào đó của bạn luôn là những nỗ lực nhiều khi đến kiệt sức của nhiều người có trách nhiệm mà mỗi chúng ta chẳng thể nào được phép quên.
Theo thanhnien.vn