Rất lo việc chưa có đặc khu mà đất đã sốt

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng lo ngại mới nghe tin có luật đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc mà cò đất đã đẩy giá lên, vì thế lãnh đạo các tỉnh phải chịu trách nhiệm nếu không cẩn thận thì mất cán bộ.

Sáng nay 16-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn , Bắc Vân Phong , Phú Quốc .

Rất lo việc chưa có đặc khu mà đất đã sốt - Ảnh 1.

Phiên họp thứ 23 của UBTVQH – Ảnh; Nguyễn Nam

Trình bày báo cáo tiếp thu, chính lỷ dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Nguyễn Khắc Định cho biết trong dự thảo luật Chính phủ trình QH, tại cả 3 đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang) đều xác định xây dựng, kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino là dự án thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển, cần thu hút đầu tư.

Cơ quan thẩm tra cho rằng đây là các dự án đầu tư phức hợp đa chức năng với vốn đầu tư lớn (tối thiểu là 44.000 tỉ đồng, trong đó, vốn đầu tư cho dịch vụ kinh doanh casino chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ). Do vậy, việc quy định dự án đầu tư thuộc lĩnh vực này được hưởng ưu đãi về thuế, tiền thuê đất như các dự án khác thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển là cần thiết để thu hút đầu tư và bảo đảm cạnh tranh quốc tế.

Tuy nhiên, đây cũng là ngành, nghề kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận rất cao, có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, do đó, chính sách ưu đãi cũng cần được tính toán hợp lý, bảo đảm không gây thất thu cho ngân sách nhà nước trong dài hạn.

Cho ý kiến dự luật, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh việc phải thống nhất quan điểm là cần thiết ban hành luật này. Tuy nhiên, Chủ tịch QH lưu ý việc xây dựng luật phải làm từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đây là luật khó với nhiều chính sách mới mang tính thử nghiệm, đột phá. Các quy định trong luật này có thể khác luật khác nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp và chủ trương của Đảng.

Góp ý cụ thể, Chủ tịch QH việc lập 3 đặc khu để thu hút nguồn lực, tạo 3 vùng động lực chứ không phải để nhà nước bỏ ra 1 triệu tỉ đồng để hấp dẫn nhà đầu tư.

Theo Chủ tịch QH, kế hoạch đầu tư công trung hạn cả nước chỉ có 2 triệu tỉ đồng trong khi 3 đặc khu cần 1 triệu tỉ đồng thì cần xác định nguồn ở đâu, so với kế hoạch trung hạn thế nào để đảm bảo khả thi?

“Vấn đề là thu hút đầu tư chứ không phải nhà nước đổ tiền vào rồi miễn, giảm… thuế, không thu khoản này khoản khác. Mục đích cuối cùng là đặc khu ra để được cái gì đó, bỏ ra 1 đồng để thu lại vài chục đồng, vài trăm đồng chứ không thể 10 năm, 20 năm tới ngồi đánh giá tổng kết lại thấy không được gì” – Chủ tịch QH nhấn mạnh và đề nghị rà soát kỹ các quy định cho phù hợp quan điểm này.

Cũng băn khoăn về quan điểm trong tiến hành xây dựng dự thảo luật, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhìn nhận vấn đề kinh tế đã chưa được thảo luận kỹ. Trong khi mục tiêu chính của việc lập 3 đặc khu là tạo ra hoạt động kinh tế có sức lan toả, phát huy lợi thế so sánh của từng khu vực để tạo ra sự phát triển nhanh chóng.

“Đã là kinh tế thì hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu vì thế cơ quan soạn thảo, Chính phủ phải trả lời là 3 đặc khu này mang lại lợi ích gì cho đất nước và chúng ta phải bỏ ra cái gì và thu được cái gì, trong ngắn hạn có thể chưa có hiệu quả nhưng dài hạn thì phải thu được kết quả tích cực”- ông Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề.

Phó Chủ tịch QH nêu thẳng báo cáo giải trình tiếp thu của cơ quan thẩm tra và báo cáo giải trình của Chính phủ đều chưa nói rõ sẽ xử lý vấn đề kinh tế, hiệu quả cụ thể ra sao?

Ông Phùng Quốc Hiển nêu ví dụ: “Các đặc khu muốn phát triển cần hơn 1 triệu tỉ đồng, vậy ngân sách trong 3 năm tới của nhiệm kỳ này, 5 năm của nhiệm kỳ sau, 10 năm sau là bao nhiêu? Cho rằng chưa có số liệu chính thức nhưng thông tin Phú Quốc cần 900 ngàn tỉ đồng, ngân sách bỏ ra 19%. Hay Vân Đồn cần vài trăm ngàn tỉ đồng, ngân sách bỏ ra 10%. Vậy nguồn lực lấy đâu ra? Tính toán mà chưa chỉ được ra nguồn thì khó thực hiện”.

Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Khắc Định cũng cho biết thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, quy định về thời hạn sử dụng đất trong dự thảo đã được chỉnh lý: căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch UBND đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu nhưng không quá 70 năm. Trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng quyết định.

Về quy định này, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển thì phải làm rõ thế nào là đặc biệt, tránh cho cơ chế đặc biệt tràn lan quá dẫn tới không đặc biệt nữa.

“Ba đặc khu là những vùng đất có giá trị rất cao, có thông tin giá đất ở Vân Đồn đã tăng 2, 3 lần, Phú Quốc đất cũng đang sốt. Vì vậy cần phải tính toán chính sách hợp lý không nên miễn giảm quá mức như như dự thảo luật”- ông Hiển lo ngại.

Về chính sách, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị làm rõ thế nào là “đặc biệt” để tránh việc giao đất 99 năm tràn lan. Ngoài ra, việc miễn, giảm thuế cần cân nhắc vì đây cũng là ngân sách.

“Chính sách thuế cần có quy định thể hiện tính nổi trội nhưng phải tính toán kỹ, vì không cẩn thận thì chúng ta chẳng thu được gì nhiều lắm so với số bỏ ra, thậm chí tạo gánh nặng ngân sách, nhất là dùng chính sách miễn, giảm, giãn tràn lan” – ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh và đặt câu hỏi tại sao ưu đãi kinh doanh bất động sản lên đến 10% trong khi đất ở những nơi này đang “sốt” dần, dễ là nơi “lướt sóng” chứ không phải đầu tư.

“Tôi không đồng tình miễn, giảm như thế này. Chỉ nên có chính sách hợp lý hơn, chứ không nên miễn, giảm thuế quá mức như thế này” – ông Phùng Quốc Hiển nói và đề nghị có ưu tiên phát triển khác nhau để phát huy lợi thế so sánh của Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc so với các nơi khác.

Rất lo việc chưa có đặc khu mà đất đã sốt - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng

Cho ý kiến dự thảo luật, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho biết đã có nhà đầu tư nước ngoài chia sẻ “họ không quan tâm lắm những ưu đãi mà mà quan tâm môi trường đầu tư thế nào”.

Phó Chủ tịch QH đồng tình với sự cần thiết ban hành luật và việc hình thành 3 đặc khu kinh tế nhưng cho rằng luật phải được xây dựng song hành cùng với 3 đề án đặc khu (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc). Cần khẩn trương hoàn thành 3 đề án để thực hiện luật này, giải quyết những vấn đề cụ thể được UBTVQH đề cập hôm nay.

“Cần có đề án đặt trên bàn đại biểu QH cùng dự luật chứ nếu không khó thông qua được, nhất là đại biểu sẽ lo lắng mấy triệu tỉ đồng rót vào đây. Đại biểu làm sao yên tâm được. Nhất là hiện mới nghe tin có luật này mà cò đất đã đẩy giá lên. Các đồng chí đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm về việc này mà nếu không cẩn thận thì mất cán bộ. Tôi lo lắm các đồng chí ạ”- Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng lo ngại.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết đã có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng cò đất, thổi giá đất và Vân Đồn đến thời điểm này được kiểm soát đất đai rất nghiêm để thực hiện giải phóng mặt bằng sau này.

Theo Thế Dũng

Người lao động

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…