"Quả bóng" bất động sản Phú Quốc đang được bơm rất căng, nguy cơ xì hơi bất cứ lúc nào

Đó là nhận định của ông Phan Công Chánh, chuyên gia phân tích thị trường bất động sản cá nhân. Theo ông Chánh thị trường nhà đất Phú Quốc đang “sốt” nhất nước.

Mặc dù Chính phủ chững như UBND tỉnh Kiên Giang đã có lệnh thanh tra, kiểm tra đất đai ở Phú Quốc. Tuy vậy, dọc các tuyến đường chính của đảo từ thị trấn An Thới lên các xã Hàm Ninh, Dương Tơ, Cửa Dương, Cửa Cạn đến Gành Dầu, vẫn xuất hiện hàng ngàn áp phích rao bán đất nền, đất công ở khắp các cây cột điện, cành cây.

Song song đó, nhiều ngày qua các thông tin cảnh báo về việc khách hàng có khả năng mất “cả chì lẫn chài” do lao vào cơn say đất nền Phú Quốc, nhưng vẫn có hàng tốp khách hàng đi “xế hộp” xếp hàng tranh nhau mua từng lô đất rừng, đất ven biển ở nơi đây.

Trước cơn sốt đất, cánh “cò”, môi giới cũng mọc lên “như nấm” sau mưa. Nhiều người bỏ cả công ăn, việc làm trong đất liền để ra đảo làm cò, với hy vọng kiếm được khoản tiền chênh lệch vài tỷ đồng sau mỗi vụ môi giới thành công. Dạo quanh nhiều tuyến đường lớn nối liền Nam đảo và Bắc đảo, chúng tôi chứng kiến cảnh cứ cách nhau 1-2 km thì có một nhóm 2-5 người che dù ngồi cạnh những tấm bảng rao bán đất.

Quả bóng bất động sản Phú Quốc đang được bơm rất căng, nguy cơ xì hơi bất cứ lúc nào - Ảnh 1.

Mỗi góc đường là một “sàn giao dịch” lộ thiên. Các cò đất không ngần ngại trèo kéo khách hàng khi nhìn thấy họ có ý định muốn tìm hiểu thông tin.

Mới đây, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phan Công Chánh, chuyên gia phân tích thị trường BĐS cá nhân xung quanh “cơn say” đất Phú Quốc chưa dứt này.

Ông nhận định thế nào về thị trường đất Phú Quốc hiện nay, nhất là sau khi ông có chuyến khảo sát dài ngày trên đảo?

Ông Phan Công Chánh: Tôi đã trực tiếp khảo sát Phú Quốc trong 4 ngày giữa tháng 4 vừa qua và có thể thấy là thị trường bất động sản ở đảo này là một trong những thị trường nóng sốt nhất cả nước.

Vì sao tôi có thể khẳng định được điều này? Ngay sau khi ra khỏi khu vực sân bay, chúng ta có thể thấy các quán ăn đông kín người, phòng công chứng xe đậu dài hàng vài chục mét, mọi người đến phòng tài nguyên môi trường huyện đảo phải bốc số để được hỗ trợ, người người làm môi giới, nhà nhà làm môi giới.

Mọi câu chuyện trong cuộc sống thường nhật trên đảo hiện nay ít nhiều cũng đều xoay quanh cơn sốt đất. Người này hỏi người kia đã bán được đất chưa, có mua thêm đất không và đã bỏ túi đường bao nhiêu tỷ…

Theo quan sát của tôi thì có gần 60-70% nhà đầu tư đến từ Hà Nội và các tỉnh lân cận, khoảng 15-20% nhà đầu tư đến từ TP.HCM, phần còn lại từ các nơi khác.

Theo ông, hiện tốc độ giao dịch đất ở Phú Quốc đang như thế nào? Mức giá có theo quy luật thị trường hay không? 

Ông Phan Công Chánh: Chuyện vừa đặt cọc một lô đất rồi sang tay ngay trong ngày kiếm hàng tỉ đồng không còn là chuyện hiếm tại Phú Quốc. Giao dịch hiện nay là không theo bất kỳ quy luật nào. Nhà đầu tư bằng mọi giá xuống tiền để mua cho bằng được.

Chẳng hạn có trường hợp, ông Ph. là dân sinh ra và lớn lên trên đảo, đang là chủ một cơ sở kinh doanh hải sản. Ông Ph. có cơ ngơi, của ăn của để. Tài sản lớn nhất của ông là 50 công đất (50.000 m2) ở xã C.

Trước Tết Âm lịch nhiều người tới lui hỏi mua và ngã giá, ông Ph.. dù không cần tiền cũng khó mà cưỡng lại đống tiền mặt kếch xù. Ông đồng ý bán hết 50 công đất, thu về trên trăm tỷ. Nhưng đúng một tháng sau, người mua đất của ông thuộc nhóm trên bán lại cho một khách hàng từ Hà Nội với lợi nhuận 4 tỷ/công. Tức là ông đánh mất 4 x 50 = 200 tỷ. Gấp đôi số tiền ông thu về từ lô đất đã tích luỹ mấy chục năm. Nhiều người kể rằng có mấy lần ông Ph. đã lên cơn “tăng xông” khi nghĩ đến số tiền lãi mà mình đã đánh mất do bán đất quá nhanh!

Quả bóng bất động sản Phú Quốc đang được bơm rất căng, nguy cơ xì hơi bất cứ lúc nào - Ảnh 2.

Hàng loạt khu đất vườn rộng lớn trên đảo Phú Quốc đang bị người dân chặt, đốt để san lắp mặt bằng rao bán đất.

Giá đất đang bị đẩy lên quá cao. Vậy đâu là cơ sở? 

Ông Phan Công Chánh: Tôi thấy hiện tại không có một cơ sở nào trong mọi giao dịch đất đai ở Phú Quốc. Các nhà đầu tư tại Phú Quốc đang trong cơn say điên loạn vì đất. Thời gian gần đây nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước liên tiếp ra cảnh báo nhưng khách hàng nhiều nơi vẫn lao vào “cơn say” đất bất chấp. Họ chỉ việc đặt chân lên đảo, xuống tiền mua được một lô đất nào đó và cứ nghĩ rằng mình đang nắm trong tay tiền lãi cả tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng mà không màng đến những rủi ro đang rình rập.

Vậy theo ông, vì sao người dân cứ đổ xô gom đất bất chấp giá cả và nguồn gốc đất? 

Ông Phan Công Chánh: Chỉ có một nguyên nhân duy nhất, đó là vì lợi nhuận khủng, còn chuyện Phú Quốc trở thành đặc khu hay không thì sốt đất vẫn diễn ra nhiều năm nay rồi. Người ta nói vui là người Phú Quốc giờ chỉ nói chuyện chục tỉ trở lên chứ ít hơn người ta không quan tâm.

Chuyện một người nào đó kiếm hàng chục hay hàng trăm tỷ tại đây không còn là chuyện hiếm. Gặp nhau người ta chỉ hỏi là đã mua chưa chứ không hỏi giá bao nhiêu và pháp lý thế nào.

Tôi cho là thị trường hiện đang rất nguy hiểm, có thể vỡ bất cứ lúc nào. Hệ lụy có thể thấy trước mắt là sẽ có nhiều nhà đầu tư sẽ tan gia bại sản vì trót đầu tư sai lầm. Thị trường chậm lại khi có đợt thanh tra nhưng khi thanh tra qua đi khả năng một đợt sốt mới bùng phát là hoàn toàn có thể. Nhà đầu tư bất động sản cá nhân cần hết sức thận trọng trong giai đoạn này kẻo “tiền mất tật mang”.

Nam Phong

Theo Nhịp sống kinh tế

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…