Phủ sóng 4G khắp xứ sở Chùa Vàng, Viettel đặt kỳ vọng tiếp thêm sức mạnh phát triển cho Myanamar
Sau 10 năm “nằm vùng và mai phục” để bước chân vào thị trường viễn thông của đất nước chùa Vàng, tháng 6/2018, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức khai trương mạng di động quốc tế thứ 10 tại Myanmar với thương hiệu Mytel.
Gia nhập thị trường, nhà mạng thứ 4 đã phá vỡ thế kiềng 3 chân của 3 nhà mạng MPT, Telenor và Ooredoo để tạo ra một sân chơi đầy cạnh tranh mà đối tượng hưởng lợi lớn nhất chính là người tiêu dùng Myanmar. Không chỉ vậy, sự xuất hiện của công ty Telecom Internation Myanmar (Mytel) cũng đi cùng lời cam kết sẽ đem lại sự thay đổi về hạ tầng công nghệ cho Myanmar, xây dựng một Myanmar thịnh vượng và kết nối chặt chẽ hơn tình hữu nghị giữa 2 đất nước.
Theo đó, bên cạnh một hạ tầng băng rộng di động giúp cải thiện đáng kể hạ tầng viễn thông tại đây, Mytel sẽ cung cấp thêm những giải pháp nông nghiệp thông minh (Nextfarm), Hệ thống quản lý tín hiệu đèn giao thông (Smart light), Ví điện tử, Thiết bị giám sát hành trình…
Thống tướng Min Aung Hlaing – Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar nói: “Sự phát triển cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng cho việc xây dựng Nhà nước, thể chế, bảo vệ và phát huy văn hóa, thúc đẩy tinh thần yêu nước… Đó là những điều rất cần thiết cho việc xây dựng đất nước”.
Mytel sẽ đóng góp rất lớn trong việc phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đất nước Myanmar thịnh vượng.
Theo Thống tướng, Mytel sẽ đóng góp rất lớn trong việc phát triển nguồn nhân lực của Myanmar bởi công ty chú trọng phát triển Viễn thông và công nghệ thông tin ICT cùng với việc đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời tạo ra các chương trình thúc đẩy giáo dục phát triển. Với công nghệ 4G+/LTE, người dân có thể thoải mái trải nghiệm dịch vụ, xem video HD, giải trí đa phương tiện. Người dân ở vùng sâu vùng xa có thể thể sử dụng dịch vụ để học tập, tìm hiểu tri thức mà không cần phải lên thành phố.
Được biết, khi hoàn thành mục tiêu triển khai mạng lưới trong năm 2018, vùng phủ của Mytel sẽ đạt 93% dân số đối với dịch vụ 2G và 60% dân số đối với dịch vụ 4G. Mytel đặt mục tiêu trở thành nhà mạng lớn nhất cả về hạ tầng và kinh doanh và cho đến hiện tại, đây cũng là mạng di động đầu tư công nghệ hiện đại nhất tại đất nước Myanmar với công nghệ 4G trên phạm vi toàn quốc ngay khi khai trương.
“Chúng tôi cũng sẽ được hưởng lợi trong vấn đề chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm khi hợp tác với một đối tác quốc tế như Viettel Group” – Thống tướng Min Aung Hlaing chia sẻ.
Mytel mang công nghệ công nghệ 4G+/LTE tới người dân trên khắp đất nước Myanmar.
Ông Myo Swe – Phó Chủ tịch của Bộ Thông tin và Truyền thông Myanmar trong một cuộc phỏng vấn báo chí đã bày tỏ sự tin tưởng rằng Mytel sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân Myanmar, bao gồm những nhân viên làm việc trực tiếp cho Mytel và làm việc cho những công ty liên kết của Mytel.
Bên cạnh đó, ông Myo Swe đánh giá, Mytel là công ty liên doanh với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, vì thế nền tảng công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm tăng trưởng ấn tượng của Viettel tại những thị trường khác sẽ là kinh nghiệm quý báu cho sự phát triển của Mytel.
“Với nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, chúng tôi tin rằng đây sẽ là cơ hội để tăng cường tính cạnh tranh lành mạnh trong thị trường. Từ đó, cung cấp dịch vụ chất lượng cao với chi phí thấp đáp ứng nhu cầu của người dân Myanmar” – ông Myo Swe nói.
Phó Chủ tịch của Bộ Thông tin và Truyền thông Myanmar cũng bày tỏ hi vọng Mytel sẽ mang đến những giải pháp tiên tiến và đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng chính phủ điện tử của Myanmar bên cạnh những sản phẩm dịch vụ chất lượng cao với mức giá phải chăng cho khách hàng.
Tại tỉnh Sagai – tỉnh có diện tích lớn nhất Myanmar, chi nhánh Mytel Sagai kết hợp với 2 đối tác doanh nghiệp địa phương trong hành trình trồng cột để đặt cáp, kết nối trạm thu phát sóng. Riêng 2 doanh nghiệp này đã kéo hơn 600km cáp quang trên tổng số hơn 1.000 km cho Mytel Sagai.
Ông Zawzaw – Giám đốc công ty điện lực tại Monywa, một trong 2 đơn vị đối tác nói trên cho biết, do Mytel là doanh nghiệp do một tập đoàn của Việt Nam đầu tư nên có nét văn hóa khá tương đồng. Điều đó khiến cho họ dễ dàng hợp tác hơn. Trước đó, công ty này chưa từng hợp tác với hãng viễn thông nào mà chỉ làm công việc trồng cột điện cho các dự án của Chính phủ.
Ông Thein Htike – đối tác còn lại là một doanh nghiệp thầu điện đánh giá, dự án của Viettel đã tạo rất nhiều việc làm cho người dân và doanh nghiệp Myanmar, đồng thời tạo ra hạ tầng để phát triển viễn thông, internet và cơ hội phát triển giao thông, y tế dựa trên hạ tầng đó.
Tính đến hiện tại, Myanmar là thị trường nước ngoài thứ 10 của Viettel và cũng là thị trường lớn nhất, được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội tăng trưởng tích cực cho Tập đoàn.
Theo Nhịp sống kinh tế
[elementor-template id=”16904″]