PCI góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư tại Việt Nam

Ngày 22/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017. Với hơn 10.000 doanh nghiệp trong nước và gần 1.800 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia khảo sát, Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 là “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam trong năm vừa qua. Phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn với ông Michael Greene, Giám đốc USAID Việt Nam.

Thưa ông, hơn 10 năm hỗ trợ Việt Nam thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện nghiên cứu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, ông đánh giá như thế nào về vai trò của nghiên cứu này với quá trình cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam?

USAID đã và đang hỗ trợ thực hiện báo cáo PCI thông qua hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong nhiều năm qua vì chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của PCI. Chúng tôi cho rằng PCI có tác động to lớn đến công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.


Đặc biệt, từ năm 2014 khi Nghị quyết 19 được bàn hành trong đó yêu cầu chính quyền các tỉnh thành cần phải cải thiện điểm số PCI thì sự quan tâm ngày càng gia tăng và các tỉnh đã xây dựng những kế hoạch hành động cụ thể và đưa ra nhiều ý tưởng mới nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Kết quả là điểm số PCI đã được cải thiện trên khắp cả nước, tất cả các tỉnh, ngoại trừ một tỉnh. Một kết quả nữa chính là sự cải thiện thứ hạng trong báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. Đây được coi là những yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư khi họ quyết định đổ vốn kinh doanh vào Việt nam. Tôi nghĩ rằng PCI có tác động to lớn trong việc gia tăng đầu tư nhờ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo ông, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thực sự quan tâm những gì ở chỉ số PCI? Những vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn băn khoăn khi ra quyết định đầu tư ở Việt Nam?

Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều xem xét nhiều yếu tố khi quyết định đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh. Họ xem xét tất cả các yếu tố từ ổn định chính trị đến vị trí địa lý, đôi ngũ lao động có tay nghề, cơ sở hạ tầng, địa điểm và cả hệ thống pháp lý. Tất cả những yếu tố này đều được phản ánh trong báo cáo PCI. Các nhà đầu tư khác nhau sẽ tập trung vào những yếu tố khác nhau. Nhưng đối với tất cả các nhà đầu tư, báo cáo PCI rất quan trọng vì mọi thông tin họ cần đều có, giúp họ có thể đánh giá và đưa ra quyết định phù hợp.

Theo chúng tôi, kết quả PCI đã hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là ở một số tỉnh cụ thể. Và kết quả thu được còn có thứ hạng cải thiện trong báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. Chúng ta đều biết Việt Nam đã tăng vị trí trong bảng xếp hạng báo cáo môi trường kinh doanh của NHTG từ vị trí 91 năm 2016 đến vị trí 68 trong năm ngoái. Đây là một bước nhảy vọt ấn tượng của Việt Nam.

Tôi cũng chia sẻ với các bạn là hôm qua đại diện Ngân hàng Thế giới phụ trách chương trình Môi trường kinh doanh của NHTG đến từ Washington đã có bài phát biểu tại hội nghị quốc tế với chủ đề “Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng” trong đó bà liên tục nhấn mạnh Việt Nam đang đi đúng hướng và đạt được tiến bộ đáng kể. Tôi thấy thật thú vị khi được nghe điều này từ một chuyên gia phụ trách Báo cáo môi trường kinh doanh của NHTG, người đã công tác tại nhiều nơi trên thê giới nói rằng Việt Nam đang đi đúng hướng. Một điểm quan trọng mà bà cũng nhấn mạnh là các quốc gia khác trên thế giới cũng đang cố gắng như Việt Nam và cải thiện môi trường kinh doanh là một quá trình liên tục. Như vậy tất cả các quốc gia đang đều đi cùng một hướng. Và tôi muốn nói rằng tất cả những yếu tố mà nhà đầu tư xem xét khi quyết định đầu tư đều có ảnh hưởng từ các báo cáo như PCI hay của NHTG. Và tôi cho rằng báo cáo còn có ý nghĩa thúc đẩy những hành động, sáng tạo của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư.


Ông đánh giá thế nào về cảm nhận của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam dựa theo kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm nay? Các đánh giá này ảnh hưởng thế nào đến các chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ?

Một phát hiện đáng chú ý trong báo cáo PCI năm nay chính là mức độ lạc quan và tự tin của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Khảo sát PCI cho thấy 52% doanh nghiệp trong nước và khoảng 40% doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong hai năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều vốn đầu tư, tăng trưởng mạnh mẽ hơn và tạo ra nhiều việc làm hơn.

Về hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, có một điều khá thú vị là hầu hết các công ty Mỹ đầu tư tại Việt Nam thông qua các công ty con/chi nhánh đặt tại Hồng Kong và Singapore. Do đó nguồn vốn đầu tư dường như đổ về Việt Nam từ Hồng Kong và Singapore nhưng trên thực tế lại từ các công ty con của các doanh nghiệp Mỹ. Chúng tôi cũng nhận thấy trong năm vừa qua, giới truyền thông Hoa kỳ đã có rất nhiều bài báo tích cực về môi trường kinh doanh hiệu quả, tích cực dành cho các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam, và như vậy, chúng ta có thể hoàn toàn mong đợi nguồn đầu tư dồi dào hơn nữa từ Hoa Kỳ vào Việt Nam.

Việt Nam đang tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông qua đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho DN, nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thực hiện mục tiêu này?

Theo tôi, những ý tưởng hay nhất về việc làm thế nào để cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam đến từ cấp tỉnh nơi mà môi trường kinh doanh cần được cải thiện nhất. Trong những năm gần đây, hầu hết các ý tưởng mới và sáng tạo đều xuất phát từ các tỉnh thành. Chúng ta thấy có ý tưởng về cơ chế một cửa-tức là tập trung hóa việc ra quyết định, để một cơ quan có thể đưa ra quyết định, có thể quản lý toàn bộ các thủ tục hành chính trong việc thành lập và mở rộng quy mô doanh nghiệp. Đây là một ý tưởng hay và tôi nghĩ rằng chính quyền các tỉnh đã nâng ý tưởng này nên một tầm cao mới.

Quảng Ninh cũng có một số sáng kiến. Tại đây chính quyền tỉnh đã tự xây dựng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở và huyện – một dạng chỉ số khá giống với PCI nhưng được sử dụng xuống tới tận cấp cơ sở. Với chỉ số này, tỉnh có thể giám sát hoạt động ở cấp sở, cấp huyện nhằm đảm bảo tất cả đang đi đúng lộ trình cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Một ý tưởng thú vị khác nữa là ở tỉnh Đồng Tháp với mô hình Cà phê doanh nhân (Biz café) nơi các lãnh đạo tỉnh tương tác trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp trong các buổi tọa đàm không chính thức diễn ra hàng tuần nhằm thảo luận những ý tưởng và vấn đề về cải thiện môi trường kinh doanh. Mô hình này sau đó lan rộng ra nhiều tỉnh khác.

Vì vậy tôi cho rằng đây là những ý tưởng mới hết sức sáng tạo. Tất nhiên, thách thức dài hạn hơn chính là đảm bảo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, tức là tập trung vào cải thiện năng suất, hiệu quả liên tục. Khái niệm về năng suất, hiệu quả khi được hiểu ở cấp doanh nghiệp chính là tăng cường hoạt động quản lý, năng lực và các hoạt động khác, đưa vào áp dụng công nghệ mới, đào tạo đội ngũ lao động nhằm đem lại năng suất cao hơn. Và tất cả những yếu tố này sẽ góp phàn làm gia tăng năng suất, hiệu quả và tăng trưởng kinh tế.

Nguồn: vccinews.vn

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…