Ông Nguyễn Đình Thắng: "Làm Chủ tịch LienVietPostBank, tôi phải từ bỏ vị trí lãnh đạo của 16 doanh nghiệp khác"
Tân chủ tịch LienVietPostBank là người đã có 25 năm gắn bó với doanh nghiệp tin học và lĩnh vực tin học, đào tạo. Người ta vẫn quen gọi ông là Thắng “Hồng Cơ” chứ không phải Thắng “Liên Việt” dù ông cũng là một trong những người gia nhập HĐQT ngân hàng này từ khi mới thành lập.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank – LPB) vừa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2018. Các cổ đông của ngân hàng đã thông qua tất cả các tờ trình, đồng thời bầu ra Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ mới với 6 gương mặt cũ và 2 người mới đó là ông Dương Công Toàn và bà Dương Hoài Liên. Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT được bầu làm Chủ tịch mới của ngân hàng Liên Việt.
Sau khi nhận “ghế nóng” ở ngân hàng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tân chủ tịch của LienVietPostBank.
PV: Chúc mừng ông đã nhận vị trí mới ở LienVietPostBank. Ông có cảm thấy chút áp lực nào khi là người đứng đầu của một ngân hàng?
Ông Nguyễn Đình Thắng: Là người đã tham gia HĐQT và đồng hành với LienVietPostBank từ những ngày đầu thành lập đến nay, tôi luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Được giao trách nhiệm cao nhất của LienVietPostBank là vinh dự với tôi vì được cổ đông và HĐQT tin tưởng, tôi càng thấy trách nhiệm cao hơn, tuy cũng có áp lực nhưng đó không phải là áp lực quá nặng nề. Bởi vì các vị chủ tịch trước của LienVietPostBank như ông Dương Công Minh – người sáng lập chính của ngân hàng – và ông Nguyễn Đức Hưởng với tầm nhìn chiến lược đã cho tôi được kế thừa nền móng vững chắc.
Ông có nuối tiếc khi từ bỏ lãnh đạo các doanh nghiệp khác để ở lại với duy nhất một ngân hàng?
Tôi đã khởi nghiệp thành lập Công ty TNHH Tin học và Thương mại Hồng Cơ (nay là Công ty TNHH Công nghệ Hồng Cơ) từ năm 1993, làm chủ tịch HĐQT đến nay đã gần 25 năm và hơn 10 năm qua Hồng Cơ luôn là một công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam. Vì vậy, mọi người vẫn thường gọi tôi là Thắng “Hồng Cơ”.
Tiếp đó, tôi thành lập và tham gia thành lập nhiều công ty trong các lĩnh vực: CNTT, xây dựng, đầu tư tài chính, du lịch, giáo dục đào tạo, ngân hàng, fintech… Tôi làm chủ tịch HĐQT của 12 doanh nghiệp trong đó có Trường Đại học Công nghiệp Vinh, 5 doanh nghiệp còn lại thì làm Phó chủ tịch hoặc Thành viên HĐQT trong đó có LienVietPostBank.
Theo quy định của luật tín dụng thì cá nhân làm Chủ tịch HĐQT của ngân hàng không được làm lãnh đạo ở bất cứ một doanh nghiệp nào khác, do đó, khi nhận trọng trách ở LienVietPostBank đồng nghĩa với việc tôi phải từ bỏ vai trò lãnh đạo tất cả các doanh nghiệp khác mà tôi đang lãnh đạo. Nói chung là cũng có nhiều sự tiếc nuối, vì doanh nghiệp do mình lập nên mà không còn được trực tiếp quản trị, điều hành theo mục tiêu mà mình đã đề ra. Cũng lo vì thiếu vai trò đầu tàu, có thể vài doanh nghiệp của tôi giai đoạn này sẽ chậm phát triển hay kém hiệu quả. Nhưng tôi cũng vui vì đó cũng là cơ hội để tôi chuyển giao trách nhiệm cho đội ngũ lãnh đạo trẻ và sẽ đóng vai trò cố vấn chiến lược truyền lại kinh nghiệm của mình.
Cho đến nay, tôi cũng đã từ bỏ hầu hết các doanh nghiệp mà tôi tham gia với vai trò lãnh đạo hay đại diện pháp luật, đến cuối tháng 4 thì sẽ chỉ còn duy nhất đảm nhận trọng trách tại LienVietPostBank.
Đến ngày nào đó ông không còn làm Chủ tịch LienVietPostBank thì ông có quay lại tiếp tục tham gia lãnh đạo các doanh nghiệp cũ hay không?
Khi nào tôi không làm chủ tịch ngân hàng nữa thì tôi chắc chắn sẽ quay trở lại lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng chỉ ở 2 lĩnh vực: CNTT và Giáo dục – đào tạo, và có thể lại bắt đầu start-up một doanh nghiệp mới trong lĩnh vực công nghệ vì tôi luôn đam mê sáng tạo về công nghệ, ngay cả khi tôi đã về già (cười).
Ở vị trí mới ở của ngân hàng, ông có định hướng gì cho LienVietPostBank các năm tới hay vẫn tiếp tục chiến lược của HĐQT cũ?
Thực tế ở vị trí mới hiện nay hay cũ (là Phó Chủ tịch HĐQT) thì tôi cũng là một trong những người đề xuất các chiến lược, định hướng cho ngân hàng để HĐQT thông qua và cũng là người trực tiếp chỉ đạo các mảng công việc được giao để cùng ban điều hành tổ chức thực hiện.
Về mục tiêu, chiến lược cơ bản phát triển cho giai đoạn 2018 – 2023 thì HĐQT cũ đã xây dựng mà Đại hội đồng cổ đông 2018 đã thông qua và HĐQT mới sẽ cụ thể hóa bằng các sách lược, giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế, xu hướng công nghệ, năng lực triển khai từng thời kỳ. Đó là năm 2018 phấn đấu đứng trong top 10 ngân hàng thương mại mạnh nhất về tổng tài sản, vốn cấp 1, cấp 2, cho vay khách hàng và lợi nhuận. Hướng tới quy mô nguồn vốn lên vị trí ngân hàng TMCP top 5 Việt Nnam trong nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Với tầm nhìn trở thành gân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam, ngân hàng của mọi người, LienVietPostBank tiếp tục triển khai chiến lược với phương châm “mới, lớn, minh bạch, hiệ quả, an toàn” nhằm nâng LienVietPostBank lên một tầm cao mới xoay quanh 4 trụ cột chính.
Thứ nhất là nền tảng công nghệ, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng CNTT hiện đại, thông suốt, an toàn, an ninh, bảo mật đáp ứng yêu cầu phát triển mạng lưới nhanh, rộng khắp toàn quốc; ứng dụng các phần mềm tiên tiến phục vụ quản trị, điều hành và phát triển kinh doanh dịch vụ…
Hai là phát triển mạng lưới. Chúng tôi sẽ tận dụng lợi thế đặc thù riêng là “nơi nào có bưu điện nơi đó có ngân hàng”, LienVietPostBank sẽ phối hợp với VietnamPost – đối tác chiến lược quan trọng và là cổ đông lớn – để nhanh chóng mở rộng mạng lưới của ngân hàng đến năm 2020 sẽ phủ sóng Phòng Giao dịch ngân hàng tại tất cả cấp huyện, thị trên toàn quốc để cung cấp dịch vụ ngân hàng cho mọi tầng lớp người dân và tổ chức, doanh nghiệp;
Ba là chuẩn hóa, số hóa hoạt động quản trị, điều hành, kinh doanh của ngân hàng theo chuẩn quốc tế.
Bốn là quản trị nguồn nhân lực. Chúng tôi sẽ xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể về nâng cao chất lượng tuyển dụng, tăng cường đào tạo trực tiếp về chuyên môn, nghiệp vụ và đào tạo qua mạng; đồng thời có chính sách lương, thưởng tốt cho CBNV an tâm làm việc lâu dài, đồng thời ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ quản trị, điều hành, phát triển kinh doanh để giảm nhân sự tại các chi nhánh, phòng giao dịch.
Để mọi người dễ nhớ hơn thì định hướng mà Liên Việt muốn xây dựng là gì thưa ông?
Là xây dựng bản sắc văn hóa của LienVietPostBank để tạo nên sức mạnh và giá trị cốt lõi, đó là kỷ cương, nhân bản, sáng tạo, nhằm tập trung trí tuệ và sức mạnh của tập thể. Mục tiêu của LienVietPostBank là trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam và ngân hàng của mọi người.
Chúng tôi cũng theo phương châm gắn xã hội trong kinh doanh, phấn đấu là ngân hàng đứng đầu về trách nhiệm xã hội với doanh nghiệp.
Sáp nhập hệ thống tiết kiệm của VietnamPost cho ngân hàng lợi thế là mạng lưới rộng khắp, vậy thời gian tới ngân hàng có đầu tư để phát triển các địa điểm này nữa không?
10 năm thành lập, đến nay LienVietPostBank đã hiện diện tại 63/63 tỉnh thành với 233 chi nhánh, Phòng giao dịch ngân hàng, gần 1.100 phòng giao dịch Bưu điện và có quyền khai thác hơn 10.000 bưu cục trên toàn quốc, chúng tôi là ngân hàng TMCP có mạng lưới lớn nhất, đây là điều mà ngân hàng TMCP khác khó có thể làm được trong thời gian như vậy. Như tôi đã nói ở trên về phát triển mạng lưới là chiến lược trong giai đoạn 2018 – 2023 của ngân hàng chúng tôi. LienVietPostBank sẽ tập trung nguồn lực để đến năm 2020 sẽ phủ sóng phòng giao dịch ngân hàng tại tất cả cấp huyện, thị trên toàn quốc và tiếp theo là ngân hàng sẽ chọn các cụm xã trong số 10.000 điểm bưu điện cấp xã để phát triển thêm các điểm giao dịch.
Được biết Ví Việt là mảng LienVietPostBank rất chú trọng và muốn phát triển thành ngân hàng số, song trên thị trường Ví Việt vẫn chưa được phủ rộng, vậy năm nay các ông định đầu tư thế nào?
Chúng tôi tự hào là ngân hàng đầu tiên tự phát triển được giải pháp thẻ phi vật lý Ví Việt – phương tiện thanh toán online không dùng tiền mặt và cung cấp các dịch vụ ngân hàng online như chuyển tiền, thanh toán hoá đơn, gửi tiết kiệm, vay tiêu dùng… Chỉ sau 18 tháng đưa vào kinh doanh, Ví Việt đến nay đã có hơn 2,1 triệu người sử dụng và hơn 18 ngàn điểm chấp nhận thanh toán; triển khai được hơn 200 dịch vụ thanh toán từ tiền điện, nước, viễn thông, chung cư, học phí, bảo hiểm…, kết nối chuyển tiền với 35 ngân hàng nội địa. Với những tính năng nổi trội, Ví Việt đã được cộng đồng trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Đầu năm 2018, Ví Việt đã triển khai ứng dụng ngân hàng số là gửi tiết kiệm và cho vay online cầm cố sổ tiết kiệm. Tính đến hết ngày 31/03/2018, chỉ sau hơn 2 tháng triển khai, tổng số tiền gửi tiết kiệm online qua Ví Việt đã đạt hơn 800 tỷ đồng, cho vay hơn 155 tỷ đồng. Với kế quả như vậy, theo tôi, Ví Việt phủ sóng chưa rộng, nhưng đã và đang phát triển rất nhanh vì đáp ứng được nhu cầu dịch vụ ngân hàng của mọi tầng lớp người dân.
Kế hoạch của chúng tôi là tiếp tục đầu tư xây dựng các chức năng an toàn, tiện ích trên Ví Việt, xây dựng Ví Việt thành ngân hàng số, xây dựng hệ sinh thái Ví Việt: kết nối với các ngân hàng nội địa chưa kết nối, với các đối tác cung cấp hàng hóa, dịch vụ, phát triển mạng lưới chấp nhận thanh toán Ví Việt…
Năm 2018 Ví Việt đặt kế hoạch phát triển đạt trên 3 triệu người dùng và 30 ngàn điểm chấp nhận thanh toán Ví Việt. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tìm kiếm, hợp tác với các fintech, ngân hàng nước ngoài để phát triển thành sản phẩm chuyên biệt và hướng ra khu vực nước ngoài.
Để tăng thêm tiềm lực cho ngân hàng, các ông có định đưa cổ phiếu lên sàn chính thức từ năm nay và kiếm tìm cổ đông chiến lược nước ngoài hay không?
Cổ phiếu mã chứng khoán LPB bắt đầu giao dịch trên sàn Upcom từ tháng 10/2017 với giá khởi điểm là 14.800 đồng. Trong thời gian qua đã được các công ty chứng khoán và nhà đầu tư đánh giá là thanh khoản tốt và đầy hứa hẹn về hiệu quả cho cổ đông và nhà đầu tư trong thời gian tới. Hiện tại giá giao dịch cổ phiếu trên dưới 16.000 đồng và đã chia cổ tức năm 2017 là 10% bằng tiền mặt vào tháng 2/2018 và cuối tháng 3 đã đưa thêm hơn 100 triệu cổ phiếu mới phát hành cuối năm 2017 vào giao dịch.
Kế hoạch trong năm 2018, LienVietPostBank sẽ tăng vốn lên từ 7.500 tỷ đồng lên trên 10.000 tỷ bằng việc phát hành cổ phiếu từ cổ tức 5% năm 2017 chưa chia, 2.000 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu và 5% cho CBNV của ngân hàng với tỷ lệ 1:1 trước khi LPB chính thức niêm yết trên sàn HOSE để bảo đảm tăng trưởng ổn định và bền vững của ngân hàng.
Về cổ đông chiến lược nước ngoài thì hiện tại room 5% đã lấp đầy rất nhanh ngay sau khi LPB lên sàn UpCom. Chúng tôi cũng định hướng là tìm kiếm cổ đông nước ngoài, tái cơ cấu cổ đông vào thời điểm thích hợp trong năm tới khi có hiệu quả tốt nhất cho ngân hàng, các cổ đông và nhà đầu tư.
Là một trong những người gia nhập Liên Việt sớm nhất hẳn ông cũng nằm lòng tất cả các hoạt động của ngân hàng 10 năm qua. Có một giai đoạn 4 năm từ 2011 – 2015 ngân hàng đi xuống khá nghiêm trọng về lợi nhuận cũng như cổ tức cho cổ đông là vì sao, thưa ông?
Theo tôi thì có nhiều nguyên nhân. Về khách quan, đó là thời điểm ảnh hưởng chung của nền kinh tế cả khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. Kinh tế đi xuống thì hiệu quả kinh doanh của ngân hàng cũng giảm. Thứ hai là vấn đề nội tại, sau khi sáp nhập dịch vụ tiết kiệm bưu điện trực thuộc Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (Vietnam Post) và ra đời LienVietPostBank – khi đó ngân hàng mới hơn 3 tuổi và để tận dụng ngay mạng lưới bưu cục rộng lớn thì chúng tôi phải đầu tư rất nhiều cho việc phát triển chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng, phòng giao dịch bưu điện, đầu tư cho hạ tầng CNTT, trang thiết bị, tuyển dụng nhiều nhân sự… Chi phí lớn trong khi mới mở mạng lưới thì tất yếu là chưa có hiệu quả và lợi nhuận giảm sút.
Tuy vậy, phần lớn các chỉ tiêu cơ bản của LienVietPostBank vẫn tăng trưởng liên tục trong 10 năm qua. Năm 2017 tổng tài sản đã tăng hơn 15% lên 163 ngàn tỷ và tăng gấp 22 lần so với ngày đầu thành lập. Chúng tôi cũng có quy mô mạng lưới rộng khắp, nguồn vốn huy động của LienVietPostBank đạt hơn 135 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 19 ngàn tỷ đồng so với 2016 và tăng gấp gần 40 lần so với ngày đầu. Vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng khi thành lập, đến nay là 7.500 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt trên 1.700 tỷ đồng, tăng khoảng 31% so với năm 2016.
Mặc dù có thời điểm khó khăn nhất là trong khoảng 2011 – 2015, LienVietPostBank là ngân hàng hiếm hoi vẫn chia cổ tức hàng năm cho cổ đông, với tổng cổ tức của 10 năm là gần 105%; Năm 2017 dự kiến chia cổ tức 15%, và đã chia cổ tức 10% bằng tiền mặt vào tháng 2/2018.
Điều gì khiến ông tự hào nhất ở ngân hàng suốt quãng thời gian qua?
Niềm tự hào của tôi cũng như tập thể ban lãnh đạo, nhân viên là chỉ sau 10 năm thành lập, ngân hàng chúng tôi đã đứng vào Top 15 ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam về các chỉ tiêu cơ bản. Là ngân hàng bưu điện duy nhất, có mạng lưới lớn nhất trong các ngân hàng TMCP…, được các tổ chức, các định chế trong và ngoài nước đánh giá cao.
Nhắc đến Liên Việt người ta thường nhớ đến ông Dương Công Minh và Nguyễn Đức Hưởng. Ông có e ngại những dấu ấn của người tiền nhiệm?
Cá nhân tôi cũng như mọi thành viên của LienVietPostBank đều cảm phục và ghi nhớ sự đóng góp công sức to lớn, hết lòng vì sự phát triển của LienVietPostBank của ông Dương Công Minh – người sáng lập chính và là người thuyền trưởng giản dị và tài ba trong vai trò chủ tịch HĐQT hơn 9 năm đã đưa con tàu LienVietPostBank vượt sóng gió ra biển lớn và thành công. Cùng với đó là ông Nguyễn Đức Hưởng là chủ tịch kế nhiệm của ông Minh từ tháng 6/2017 với những chiến lược với tầm nhìn vĩ mô và luôn có các giải pháp cụ thể cho ngân hàng phát triển mạnh mẽ, vì sức lý do sức khỏe nên thôi làm chủ tịch và tiếp tục là cố vấn cao cấp của ngân hàng.
Dấu ấn cá nhân thì có, nhưng sự thành công của chúng tôi là sự đóng góp công sức của tất cả các anh, chị là thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành, của toàn thể CBNV LienVietPostBank đã tạo nên khối đoàn kết để có được ngày hôm nay. Tôi được giao trọng trách kế tục trách nhiệm cao nhất là vinh dự vì được cổ đông và HĐQT tin tưởng, tôi càng thấy trách nhiệm cao hơn.
Như đề cập ban đầu, ông đã có thời gian dài gắn bó với nhiều doanh nghiệp công, và được biết ông còn làm Phó Chủ tịch Hội Tin học 3 nhiệm kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT hơn 3 nhiệm kỳ và hiện còn đương nhiệm ở cả 2 tổ chức này. Tại LienVietPostBank khi làm thành viên HĐQT rồi Phó Chủ tịch HĐQT thì ông cũng chủ yếu phụ trách ở mảng công nghệ. Phải chăng tình yêu của ông với ngân hàng ít hơn công nghệ?
Tình yêu không thể nói ít hay nhiều. Bên cạnh tình yêu thì còn có trách nhiệm. Với cá nhân tôi, trách nhiệm với công việc, với tổ chức, với gia đình nhiều khi còn cao hơn phạm trù tình yêu. Tất nhiên nếu cho tôi lựa chọn yêu thích từ đầu thì tôi chọn công nghệ thông tin, giáo dục, fintech hơn là chọn ngân hàng. Từ năm 1994 tôi đã tham gia góp vốn vào Techcombank nhưng không làm trong ngân hàng mà chỉ tập trung cho Công ty Tin học Hồng Cơ và sau đó là nhiều doanh nghiệp khác. Nhưng sau 10 năm làm công nghệ trong ngân hàng thì tôi đã nhận thức được là cốt lõi cuả ngân hàng cũng là công nghệ, đó là CNTT gắn với Công nghệ ngân hàng và tình yêu công nghệ và tình yêu ngân hàng đã quyện vào nhau thành một.
Vậy vì sao ông lại bước vào Liên Việt?
Có lẽ đó là cái duyên, tôi và ông Dương Công Minh có quen biết từ trước do chúng tôi đã cùng học đại học tại trường Kinh tế quốc dân, tôi học trước ông Minh 5 năm. Đến năm 2007, ông Minh – Chủ tịch Công ty Him Lam có mời tôi tham gia thành lập Ngân hàng TMCP Liên Việt với mục đích là ngân hàng trong thời đại công nghệ thì cần phải có người am hiểu công nghệ và vì mục tiêu rất nhân văn và ông Minh đưa ra khi mời các thành viên chủ chốt tham gia thành lập Ngân hàng Liên Việt là: “Mỗi người chúng ta đều đã là doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Chúng ta cần kết hợp lại để làm được thành công lớn hơn, đóng góp được cho xã hội nhiều hơn và đặt biệt là giúp cho an sinh xã hội được nhiều hơn”.
Vì thế, tôi đã tham gia cùng ông Minh thành lập Ngân hàng Liên Việt và là thành viên HĐQT rồi Phó Chủ tịch HĐQT từ 2008 đến nay.
Có người nói ông là dân tay ngang, từ công nghệ thông tin lại nhảy sang lĩnh vực tài chính và họ nghi ngờ khả năng đảm đương được trọng trách là “thuyền trưởng” của LienVietPostBank, ông nghĩ sao về điều này?
Nếu nói tôi là dân tay ngang cũng đúng và ngang tay cũng đúng. Tôi và ông Dương Công Minh đều là tốt nghiệp trường Đại học kinh tế Quốc dân, ông Minh học Khoa Vật giá, còn tôi học Khoa toán kinh tế, chuyên ngành Xử lý thông tin kinh tế bằng máy tính, nhưng chúng tôi cũng được trang bị đầy đủ kiến thức về kinh tế vĩ mô, vi mô, về kế toán, quản trị doanh nghiệp.
Tôi đã hơn 25 năm làm chủ tịch HĐQT của nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực, mà quản trị doanh nghiệp thì bài toán quan trọng cũng là quản lý tài chính. Tôi cũng đã 10 năm làm ngân hàng với cương vị là thành viên HĐQT rồi Phó chủ tịch HĐQT, được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, được học hỏi các anh chị có nhiều kinh nghiệm chuyên sâu về tài chính ngân hàng, học được một phần ở ông Minh sự quyết đoán, quyết liệt và tài lãnh đạo, học được từ ông Hưởng khả năng phán đoán tình hình, phân tích vĩ mô và đưa ra giải pháp…
Mặt khác từ năm 2015, tôi được giao làm chủ tịch Ủy ban công nghệ bao gồm CNTT và Công nghệ ngân hàng, tôi cũng đã học hỏi và chỉ đạo xây dựng hoàn thiện lại hơn 500 văn bản định chế của ngân hàng như quy chế, quy định, quy trình, hướng dẫn trong tất cả các mảng quản trị, điều hành, nghiệp vụ kỹ thuật, kinh doanh của ngân hàng. Qua đó, tôi đã có kiến thức khá đầy đủ về quản trị, điều hành ngân hàng và trưởng thành trong cả công việc và cuộc sống.
Bên cạnh đó, HĐQT chúng tôi làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, cùng trao đổi bàn thống nhất để quyết định tất cả các vấn đề của HĐQT, cá nhân tôi chỉ là người điều phối, tổng hợp để chuyển thành chiến lược, sách lược, giải pháp, chỉ đạo của HĐQT đến Ban điều hành tổ chức thực hiện. Và tôi nghĩ chúng tôi sẽ không phụ lòng tin tưởng của cổ đông.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Tùng Lâm (thực hiện)
Theo Trí thức trẻ