Ông Đinh La Thăng bồi thường 600 tỉ đồng thế nào?

Đối với những tài sản của ông Đinh La Thăng – người bị TAND TP Hà Nội trong phiên xét xử sơ thẩm tuyên án 18 năm tù và bồi thường 600 tỉ đồng – đã được làm rõ, kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì sẽ được thi hành án ngay sau khi có quyết định thi hành án.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng nay 30-3 về việc TAND TP Hà Nội trong phiên xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên (HĐQT/HĐTV) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), và đồng phạm cố ý làm trái trong khi PVN góp vốn vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) gây thiệt hại 800 tỉ, đã tuyên ông Đinh La Thăng ngoài hình phạt 18 năm tù, phải bồi thường 600 tỉ đồng, ông Phạm Công Hùng, nguyên Chánh án TAND Tối cao tại TP HCM, cho biết trách nhiệm dân sự phải bồi thường, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên án dựa vào hành vi, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra.

Theo đó, trong phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng Thăng và đồng phạm từ 19-3 đến 29-3, HĐXX xác định ông Thăng có thẩm quyền cao nhất tại PVN, có trách nhiệm quản lý, bảo toàn và phát triển vốn do Nhà nước giao, nhưng đã chỉ đạo và quyết định góp vốn vào OceanBank trái quy định của pháp luật. Do vậy, tòa tuyên buộc ông Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm liên đới bồi thường 800 tỉ cho cho PVN, trong đó ông Thăng là người phải chịu trách nhiệm chính, bồi thường 600 tỉ đồng.

Ông Đinh La Thăng bồi thường 600 tỉ đồng thế nào? - Ảnh 1.

Về phần dân sự, tòa buộc ông Thăng phải bồi thường 600 tỉ đồng – Ảnh: TTXVN

Ông Hùng cho biết thêm sau khi bản án có hiệu lực thì việc thực hiện bồi thường sẽ thuộc về phần thi hành án dân sự. “Đối với những trường hợp không thi hành án được thì cơ quan thi hành án sẽ xếp vào diện án chưa có điều kiện để thi hành”- ông Hùng nói.

Đối với trường hợp của ông Đinh La Thăng, ông Hùng cho rằng cần phải chờ xem bị cáo có kháng cáo hay không.

Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết khi bản án có hiệu lực, việc bồi thường sẽ được chuyển sang cơ quan thi hành án dân sự để thực hiện. “Sau đó, cơ quan thi hành án dân sự sau ra quyết định thị hành án. Đối với những tài sản của ông Đinh La Thăng mà phía gia đình tự nguyện bàn giao thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành kê biên, bán phát mại để thu tiền về ngân sách nhà nước”-luật sư Trần Tuấn Anh nói.

Cũng theo luật sư này, những tài sản riêng đã được làm rõ, kê biên trong quá trình điều tra, tuy tố xét xử rồi thì tiến hành thi hành án luôn ngay thời điểm có quyết định thi hành án.

Đối với một số tài sản chung giữa ông Đinh La Thăng với người đồng sở hữu, nếu người đồng sỡ hữu đồng ý bán phát mại, thì cơ quan chức năng sẽ hoàn trả phần được hưởng cho họ, phần còn lại của ông Thăng sẽ thi hành án dân sự theo bản án đã tuyên. “Sau quá trình xác minh, cơ quan thi hành án nhận thấy người phải thi hành án không còn tài sản để thi hành án thì cơ quan này sẽ ra quyết định đình chỉ thi hành án”- luật sư Trần Anh Tuấn cho biết.

TAND TP Hà Nội ngày 29-3 tuyên án:

1- Bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN): 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng;

2- Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng Giám đốc PVN): 30 tháng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng;

3- Bị cáo Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên HĐTV PVN): 5 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng;

4- Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên HĐTV PVN): 22 tháng tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng;

5- Bị cáo Nguyễn Thanh Liêm (nguyên thành viên HĐTV PVN): 20 tháng cải tạo không giam giữ về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

6- Bị cáo Phan Đình Đức (nguyên thành viên HĐTV PVN): 15 tháng cải tạo không giam giữ về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng;

7- Bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN): 7 năm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và 16 năm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt 23 năm tù.

Ngoài ra, HĐXX tuyên bị cáo Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỉ đồng, bị cáo Ninh Văn Quỳnh bồi thường 100 tỉ đồng, bị cáo Vũ Khánh Trường bồi thường 40 tỉ, 4 bị cáo còn lại mỗi người 15 tỉ đồng.

Theo Tấn Phong

Người lao động

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…