Ông chủ khách sạn Hà Nội bán chuối, chạy xe ôm trả tiền lương cho nhân viên
Đã từng là “mỏ vàng” của ngành khách sạn, thế nhưng, chỉ sau 8 tháng ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, khu phố cổ Hà Nội đã đối mặt với “làn sóng tháo chạy” của các doanh nghiệp khách sạn vừa và nhỏ.
Sau nửa năm cố gắng cầm cự, hàng loạt khách sạn 3 sao tại khu vực phố cổ Hà Nội đã phải đóng cửa, dừng hoạt động vì không có khách. Riêng các tuyến phố như Hàng Bè, Hàng Bạc, Ấu Triệu, Hàng Trống,… số lượng khách sạn còn hoạt động chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chủ khách sạn cũng phải bán chuối, chạy xe ôm
Chia sẻ những khó khăn với PV, ông H. K. D, giám đốc chuỗi khách sạn A.T (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp này đã thiệt hại hàng tỷ đồng.
Theo ông D., thời điểm trước dịch Covid-19, công suất đặt phòng của chuỗi khách sạn A.T luôn đạt mức 70-80%. Vào giai đoạn cao điểm du lịch, công suất có thể đạt hơn 90%.
Thế nhưng, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, công suất đặt phòng của chuỗi khách sạn này giảm 30% vào tháng 2, tăng lên 70% vào tháng 3. Đến tháng 4, thời điểm Chính phủ quyết định giãn cách xã hội, công suất đặt phòng giảm 100%, doanh thu về 0.
“Lượng khách đặt phòng tại phố cổ đa phần là khách quốc tế. Vì vậy, khi Việt Nam tạm ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài, ngành khách sạn phố cổ gần như tê liệt.
Dù không có nguồn thu, song doanh nghiệp chúng tôi vẫn phải chi trả một loạt chi phí như tiền thuê nhà, tiền bảo trì, bảo dưỡng khách sạn, tiền điện, nước, tiền bảo hiểm,…
Điều này khiến doanh nghiệp lao đao, không ít đơn vị phải đóng cửa vì không đủ tiền để cầm cự”, ông D, chua xót nói.
Trong hệ thống 3 khách sạn đạt “chuẩn” 3 sao của ông D., cho tới nay, 1 khách sạn trên phố Ấu Triệu đã đóng cửa trả mặt bằng, 1 khách sạn trên phố Hàng Chiếu cũng “đắp chiếu”, chỉ còn duy nhất 1 cơ sở còn mở cửa đón khách nhưng doanh thu cũng gần như không có.
Đầu tư hàng chục tỷ đồng, chưa thu lại được vốn đã phải đóng cửa hàng loạt khiến doanh nghiệp này thiệt hại không nhỏ.
“Chỉ tính riêng cơ sở trên phố Ấu Triệu tôi đầu tư hàng tỷ đồng nhưng vừa rồi đóng cửa đã phải thanh lý đồ đạc giá rẻ như cho để trả mặt bằng. Ví dụ, một chiếc điều hòa mua mới với giá 8 triệu đồng, khi thanh lý chỉ còn 500.000 đồng… Thiệt hại là rất lớn”, ông D. kể.
Tính tới hết tháng 5/2020, để tiết kiệm chi phí, chuỗi khách sạn A. T. buộc phải cắt giảm 75-80% số lượng nhân viên. Có một số nhân viên hiểu chuyện chủ động xin nghỉ để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Cũng có nhân viên xin ở lại, chấp nhận làm không công để chờ thời điểm khách sạn hồi phục.
Ông D. cũng chấp nhận giảm giá phòng 70-80%, từ 800.00-1,5 triệu đồng/đêm xuống còn 200.000-250.000 đồng/đêm để có nguồn thu duy trì.
“Tôi đã phải bán xe ô tô mà mình đang đi, phải đi bán thêm chuối và nhãn để cầm cự, trả lương cho nhân viên. Tuy nhiên, các biện pháp này đều chỉ mang tính tạm thời và không thể giữ được nhân viên”, ông D. nói.
Hiện tại, gia đình ông D. đã chuyển nhà sang khách sạn ở để vừa trông coi, vừa cắt giảm chi phí vận hành.
Bản thân vị doanh nhân này vừa làm chủ doanh nghiệp, kiêm luôn chức “đội trưởng” đội bảo vệ, nhân viên bảo dưỡng điện, nước,… Mọi thành viên trong gia đình kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ dọn phòng mỗi khi có khách.
Hàng loạt khách sạn phố cổ phải đóng cửa
Câu chuyện của ông D. không phải cá biệt. Dịch Covid-19 đã khiến mảng khách sạn phố cổ (Hà Nội) phá sản theo hiệu ứng domino. Nhiều “ông chủ” trong ngành phải xoay sở đủ thứ nghề để cầm cự, chờ đợi dịch bệnh đi qua.
Đơn cử, ông Trịnh V.K, “ông chủ” khách sạn I. trên phố Hàng Bạc phải đi làm taxi công nghệ để trả lãi ngân hàng.
Trao đổi với PV, ông K. cho biết: “Ngay từ tháng 4/2020, tôi chấp nhận lỗ khi nhượng lại khách sạn. Thế nhưng, vẫn không có ai hỏi mua. Vì vậy, tôi cố gắng làm thêm một số công việc khác để tạo ra doanh thu, có tiền trả mặt bằng”.
Theo báo cáo của Savills Việt Nam, trong nửa đầu năm 2020 đã có 2 khách sạn 4 sao và 8 khách sạn 3 sao, chủ yếu ở khu vực quận Hoàn Kiếm phải đóng cửa. Bên cạnh đó, nhiều khách sạn đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư đang cân nhắc việc có nên khánh thành hay không.
Báo cáo này cũng cho biết, công suất khách sạn 3-5 sao chỉ đạt 21%, giá phòng trung bình giảm 14% theo quý và giảm 24% theo năm, xuống còn 85 USD/phòng/đêm.
Ở thời điểm hiện tại, rất khó để đưa ra dự đoán chính xác bao giờ mặt bằng cho thuê mới trở lại ổn định, do còn bị phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới.
Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, để hỗ trợ các chủ kinh doanh vượt qua khó khăn của dịch bệnh, chủ nhà nên giảm hoặc miễn phí tiền thuê mặt bằng.
Ngoài ra, đối với các gói vay hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp cần cắt giảm các thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Đặc biệt, có các chính sách giảm lãi suất vay, giảm thuế cho các doanh nghiệp vượt khó.
Theo Vietnamnet