Ông chủ Alibaba và Tencent chi bộn tay mua nhà ở Hong Kong
Tương tự nhiều tỷ phú Trung Quốc, hai ông chủ của Alibaba và Tencent đều sở hữu những căn nhà thuộc hàng đắt đỏ bậc nhất Hong Kong.
Một trong những lý do khiến bất động sản Hong Kong cứ leo thang liên tục là những cú thu mua mát tay, bất chấp giá cả của các đại gia Trung Quốc. Thậm chí, tờ Fortune bình luận rằng, những tỷ phú Hong Kong cũng không theo kịp tỷ phú Trung Quốc ngay trên sân nhà của họ về độ chịu chi.
Hai trong số các tỷ phú hàng đầu của Trung Quốc là Jack Ma – nhà sáng lập Alibaba và Pony Ma – nhà sáng lập Tencent cũng chuộng mua nhà ở Hong Kong.
Cách tiếp cận của Jack Ma khá đơn giản. Năm 2007, ba tuần sau khi Alibaba IPO và đạt trị giá 25 tỷ USD, ông chi 38 triệu USD để mua một căn penthouse cao cấp 5 phòng ngủ, rộng 650m2 tại quận Mid-Levels. Thương vụ là một giao dịch kỷ lục tại thời điểm đó cho mỗi mét vuông căn hộ chung cư tại châu Á.
Nhưng đó chỉ mới là căn đầu tiên. Năm 2015, tờ South China Morning Post cho hay ông chủ Alibaba là người mua lại căn biệt thự 22 Barker Road, một trong những tòa nhà hàng đầu ở khu Victoria Peak, khu lưu trú mang tính biểu tượng của giới thượng lưu Hong Kong từ thời thuộc địa.
Căn biệt thự cao 4 tầng, rộng gần 920m2. Nó được Jack Ma mua lại với giá 193 triệu USD. Tại thời điểm đó, thương vụ cũng thiết lập được kỷ lục Hong Kong về nơi cư trú đắt đỏ nhất, tính trên mỗi mét vuông.
Căn biệt thự 22 Barker Road trước khi bị phá bỏ. Ảnh: KHEJ |
Mặc dù 22 Barker Road được thừa nhận rộng rãi ở Hong Kong là nhà của chủ tịch Alibaba nhưng bản thân Jack Ma từ chối bình luận về thông tin này của South China Morning Post. Vài tháng sau khi có thông tin đó, Alibaba Group đã mua lại luôn tờ báo này với giá 266 triệu USD.
Biệt thự là một pháo đài bê tông 70 năm tuổi. Nó từng là nơi cư trú của tổng lãnh sự Bỉ. Nó được bán lại với giá gấp gần 9 lần người trả tiền trước, cựu giám đốc điều hành của Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông Francis Yuen, từng mua vào năm 2000.
22 Barker Road còn có một khu vườn riêng rộng hơn 1.800m2, với tầm nhìn đẹp xuống cảng Victoria. Giữa tháng 6 vừa qua, căn biệt thự đã bị san phẳng. Theo dự đoán, một công trình mới hoành tráng hơn sẽ được xây dựng tại đây.
Tương tự Jack Ma, Pony Ma cũng có vài căn nhà giá trị không nhỏ ở Hong Kong. Năm 2014, ông chi 57 triệu USD để mua một căn ở khu Repulse Bay phía nam đảo. Nhưng bất động sản đáng chú ý nhất của ông là căn biệt thự 13 Big Wave Bay Road ở khu Shek O.
Nơi này chỉ cách khu trung tâm với các tòa nhà chọc trời 40 phút lái xe nhưng là một thế giới hoàn toàn khác. Nó nằm ở phần bán đảo với hầu hết diện tích là công viên quốc gia, với rừng rậm bao phủ. Khu vực này có những bãi biển, vách đá dốc đứng và khung cảnh đại dương ngoạn mục, cùng con đường đi bộ Dragon’s Back (Sống lưng rồng) nổi tiếng.
13 Big Wave Bay Road là một trong 20 căn biệt thự nằm cạnh một sân golf ở phía nam bán đảo. Sân golf là một phần của Shek O Country Club, được thành lập bởi doanh nhân Anh và vẫn được coi là câu lạc bộ tư nhân độc quyền nhất của Hong Kong. Các biệt thự thuộc về một số ông chủ doanh nghiệp lớn nhất của đặc khu.
Căn biệt thự 13 Big Wave Bay Road của Pony Ma đang được nâng cấp. Ảnh: SCMP |
Theo bài viết đăng năm 2004 trên South China Morning Post, ‘sự giàu có không phải là yêu cầu duy nhất’ để mua được biệt thự Shek O. Cư dân mới cần phải giành được sự chuẩn thuận của hội đồng quản trị của Shek O Development, công ty tư nhân sở hữu Shek O Country Club từ năm 1930.
Theo đó, nhà trên đất ở Shek O được kiểm soát bởi hội đồng này. Các căn nhà được yêu cầu phải xây theo kiểu châu Âu. Chúng không được bán, cải tạo hay thậm chí sơn màu mới mà không qua sự phê chuẩn của hội đồng.
Pony Ma mua lại 13 Big Wave Bay Road từ một ông trùm vận chuyển Hong Kong vào năm 2009. Ông đã trả 61 triệu USD và giành được sự chấp thuận của hội đồng để cải tạo và tăng gấp đôi kích thước ngôi nhà lên hơn 740m2. Các nhà phân tích cho rằng, khi cải tạo hoàn tất, căn nhà sẽ tăng 4 lần giá trị.
Theo Bruce Li – Phó giám đốc công ty bất động sản và tái định cư Asia Pacific Properties, chỉ có một khó khăn là ràng buộc từ phía Shek O Development. Nếu Pony Ma tìm được một khách hàng mua lại giá tốt nhưng lại không nhận được cái gật đầu từ hội đồng thì thương vụ cũng chẳng thành.
Phiên An (theo Fortune)
Theo : vnexpress.net
[elementor-template id=”16904″]