Nông dân Cà Mau trồng bồn bồn thu nửa triệu mỗi ngày
Từng được xem là loài cây mọc dại, nhưng hiện nay bồn bồn trở thành món ăn đặc sản, đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình.
Nông dân Cà Mau chế biến bồn bồn. Ảnh: Phúc Hưng. |
Bồn bồn có thể chế biến thành nhiều món ăn như làm dưa, xào với tép, hoặc nấu canh… nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Thấy được lợi thế từ loại cây này, nhiều nông dân ở huyện Cái Nước (Cà Mau) đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất. Các vuông tôm sản xuất kém hiệu quả được trữ nước ngọt trồng bồn bồn. Trong đó, xã Tân Hưng Đông được xem là “thủ phủ” của bồn bồn.
Ông Nguyễn Văn Quận cho biết, gia đình ông có hơn 2 ha trồng bồn bồn, hiện tại giá bồn bồn tươi là 35.000 đồng một kg; riêng dưa bồn bồn mỗi kg có giá 70.000 đồng.
“Quân bình hàng ngày tôi xuất bán khoảng 20 kg bồn bồn, cũng thu được vài trăm nghìn đồng”, ông Quận nói và cho biết, trồng bồn bồn không phải tốn chi phí đầu tư, chỉ cần người trồng bỏ công là được.
Nhiều vuông tôm kém hiệu quả được chuyển sang trồng bồn bồn. Ảnh: Phúc Hưng. |
Loài cây này hầu như sinh trưởng quanh năm, nhưng phát triển nhiều nhất là vào mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 2 âm lịch của năm sau). Bồn bồn sau khi thu hoạch sẽ được cắt đi phần ngọn, chừa từ gốc lên khoảng 4 cm, lớp vỏ bên ngoài được tước bỏ đi, chỉ giữ lại phần lõi và củ hủ.
Để phát triển mạnh mô hình này, hai năm trước chị Huỳnh Thị Nguyên (36 tuổi) đã thành lập Hợp tác xã, với hàng chục xã viên. “Hàng tháng Hợp tác xã thu mua của bà con hơn một tấn bồn bồn nguyên liệu, cộng với nguồn sẵn có của các xã viên, xuất bán thu lãi trên dưới 50 triệu đồng”, chị Nguyên cho biết.
Dọc theo tuyến Quốc lộ 1A, hướng từ TP Cà Mau về huyện Cái Nước hiện tại có hàng trăm sạp bán bồn bồn tươi hay dưa của bà con nông dân. “Đây là mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình rất hiệu quả, cũng nhờ loại cây này mà nhiều năm qua gia đình tôi có của ăn của để”, ông Lê Văn Tám nói.
Thu hoạch bồn bồn từ ruộng. Ảnh: Phúc Hưng. |
Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông Trần Hoàng Đạo cho biết, xuất phát từ một hai hộ trồng ban đầu, với diện tích vài hecta, đến nay toàn xã có 61 hộ trồng, diện tích khoảng 57 ha.
“Bồn bồn là loài cây tự nhiên, sinh sống trong điều kiện nước ngọt và lợ, củ hủ và lõi non loài cây này chế biến thành các món ăn rất ngon”, ông Đạo nói và cho biết, trước đây cây này mọc nhiều trên đồng ruộng, người dân thường chặt bỏ.
Phúc Hưng
Theo : vnexpress.net
[elementor-template id=”16904″]