Ninh Vân Bay (NVT) báo lỗ lớn 178 tỷ đồng trong quý 4/2017
Lũy kế cả năm 2017, Ninh Vân Bay (NVT) lỗ tới 479 tỷ đồng nâng mức lỗ lũy kế tính đến 31/12 lên 689 tỷ đồng.
CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT – sàn HOSE) đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2017 và lũy kế cả năm 2017.
Theo đó, riêng quý 4/2017 doanh thu thuần đạt 45,5 tỷ đồng tăng nhẹ so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt 15,3 tỷ đồng tăng hơn 1 tỷ đồng so với quý 4/2016.
Trong kỳ doanh thu từ hoạt động tài chính vỏn vẹn 438 triệu đồng giảm mạnh so với con số hơn 11 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái do giảm mạnh lãi tiền gửi, tiền cho vay. Đáng chú ý chi phí tài chính lên tới hơn 230 tỷ đồng trong đó nguyên nhân là do công ty chịu lỗ từ chuyển nhượng công ty con là 225,5 tỷ đồng, lỗ thanh lý khoản đầu tư vào công ty liên kết gần 28 tỷ đồng khiến NVT lỗ thuần tới 235 tỷ đồng.
Nhờ khoản lãi từ hoạt động hơn 71 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ khác 538 triệu đồng nên lỗ ròng công ty mẹ giảm xuống còn gần 178 tỷ đồng cao hơn rất nhiều so với con số lỗ hơn 1 tỷ đồng cùng kỳ – Tính đến thời điểm này đây là khoản lỗ lớn nhất trong quý 4/2017 trên sàn niêm yết theo đó NVT tạm thời giữ vị trí quán quân lỗ quý 4.
Lũy kế cả năm 2017, NVT đạt 232,5 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 22% so với cùng kỳ, do gánh nặng chi phí tài chính và chi phí QLDN khiến NVT lỗ ròng cả năm lên tới 479 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 2,4 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2017, tài sản ngắn hạn chỉ còn gần 74 tỷ đồng giảm mạnh so với con số 368 tỷ đồng đầu kỳ, tổng tài sản chỉ còn 534,8 tỷ đồng giảm hơn một nửa so với đầu kỳ, lỗ lũy kế tăng lên mức 689 tỷ đồng.
Được biết cách đây 3 năm, NVT đã từng đối mặt với nguy cơ phải rời sàn niêm yết sau khi trải qua 2 năm thua lỗ nặng nề trước đó (2011 lỗ 77 tỷ đồng, 2012 lỗ 70 tỷ đồng) với lý do là do nền kinh tế suy thoái và gánh nặng chi phí lãi vay lớn. Đồng thời, NVT cũng rơi vào tình thế bí vốn khiến cho việc triển khai dự án Emeralda Hội An và thanh toán các khoản nợ đến hạn gặp khó khăn. Lúc đó, sự xuất hiện của Recapital Investments Pte.Ltd (Singapore) khi mua 30 triệu cổ phiếu NVT, trở thành cổ đông chiến lược nắm 35,87% vốn của Công ty là phao cứu sinh của NVT. Với “phao cứu sinh” đó, năm 2013 NVT có lợi nhuận ròng 21 tỷ đồng, thoát nguy cơ hủy niêm yết.
Tuy nhiên, kế hoạch hồi sinh lại lay lắt, bởi ngay năm tiếp theo, dù doanh thu tăng trưởng, nhưng lợi nhuận của NVT đã sụt giảm mạnh chỉ còn hơn 5 tỷ đồng. Năm 2015, NVT lỗ ròng tới gần 128 tỷ đồng. Đến năm 2016, kết quả kinh doanh của NVT cải thiện đôi chút với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 15,6 tỷ đồng, vượt 56% chỉ tiêu đề ra. Và với con số lỗ lên tới 479 tỷ đồng trong năm 2017 chắc hẳn nhà đầu tư sẽ không khỏi thất vọng bởi mục tiêu kinh doanh năm nay của công ty là lãi ròng 16,5 tỷ đồng.
Trên sàn niêm yết đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/1 cổ phiếu NVT giảm 4,2% xuống còn 3.860 đồng/CP với KLGD lên tới hơn 5,3 triệu cp.
Theo InfoNet/HSX