Những vũ khí Mỹ bị Nga thu giữ và giải mã

Nga từng nhiều lần thu được các khí tài hiện đại của Mỹ trên chiến trường để mổ xẻ và nghiên cứu phương án khắc chế.

Những vũ khí Mỹ giúp Liên Xô tăng cường tiềm lực quân sự

Những vũ khí Mỹ giúp Liên Xô tăng cường tiềm lực quân sự

Tập đoàn Công nghệ Vô tuyến – Điện tử (KRET) của Nga cuối tháng 5 tuyên bố chuẩn bị chế tạo hệ thống tác chiến điện tử mới sau khi nghiên cứu tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ thu được từ chiến trường Syria. Đây không phải lần đầu người Nga thu được khí tài Mỹ để nghiên cứu, mổ xẻ nhằm tăng cường tiềm lực quân sự cho chính mình, theo Sputnik.

Xe tăng M46, tiêm kích P-51 và F-86

Liên Xô từng được Mỹ viện trợ hàng nghìn khí tài trong Thế chiến II để chống lại phát xít Đức. Tuy nhiên, cuộc Chiến tranh Lạnh diễn ra sau đó thúc đẩy Moskva thu thập và nghiên cứu vũ khí hiện đại của Washington để nghiên cứu, tìm cách khắc chế. Cơ hội đến với Liên Xô khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra năm 1950, cho phép nước này thu thập nhiều vũ khí hiện đại được Mỹ triển khai.

Xe tăng M46 Patton của Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên. Ảnh: J.W. Hayes.

Xe tăng M46 Patton của Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên. Ảnh: J.W. Hayes.

Trong cuộc chiến này, Liên Xô đã thu giữ hàng loạt xe tăng hạng trung M46 Patton mới được Mỹ biên chế năm 1949, cũng như biến thể mới nhất của F-51D, loại tiêm kích chủ lực trong không quân Mỹ trước khi chiến đấu cơ phản lực được đưa vào vận hành.

Ngày 6/10/1951, máy bay MiG-15 Liên Xô bắn bị thương một tiêm kích F-86 Sabre của Mỹ, buộc phi công Bill Garrett hạ cánh khẩn xuống bờ biển Hoàng Hải. Sau nhiều khó khăn, các chuyên gia Liên Xô đưa được chiếc F-86 trở về Moskva để nghiên cứu.

Kết quả đánh giá cho thấy tiêm kích MiG-15 có uy lực ngang ngửa với F-86, không đòi hỏi Liên Xô sao chép dòng Sabre để duy trì khả năng đối đầu với Mỹ. Tuy nhiên, việc mổ xẻ kỹ lưỡng radar đo xa AN/APG-30 trên chiếc tiêm kích Mỹ giúp Liên Xô cải thiện đáng kể hệ thống điều khiển hỏa lực cho chiến đấu cơ của mình, đồng thời hỗ trợ việc phát triển tổ hợp cảnh báo nguy hiểm cho MiG-15.

Tên lửa đối không AIM-9B Sidewinder

Trong trận không chiến ngày 28/9/1958, tiêm kích F-86 Đài Loan bám đuổi và phóng tên lửa AIM-9B vào một phi cơ MiG-17 Trung Quốc.

Quả đạn đâm thẳng vào chiếc MiG-17 nhưng không phát nổ, cho phép phi công trở về căn cứ an toàn với tên lửa còn nguyên ở đuôi. Kỹ thuật viên mặt đất tháo quả AIM-9B khỏi đuôi tiêm kích thành công, nhưng Bắc Kinh không biết làm gì với chiến lợi phẩm đặc biệt này.

Nắm được thông tin đó, Liên Xô tìm cách thuyết phục Trung Quốc giao lại quả AIM-9B. Sau quá trình đàm phán, tên lửa Sidewinder được chuyển tới Viện thiết kế Vympel của Liên Xô để nghiên cứu.

“Quả đạn Sidewinder giống như một trường đại học, tiết lộ nhiều công nghệ chế tạo cho chúng tôi. Nó giúp Liên Xô nâng cấp tài liệu giảng dạy kỹ thuật và thay đổi phương thức sản xuất tên lửa trong tương lai”, Gennadiy Sokolovskiy, sau này là kỹ sư trưởng của Vympel, tuyên bố.

Liên Xô sao chép mẫu AIM-9B và cho ra đời dòng tên lửa đối không K-13, đưa vào biên chế năm 1960. Phiên bản cải tiến K-13A ra đời năm 1962, trở thành tên lửa đối không tầm ngắn chủ lực của tiêm kích Liên Xô trong nhiều năm sau đó.

Tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger

Giữa thập niên 1980, Lầu Năm Góc quyết định trang bị tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) FIM-92 Stinger tối tân cho phiến quân Hồi giáo ở Afghanistan. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã cung cấp cho phiến quân ít nhất 250 ống phóng và 500 quả đạn Stinger.

Binh sĩ Liên Xô thử nghiệm tên lửa Stinger thu từ tay phiến quân. Ảnh: Sputnik.

Binh sĩ Liên Xô thử nghiệm tên lửa Stinger thu từ tay phiến quân. Ảnh: Sputnik.

Phiến quân Afghanistan đã gây nhiều thiệt hại cho không quân Liên Xô bằng loại tên lửa này, buộc Cơ quan Tình báo Quân đội Liên Xô (GRU) phải tung lực lượng đặc nhiệm vào chiến trường để thu giữ các tổ hợp FIM-92, sau đó mang về nước phân tích.

Sau khi thu được một số tên lửa Stinger, các kỹ sư Liên Xô đã phát triển hàng loạt biện pháp đối phó hiệu quả, giúp giảm đáng kể tổn thất do loại vũ khí này gây ra.

Xe thiết giáp Humvee

Ngày 8/8/2008, Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Nam Ossetia, khiến 12 binh sĩ gìn giữ hòa bình Nga tại đây thiệt mạng.

Xe Humvee bị quân đội Nga thu giữ sau cuộc chiến Nam Ossetia. Ảnh: Pinterest.

Xe Humvee bị quân đội Nga thu giữ sau cuộc chiến Nam Ossetia. Ảnh: Pinterest.

Bộ Quốc phòng Nga sau đó điều hàng loạt đơn vị quân đội tiến vào Nam Ossetia để đáp trả. Trong cuộc chiến chớp nhoáng này, Moskva đã thu giữ 5 xe thiết giáp Humvee do Mỹ chuyển giao cho Gruzia, được trang bị hệ thống điện tử tối tân cùng thiết bị liên lạc mã hóa chuẩn NATO. Washington nhiều lần yêu cầu Moskva trao trả những xe thiết giáp này nhưng đều bị từ chối.

Tên lửa Tomahawk

Liên quân Mỹ, Anh, Pháp hôm 14/4 phóng 105 tên lửa hành trình vào các cơ sở được cho là nơi sản xuất vũ khí hoá học của Syria ở Damascus và Homs, nhằm đáp trả cáo buộc nước này sử dụng vũ khí hoá học nhằm vào dân thường. Quân đội Syria sau đó phát hiện hai tên lửa Tomahawk thuộc biến thể Block IV mới nhất của Mỹ chưa phát nổ và nhanh chóng chuyển giao chúng cho Nga.

“Nhờ hai quả đạn này, chúng tôi có thể hiểu rõ cơ chế liên lạc, hệ thống điều khiển, dẫn đường và tầm bắn, cũng như các thông số kỹ chiến thuật để phát triển những biện pháp đối phó hiệu quả hơn trong các cuộc chiến tương lai”, đại diện KRET nhấn mạnh.

Duy Sơn

Theo : vnexpress.net

[elementor-template id=”16904″]

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…