Những Hoài Nghi Về Thỏa Thuận Một Phần Của Mỹ – Trung
Kết thúc cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung diễn ra vào ngày 11/10, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết một trong những thoả thuận đạt được là hằng năm, Trung Quốc sẽ mua lượng lớn nông sản Mỹ giá trị 40-50 tỷ USD (kéo dài trong hai năm).
Nếu thoả thuận này được thông qua, đó sẽ là tin vui cho nông dân Mỹ, những người đã phải chịu thiệt hại lớn từ cuộc chiến thương mại khi mất đi thị trường tiêu thụ lớn đậu nành, thịt lợn và những đòn trả đũa thuế quan. Vào thứ sáu, Tổng thống Trump lạc quan nói rằng nông dân Mỹ nên mua thêm đất và máy kéo để đáp ứng năng lực sản xuất trong thời gian tới.
Theo giới thạo tin, vào đầu tuần, các quan chức Trung Quốc cũng đã thảo luận về việc mua hơn 30 triệu tấn đậu tương của Mỹ. Trước khi chiến tranh thương mại xảy ra, trung bình mỗi năm Trung Quốc mua vào 30 – 35 triệu tấn đậu nành. Trung Quốc đang là nước tiêu thụ đậu nành, thịt lợn và bông lớn nhất thế giới. Xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ sang Trung Quốc khoảng 19,5 tỷ USD trong năm 2017, theo dữ liệu chính phủ.
“Đây là một tin tốt đối với hàng hoá nói chung. Tuy nhiên chưa có những thông tin cụ thể, có khả năng sửa đổi điểu khoản hoặc đây là ‘ván bài’ trong cuộc chiến thương mại”, Murilo Aguiar, nhà phân tích hàng hóa của INTL FCStone tại Sao Paulo cho biết. Những người quan sát cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải biết chắc chắn khối lượng hàng hoá Trung Quốc cam kết mua vào.
Bên cạnh thoả thuận về nông nghiệp, Trung Quốc cũng đồng ý một số biện pháp về quyền sở hữu trí tuệ và có những nhượng bộ liên quan đến dịch vụ tài chính và tiền tệ. Đổi lại, Mỹ cho biết sẽ hoãn đợt tăng thuế mới dự kiến có hiệu lực kể từ tuần tới. Tuy nhiên Mỹ chưa có quyết định hoãn đợt tăng thuế dự kiến áp dụng vào tháng 12.
Tổng thống Donald Trump cho biết đây mới chỉ là trao đổi giữa hai bên và có thể mất tới 5 tuần để kết thúc giai đoạn một của đàm phán. Trump kỳ vọng ký thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi họ tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương vào giữa tháng 11.
Bloomberg nhận định, ngay cả khi mọi chuyện diễn ra theo đúng hướng Trump vạch ra, thoả thuận chính thức có thể có phạm vi nhỏ hơn nhiều so với những gì Trump đang hình dung.
Khác với giọng điệu lạc quan của Trump, tờ People’s Daily, phát ngôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc báo cáo về cuộc đàm phán rằng Bắc Kinh đã bảo vệ lợi ích cốt lõi và không bao giờ đánh đổi các nguyên tắc của mình. Trong các bài viết của Xinhua, hãng thông tấn chính thức của chính phủ Trung Quốc cũng không đề cập tới các thỏa thuận cụ thể hay khả năng Washington và Bắc Kinh sẽ ký thỏa thuận trong những tuần sắp tới.
Xinhua cho rằng các vòng đàm phán vừa qua đã mang đến những “tiến bộ hợp lý, thực dụng” và giúp ngăn chặn xung đột thương mại leo thang. Tuy nhiên, hãng thông tấn nhận định vẫn tồn tại sự không chắc chắn trong nhiều vấn đề tranh cãi. “Cuộc thảo luận của hai bên trung thực, hiệu quả và mang tính xây dựng về kinh tế cũng như các vấn đề thương mại. Hai nước có những thảo luận đáng kể về nông nghiệp, quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ, tỷ giá hối đoái, dịch vụ tài chính, mở rộng hợp tác thương mại, chuyển giao công nghệ và giải quyết tranh chấp”, bài viết trên Xinhua cho hay.
Bloomberg nhận định, những thông tin từ cuộc đàm phán có thể làm dịu thị trường, giảm nỗi lo về cuộc suy thoái kinh tế Mỹ và toàn cầu xuất phát từ chiến tranh thuơng mại. Tuy nhiên, Eswar Prasad, cựu lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế Trung Quốc tại Đại học Cornell, cho biết, thỏa thuận này hầu như không giải quyết được bất kỳ nguyên nhân gốc rễ nào của xung đột kinh tế và thương mại giữa hai nước.
Chuyên gia kinh tế của Bloomberg cũng hoài nghi liệu thoả thuận một phần này sẽ được thực hiện hay không. Phải mất ba đến năm tuần để hoàn thiện thoả thuận đợt một, trong khi các cuộc đàm phán trong quá khứ đã bị phá vỡ trong thời gian ngắn hơn thế.
Bizc.vn