Những điều cần biết về Hapro – Tổng công ty đầu tiên của Hà Nội trước thềm IPO

Nhiều người biết đến Hapro với hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích HaproMart hay hệ thống thực phẩm an toàn HaproFood…nhưng ít người biết hoạt động xuất khẩu mới là mảng mang lại doanh thu chủ yếu cho Hapro.

Ngày 30/3 tới đây, Công ty mẹ – Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) sẽ bán đấu giá gần 76 triệu cổ phần tương đương 34,51% vốn điều lệ ra công chúng, thực hiện cổ phần hóa một thương hiệu lâu năm trong ngành thương mại. Vốn điều lệ dự kiến của công ty sau cổ phần hóa là 2.200 tỷ đồng và Nhà nước sẽ không còn nắm giữ cổ phần của công ty.

Đây là đợt IPO được cộng đồng nhà đầu tư quan tâm lớn bởi Hapro là tổng công ty đầu tiên của Thành phố Hà Nội thực hiện cổ phần hóa và ngành nghề Hapro hoạt động đang có sự tăng trưởng mấy năm trở lại đây. Dưới đây là những điểm nhà đầu tư cần biết trước thềm IPO tổng công ty này.

Hapro có 3 mảng kinh doanh chính, xuất nhập khẩu đóng vai trò chủ lực

Nhiều người biết đến Hapro với hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích HaproMart hay hệ thống thực phẩm an toàn HaproFood…nhưng ít người biết hoạt động xuất khẩu mới là mảng mang lại doanh thu chủ yếu cho Hapro. Nhiều năm liền, Hapro nằm trong số các doanh nghiệp dẫn đầu cả nước về xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như hạt điều, hạt tiêu,…

Năm 2017, Công ty mẹ Hapro đạt tổng doanh thu gần 4.000 tỷ đồng trong đó kim ngạch xuất khẩu lên đến 90 triệu USD. Doanh thu từ hoạt động xuất khẩu chiếm tới 70% tổng doanh thu của Công ty mẹ.

Nhờ lợi thế đi đầu trong hoạt động thương mại nói chung và hoạt động xuất khẩu nói riêng, Hapro đã giúp hàng hóa Việt xuất khẩu tới 70 nước và khu vực trên thế giới như Mỹ, Hà Lan, Canada (với mặt hàng hạt điều), Philippine, Trung Quốc (với mặt hàng gạo), một số nước Trung Đông, UAE, Hàn Quốc (với mặt hàng tiêu và cà phê).

Tiếp đến là mảng Thương mại nội địa. Hapro hiện đang quản lý hệ thống Trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, kinh doanh hàng miễn thuế, cung cấp dịch vụ ăn uống, lữ hành, kho vận…với các thương hiệu như Hapromart, Haprofood…

Mảng cuối cùng là Thương mại nội địa và Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại. Hapro kinh doanh văn phòng cho thuê, chợ đầu mối, trung tâm phân phối dự trữ hàng hóa logistic.

Doanh thu, lợi nhuận dự kiến tăng mạnh sau cổ phần hóa

Giai đoạn từ 2014 đến 2017, Công ty mẹ Hapro đều đặn đạt trên 3.200 tỷ đồng doanh thu mỗi năm trong bối cảnh ngành thương mại phát triển bùng nổ, cạnh tranh gay gắt. Lợi nhuận sau thuế 3 năm qua lần lượt đạt 9,5 tỷ đồng, 40,9 tỷ đồng và 13,4 tỷ đồng.

Theo chia sẻ của Hapro, sự cạnh tranh mạnh mẽ trong ngành thương mại những năm gần đây khiến công ty phải kinh doanh với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khá thấp để giữ vững thị phần nhưng tình trạng này sẽ được cải thiện đáng kể sau cổ phần hóa. Theo kế hoạch thì con số doanh thu, lợi nhuận sau cổ phần hóa sẽ tăng mạnh mẽ.

Hơn 40 công ty con, công ty thành viên và công ty có vốn góp của Hapro bổ trợ lẫn nhau tạo thành hệ sinh thái sản xuất-thương mại khép kín

Khác với những công ty thương mại “sinh sau đẻ muộn” sau này, Hapro có hệ thống công ty con, công ty thành viên, công ty có vốn góp của Hapro. Những công ty này hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng bổ trợ nhau trong hệ sinh thái từ sản xuất đến thương mại khép kín.

Hiện nay Hapro có 10 công ty con, 20 công ty thành viên liên kết và có đầu tư góp vốn tại 11 công ty khác. Một số công ty sản xuất các mặt hàng mà công ty đang tiêu thụ nội địa, xuất khẩu nhiều như: hạt điều, gạo, hàng thủ công mỹ nghệ, gỗ, lục bình trang trí nội thất, gốm Chu Đậu, vang Thăng Long,…Một số khác cung ứng dịch vụ phục vụ cho chuỗi nhà hàng ăn uống, cà phê giải khát, …Ngoài ra còn có các công ty kinh doanh dịch vụ logistics, kho vận…

Nhờ chủ động được một phần lớn nguồn hàng từ hoạt động sản xuất của các công ty con, công ty thành viên nên Hapro đạt được lợi thế về sự đa dạng hàng hóa và giá cả cạnh tranh khi hoạt động thương mại. Ngược lại, với vai trò công ty mẹ, Hapro cũng mang lại những giải pháp cho các công ty con trong việc giải quyết những bài toán lớn mà từng công ty riêng rẽ một sẽ khó lòng giải quyết như: quảng bá thương hiệu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, vận hành hệ thống logistics, liên kết với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để thực hiện bán hàng thông qua các hình thức tín dụng phù hợp cho tiêu dùng cá nhân…

Sở hữu lợi thế về địa điểm, mặt bằng kinh doanh thương mại; Hình ảnh thương hiệu Hapro hiện diện tại Hà Nội

Khi nhắc đến Hapro, nhiều người đã nhớ được luôn nhận diện thương hiệu này. Điều này có được một phần nhờ Hapro là một trong số rất ít công ty thương mại lớn đầu tiên của miền Bắc và nhiều người nhắc đến thương mại là nhớ đến Hapro cũng như nhắc đến mì tôm là nghĩ về Miliket hay nói đến sữa là nghĩ đến Vinamilk.

Sự hiện diện mười mấy năm của Hapro trên các tuyến đường trọng điểm của Hà Nội cũng như một số thành phố lân cận giúp thương hiệu Hapro khá thân thuộc với người dân miền Bắc.

Theo bản công bố thông tin của Hapro, trước cổ phần hóa, Hapro đang quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà, đất. Sau cổ phần hóa Hapro tiếp tục quản lý sử dụng 114 cơ sở nhà đất, trong đó cơ sở nhà đất tại thành phố Hà Nội là 96 địa điểm và cơ sở nhà đất tại các tỉnh/thành phố khác là 18 địa điểm để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phương Chi

Theo Trí thức trẻ

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…