Nhiều ý kiến về nhà ga ngầm khu vực hồ Hoàn Kiếm
Ngày 9/3, Hà Nội bắt trưng bày mô hình tổng mặt bằng ga ngầm C9 nằm cạnh hồ Hoàn Kiếm, thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo để lấy ý kiến nhân dân.
Ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, việc đưa ra trưng bày công khai phương án xây dựng ga ngầm C9 là một trong những bước quan trọng để tìm sự đồng thuận của người dân, nhằm sớm hoàn thiện phương án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Những hình ảnh của ga ngầm C9 đã ngay lập tức thu hút rất đông người dân đến tìm hiểu, trong đó có cả các chuyên gia giao thông, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa.
Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cũng đã đến buổi trưng bày và ghi ý kiến đóng góp với tư cách vừa là nhà Sử học, vừa là Công dân ưu tú của Thủ đô, một người Hà Nội gốc, sinh ra và lớn lên ở ngay cạnh Hồ Gươm.
GS Lan chia sẻ, tôi đã vào cuộc ngay từ đầu để tham gia góp ý cho phương án xây dựng ga ngầm C9. Đến nay phương án có thể nói đã là tối ưu nhất. Cái cần bay giờ là phải tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và đồng thuận.
Về phía người dân, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn rằng cảnh quan khu vực này sẽ thế nào? Nhìn vào bản thiết kế thì tôi đồng ý nhưng từ lý thuyết đến làm thật thì không biết ra sao? Tuy nhiên mong mỏi duy nhất của họ là mong việc đi lại của người dân được thuận tiện, vệ sinh môi trường sạch sẽ không còn cảnh ùn tắc nữa”.
Anh Trần Văn Vương, Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy cho rằng, việc phát triển đô thị là điều rất cần. Tuy nhiên với nhịp sống đô thị ở Hà Nội thì cũng rất cần một không gian tĩnh lặng để người dân tận hưởng cuộc sống, và không nơi nào thích hợp hơn khu vực hồ Gươm- trái tim của thủ đô. Việc xây dựng nhà ga tại đây có thể dẫn tới những áp lực mới về giao thông, làm khu vực này trở nên ồn ào và náo nhiệt hơn. Điều đó chưa thực sự hợp lý.
Ý kiến của chuyên gia giao thông, Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho rằng, hồ Hoàn Kiếm là linh hồn, là trung tâm của Hà Nội, do vậy việc đặt ga tàu điện ngầm ở đó là hợp lý song cần lưu ý việc xây ga tàu điện ngầm cần lưu ý không nên để ảnh hưởng tới công viên sát bờ hồ.
Cũng theo ông Thủy cho biết thêm, việc đặt ga tàu điện ngầm ở đây sẽ tăng thêm lượng người từ các khu vực lân cận đến hồ Hoàn Kiếm chứ không phải riêng những người sống ở trung tâm TP.
Được biết, ga ngầm C9, tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, được đề xuất đặt tại vị trí Km9 + 864,645, trong khu vực khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm. Thân ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phần dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm có kích thước dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga).
Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10m; tới tượng đài tưởng niệm Cảm tử quân khoảng 81m; tới đền Bà Kiệu khoảng 83m; tới Tháp Bút khoảng 36m; tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ khoảng 120m.
Theo D.Ngân
Hải quan