Nhiều “ông lớn” tài chính toàn cầu chịu thiệt hại nặng nề vì bê bối khai khống doanh thu của Luckin Coffee
Ba ngân hàng Credit Suisse, Morgan Stanley, Barclay cùng hàng loạt quỹ đầu tư tài chính tên tuổi đã phải gánh chịu tổn thất vô cùng nặng nề sau khi giá cổ phiếu của Luckin Coffee – chuỗi cà phê được mệnh danh là Starbucks của Trung Quốc trượt dốc không phanh vì bê bối khai khống doanh số.
Trước khi vụ bê bối này xảy ra, ông Lu Zhengyao – nhà sáng lập tỷ phú của Luckin Coffee vốn là khách hàng VIP của ngân hàng Credit Suisse. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Luckin vào tháng 3/2020 thực sự là đón chí mạng đối với nhiều “ông lớn” tài chính toàn cầu. Tất cả họ đều bị lừa trắng trợn và thiệt hại nặng nề nhất không ai khác ngoài Credit Suisse bởi họ chính là ngân hàng dẫn đầu trong nhóm bảo lãnh cho vụ IPO của Luckin vào năm ngoái ở New York. Đây cũng là đơn vị nhận tới 60% trong tổng chi phí mà Luckin phải trả cho các ngân hàng. Khi bê bối khai khống doanh thu của Luckin nổ ra, cổ phiếu của chuỗi cà phê này sụt giảm tới 91%. Từ bài học đau đớn này, Credit Suisse đang tiến hành một cuộc điều tra nội bộ và siết chặt hơn các khoản vay đối với các startup Trung Quốc vốn đang nở rộ như nấm sau mưa.
Mặc dù hiện tại Lu Zhengyao vẫn chưa bị cáo buộc bất kỳ tội danh nào nhưng một báo cáo điều tra tiết lộ các lãnh đạo cấp cao của Luckin đã thổi phồng doanh thu năm 2019 của công ty lên con số 310 triệu USD. Đây thực sự là một thông tin gây sốc với giới kinh doanh toàn cầu và qua đó cũng phần nào cho thấy rủi ro mà các ngân hàng phải đối mặt khi thực hiện các thỏa thuận đầu tư tại Trung Quốc.
Bao lâu nay nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn luôn là thị trường chủ lực trong chiến lược của Credit Suisse để giành lấy những khách hàng VIP vốn là các doanh nhân giàu có trên khắp châu Á. Điều đáng nói ở đây, Credit Suisse không phải nạn nhân duy nhất trong vụ bê bối của Luckin mà còn có cả “gã khổng lồ” đầu tư toàn cầu GIC, Quỹ đầu tư nhà nước Singapore, 2 ngân hàng Morgan Stanley và Barclay. Tất cả các “ông lớn” trong ngành tài chính này đều có nguy cơ đối mặt với vụ kiện từ các nhà đầu tư sau khi giá cổ phiếu của Luckin lao dốc tới 91%, chỉ còn 4,39 USD/cổ phiếu so với con số 51,38 USD/ cổ phiếu -mức cao nhất hồi tháng 1/2020. Trong khi đó trái phiếu chuyển đổi công ty cũng giao dịch ở mức thấp kỷ lục chỉ 24 cent. Hiện cổ phiếu Luckin vẫn bị ngưng giao dịch để chờ kiểm tra.
Trước đó Helman Sitohang – người đứng đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương của Credit Suisse từng ca ngợi tỷ phú Lu Zhengyao như là một trong những điển hình thành công của ngân hàng này. Lu khởi nghiệp thành công với Car Inc vào năm 2007 và biến nó thành công ty cho thuê lớn nhất Trung Quốc. Credit Suisse cũng là đơn vị bảo lãnh cho công ty này IPO vào năm 2014 cùng với việc trở thành tư vấn cho 3 vụ bán trái phiếu ở Mỹ tổng trị giá lên tới 1,2 tỷ USD.
Riêng Luckin được thành lập vào năm 2017 tại Bắc Kinh và nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những chuỗi cà phê lớn nhất Trung Quốc với 4.507 cửa hàng trên toàn quốc vào tháng 1/2020, vượt qua con số 4.121 của Starbucks tại quốc gia này. Có thời điểm Luckin trở nên đặc biệt thu hút với các nhà đầu tư khi cổ phiếu tăng gấp 3 lần chỉ sau 8 tháng bắt đầu giao dịch. Chủ tịch Lu Zhengyao không giấu tham vọng sẽ hạ gục Starbucks ở Trung Quốc và mở rộng Luckin thành đối thủ đáng gờm.
Khi scandal của Luckin bị vỡ lỡ, Credit Suisse vẫn tiếp tục kinh doanh dù sẽ phải gánh chịu thiệt hại trong ngắn hạn vì chuỗi cà phê đình đám này. Đây được xem như một bài học kinh doanh khá đắt đỏ cho Credit Suisse về sau này.
Theo BizC.vn