Nhiều ngân hàng vẫn thận trọng với 2018
Bên cạnh không ít ngân hàng mạnh dạn lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 30 – 50%, thì cũng có ngân hàng cẩn trọng với mục tiêu tăng dưới 25%, thậm chí không có thay đổi dù các năm trước liên tục lãi vượt xa kế hoạch.
Tại ĐHĐCĐ thường niên của VPBank, Tổng giám đốc ngân hàng ông Nguyễn Đức Vinh cho biết VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay là 10.800 tỷ đồng, tăng 33% so với con số năm 2017 (8.126 tỷ). Tuy 33% là khá cao so với mặt bằng các ngân hàng khác nhưng vẫn thấp hơn mức tăng mà VPBank đạt được trong 3 năm trở lại đây, như năm ngoái tăng tới 65%.
Mới công bố gần đây, MB sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2018 trong đó đặt mục tiêu lợi nhuân trước thuế là 6.800 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2017, riêng ngân hàng mẹ là 6.500 tỷ đồng. MB cho biết sẽ đặt nhiều kỳ vọng vào các công ty thành viên. Trong đó, riêng MCredit đặt mục tiêu lãi 300 tỷ đồng, còn mảng bảo hiểm dự kiến có doanh thu gần 1.200 tỷ trong năm nay.
Còn VIB thì cho biết năm 2017 đạt được nhiều kết quả ấn tượng khi lợi nhuận trước thuế mà ngân hàng này đạt được là 1.405 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2016 và đạt 187% kế hoạch ĐHĐCĐ giao. Năm 2018, ngân hàng này đạt mục tiêu lãi trước thếu tăng 43%, đạt 2.005 tỷ đồng.
Ngân hàng thận trọng hơn có thể kể đến LienVietPostBank khi mục tiêu cho năm 2018 khá khiêm tốn. Năm 2017, ngân hàng này đã đạt được 1.768 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 31% so với năm 2016 và đạt 118% so với kế hoạch. Thế nhưng năm 2018, dự kiến lãi trước thuế của LPB chỉ tăng thêm 32 tỷ đồng (tức chưa đến 2%), đạt 1.800 tỷ đồng.
Kế hoạch mà LienVietPostBank đặt ra khá bất ngờ bởi không ít người kỳ vọng cao hơn thế, như VNDirect dự báo lãi trước thuế của LPB có thể vượt 2.200 tỷ, VietinBankSc thì dự kiến lãi sau thuế của ngân hàng này ở mức 1.893 tỷ đồng (tăng 38% so với năm 2017).
Techcombank đặt ra mục tiêu 10.000 tỷ lãi trước thuế (tăng 24%) cho năm nay là con số đáng mơ ước của bao nhiêu ngân hàng. Tuy nhiên xét về tốc độ tăng trưởng thì vẫn còn thấp so với thực tế mà ngân hàng này đạt được vài năm qua: năm 2017 lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi, năm 2016 tăng 96%, năm 2015 tăng 44% so với năm liền trước. Năm ngoái, ngân hàng này cũng chỉ dám đề ra mức tăng trưởng 26% đạt 5.020 tỷ đồng, mà thực tế thì tăng gấp đôi đạt tới hơn 8.000 tỷ.
Thực tế nhiều ngân hàng thận trọng trong kế hoạch kinh doanh so với thực tế không phải hiếm. Nhiều cổ đông nói vui rằng không biết đó là cẩn thận, “giấu bài” hay …công tác lên kế hoạch kinh doanh có vấn đề?
Dù thế nào thì việc cứ hàng năm lại báo lãi vượt kế hoạch cũng là điều phấn khởi. Và chuyện các nhà băng lên kế hoạch lãi có người mạnh dạn, kẻ dè dặt cũng bởi mỗi ngân hàng có đặc điểm, điều kiện và tính toán riêng.
Khác nhau ở con số, song xu hướng kinh doanh được nhiều ngân hàng cho biết sẽ tâp trung trong những năm tới là việc gia tăng tỷ trọng bán lẻ và đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ, hợp tác bảo hiểm,…bởi phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng sẽ đi kèm nhiều rủi ro.
Đến nay, vẫn còn nhiều ngân hàng tuy chưa công bố kế hoạch cho năm 2018 nhưng đã được thị trường kỳ vọng cao. Điều kiện khá thuận lợi cho họ là đã tất toán được nhiều trái phiếu từ bán nợ xấu cho VAMC, do đó, gánh nặng trích lập dự phòng trong năm 2018 sẽ nhẹ đi rất nhiều, đồng thời còn có điều kiện hoàn nhập dự phòng và tăng lợi nhuận.
Hải Vân
Theo Trí thức trẻ