Người Việt ở nước ngoài nên về hay không về để phòng tránh dịch COVID- 19?
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cần tỉnh táo, cân nhắc sáng suốt về việc có nên về nước thời điểm này hay không.
Trong vài ngày qua, có hàng nghìn người Việt Nam ở nước ngoài về nước với nhiều lý do khác nhau như: tâm lý về nhà an toàn và yên tâm; do nhiều trường học, ký túc xá đóng cửa; nhiều lao động kết thúc hợp đồng; hết hạn thị thực…
Việc về hay ở là quyền lựa chọn của mỗi người, mỗi gia đình nhưng thiết nghĩ, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trước hết cần tuân thủ nghiêm túc các quy định của sở tại, khuyến cáo của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Mặt khác, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cần cân nhắc kỹ có thực sự cần thiết về nước thời điểm này hay không vì những lý do sau:
Thứ nhất, theo ghi nhận của các cơ quan đại diện và các hội đoàn người Việt ở nước ngoài, hiện chỉ có rất ít người Việt bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Các nước đang hết sức nỗ lực phòng chống dịch, nhiều nước miễn phí xét nghiệm, điều trị cho những người bị lây nhiễm. Một số sinh viên bị lây nhiễm, sau khi tuân thủ các biện pháp y tế và điều trị tại nhà, đã khỏi bệnh.
Thứ hai, trong quá trình di chuyển về Việt Nam bằng phương tiện công cộng, tại sân bay, trên máy bay là những nơi nguy cơ bị lây nhiễm cao nhất. Trong khi phải tiêu hao rất nhiều năng lượng do lịch trình di chuyển dài, thiếu ngủ, ăn uống không đảm bảo, sức đề kháng, khả năng miễn dịch của cơ thể sút giảm, tạo điều kiện để virus thâm nhập cơ thể dễ dàng. Trong các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Việt Nam hiện nay phần lớn là người Việt từ nước ngoài về, nhiều khả năng bị lây nhiễm trong quá trình di chuyển.
Thứ ba, khi đã bị lây nhiễm trên các chuyến bay, dù chỉ một người sẽ kéo theo cả hàng trăm con người ở trong nước phải làm việc ngày đêm để truy vết các hành khách khác, tiến hành cách ly và áp dụng các biện pháp y tế. Thậm chí cả một xã, một ngôi làng, một khu phố bị cô lập như Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Văn Lâm (Ninh Thuận), Trúc Bạch (Hà Nội) hay một khu dân cư ở Quận 8 (TP. Hồ Chí Minh).
Thứ tư, hiện hầu hết quốc gia có dịch đều thực hiện các biện pháp y tế nghiêm ngặt, đóng cửa biên giới, hạn chế hoặc dừng các chuyến bay quốc tế. Nhiều hãng hàng không đột ngột huỷ chuyến mà không thông báo trước, dẫn đến việc hàng trăm người Việt bị kẹt tại nhiều sân bay, hoặc phải bay nối chuyến qua nhiều địa điểm khác nhau. Điều này đã gây tâm lý căng thẳng, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của nhiều hành khách.
Thứ năm, những ngày qua, hàng vạn người Việt đã về nước, gây quá tải ở nhiều điểm cách ly. Nguy cơ gây nhiễm chéo tại những điểm cách ly cũng rất cao, trong khi nguồn lực y tế của đất nước có hạn. Trong trường hợp lây nhiễm diện rộng, hệ thống các cơ sở điều trị chắc chắn bị quá tải, tình hình sẽ diễn biến xấu giống như nhiều quốc gia đang phải đối mặt.
Thứ sáu, trong nỗ lực phòng và ngăn chặn dịch Covid-19, hàng chục nghìn bộ đội, y bác sỹ, nhân viên y tế, hàng trăm tiếp viên hàng không và hàng nghìn những con người khác đang làm việc tại các cửa khẩu phải “oằn mình” cả đêm ngày để mang lại bình yên cho cộng đồng. Việc người dân hạn chế di chuyển cũng là cách giúp vơi đi khó khăn, vất vả cho nhiều người.
Tóm lại, chúng ta cần tỉnh táo, cân nhắc sáng suốt để có những quyết định đúng đắn nhất. Đó cũng là cách đóng góp tích cực cho cộng đồng trong nỗ lực phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nếu về nước, người Việt Nam ở nước ngoài cần tuân thủ nghiêm túc các quy định của Việt Nam về phòng chống dịch, hợp tác và chia sẻ với người dân trong nước để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo BizC.vn