Người Mỹ ghét ‘virus Vũ Hán’, dân gốc Á bị vạ lây
Chưa bao giờ người Mỹ gốc Á bị kỳ thị, quấy rối và lăng nhục nhiều như khoảng thời gian dịch COVID-19 hoành hành. Truyền thông Mỹ những ngày qua đã liên tục lên tiếng cảnh báo.
Cô Kiwi Wongpeng dừng xe chờ đèn đỏ ở một ngã tư thuộc khu ngoại ô thành phố Cleveland, bang Ohio thì bỗng một chiếc bán tải tiến tới bên cạnh, người tài xế ra dấu cho cô kéo cửa kính xuống. Cô chưa hiểu chuyện gì thì hắn đã tuôn một tràng: “Cút khỏi đất nước của tao, đây là lệnh! Tao sẽ giết mày”.
Câu chuyện trên là một trong hàng ngàn hành động phân biệt người gốc Á xảy ra ở Mỹ trong năm vừa qua được báo Los Angeles Times dẫn lại. Bức tranh đằng sau có thể còn tệ hơn.
Vì đâu nên nỗi?
Gia đình cô Wongpeng rời Thái Lan đến Mỹ cách đây 20 năm, họ mở một nhà hàng chuyên món Thái. Người phụ nữ 34 tuổi không xa lạ gì với nạn kỳ thị chủng tộc ở Mỹ, nhưng cô chưa bao giờ nghe lời lẽ nào trực tiếp và bạo lực như vụ việc hồi tháng 4-2020, thời điểm mà nhiều thành phố của Mỹ đang phong tỏa do dịch COVID-19.
Cô Wongpeng tin rằng gã tài xế thô lỗ hẳn đã nhầm cô với người gốc Hoa, hắn đổ lỗi cho cô mang con virus đến Mỹ vì ổ dịch COVID-19 lớn đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. “Tôi sợ không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng của tôi và người gốc Á trên khắp nước Mỹ” – cô tâm sự.
Trong năm 2020, Tổ chức Stop AAPI Hate thống kê được hơn 2.800 hành động/tội ác chống người gốc Á dưới nhiều hình thức khác nhau, ví dụ bị lăng nhục, đe dọa (như với cô Wongpeng), bị tẩy chay ở nơi làm việc, bị tấn công gây thương tích… Riêng số liệu của Cục Điều tra liên bang (FBI) chưa được công bố.
Giới quan sát nhận xét sự gia tăng kiểu tội ác này rõ ràng liên quan đến dịch COVID-19, khởi đầu với việc nhiều người tin virus có nguồn gốc Trung Quốc, mở rộng thêm là mối đe dọa kinh tế – chính trị nước này phủ bóng lên Mỹ.
Cựu tổng thống Donald Trump từng công khai dùng từ “virus Vũ Hán” và chỉ trích những ai dám phê bình ông kích động tâm lý chống người châu Á. Hậu quả có thể thấy rõ, một khảo sát gần đây của Trung tâm nghiên cứu Pew (Washington D.C) ghi nhận tâm lý bài Trung Quốc ở Mỹ đã chạm mức cao nhất trong gần 20 năm qua.
Bà Manjusha Kulkarni, giám đốc Tổ chức Hội đồng kế hoạch và chính sách châu Á – Thái Bình Dương, chia sẻ thêm: “Trong một phân tích gần đây, chúng tôi phát hiện 1/4 kẻ thủ ác dùng từ ngữ như ông Trump, như virus Vũ Hán, virus Trung Quốc, Kung-flu (một cách chơi chữ ghép giữa tên môn võ Trung Quốc và bệnh cúm)… Những người này muốn nhắm đến người gốc Hoa nhưng họ không phân biệt được dân châu Á với nhau”.
Định kiến bị thổi bùng
Những tháng đầu năm 2021, một loạt vụ tấn công nhắm vào người cao tuổi gốc Á ở Mỹ càng hướng sự chú ý của dư luận vào vấn đề này. Kỳ thị chủng tộc đã không còn mặc định là “người da màu” hay “người gốc Latin”.
Theo trang Vox, mặc dù giai đoạn dịch bệnh và một số yếu tố khác đã đẩy tâm lý kỳ thị chủng tộc lên cao, định kiến với người Mỹ gốc Á thật ra đã có từ rất lâu – từ thời những di dân đầu tiên đặt chân đến Mỹ cách đây nhiều thế hệ.
Theo giáo sư Janelle Wong – Đại học Maryland, quan niệm “mãi mãi là người nước ngoài” gắn liền với dân gốc Á lâu đến mức đã bén rễ trong xã hội Mỹ. Ở góc nhìn này, người ta mặc định dân châu Á không bao giờ hòa nhập được xã hội Mỹ, “bệnh tật” hay “thức ăn kỳ dị” (của dân châu Á) cũng là những định kiến cũ trỗi dậy trong đại dịch COVID-19.
Tất nhiên, nhận thức và luật pháp của nước Mỹ ngày nay khác xa với 100 năm trước.
Cách đây vài tuần, một nhóm nghị sĩ Dân chủ đại diện cho cử tri gốc Á, Phi và Mỹ Latin đồng thanh lên án làn sóng bạo lực nhắm vào người gốc Á. “Tất cả chúng tôi sát cánh cùng cộng đồng Mỹ gốc Á cho đến khi đặt dấu chấm hết cho tai ương này” – họ tuyên bố.
Và mới cuối tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ tổ chức một buổi lắng nghe các đại diện cộng đồng gốc Á – đảo Thái Bình Dương và cam kết sẽ giải quyết tình trạng tội ác chủng tộc. “Không ai sống ở Mỹ phải lo sợ bạo lực chỉ vì họ là ai, họ trông ra sao và nguồn gốc xuất thân gia đình đến từ đâu” – Thứ trưởng Tư pháp John Carlin nhấn mạnh.
Trong mất mát và đau khổ của giai đoạn đầy biến động này, ít nhất người gốc Á nói riêng và tất cả sắc tộc ở Mỹ nói chung vẫn còn có thể nuôi dưỡng chút niềm tin và hi vọng.
Theo Tuổi Trẻ