Người dân Anh kêu gọi Thủ tướng ban lệnh cấm ăn thịt chó
Những người vận động lệnh cấm lo ngại rằng ngày càng nhiều người tại châu Âu có thói quen ăn thịt chó.
Pháp luật tại Anh quy định người dân không được phép mua bán chó, nhưng nếu ai đó thực hiện cái chết nhân đạo với con chó của mình, họ có thể ăn thịt nó.
Tuy nhiên, nhiều người đã kêu gọi chính phủ Anh cấm điều này, trong số đó có tiến sĩ Lisa Cameron, nghị sĩ của Đảng Quốc gia Scotland. Bà Cameron cho biết, nhu cầu tiêu thụ thịt chó tại Anh có xu hướng gia tăng. Nữ nghị sĩ tin rằng công chúng “có lý lẽ đúng đắn khi kêu gọi luật pháp cấm thịt chó”.
Trả lời BBC, bà Cameron mong muốn lệnh cấm được thông qua nhanh chóng: “Tôi không thể tưởng tượng nổi có bất kỳ đảng nào trong quốc hội phản đối điều đó”.
Alan Duncan, nghị sĩ Đảng Bảo thủ Anh, cũng nhận định trên Sun rằng cấm thịt chó là quyết định hoàn toàn đúng đắn.
Những con chó được tiêu thụ trong lễ hội Yulin tại Trung Quốc. Ảnh: EPA. |
Tại nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Thái Lan, Campuchia, Lào, Philippines, Ấn Độ và Việt Nam, người dân có thói quen ăn thịt chó. Tục lệ này cũng tồn tại ở Thụy Sĩ dù không phổ biến.
Những tổ chức bảo vệ động vật cho rằng một số con chó bị giết thịt là thú cưng bị bắt trộm, nhốt trong điều kiện tồi tệ và bị tra tấn trước khi chết.
Phản hồi về phát biểu của nghị sĩ Cameron, đại diện Liên minh bảo vệ chó thế giới (WDA) nói rằng họ không rõ liệu người Anh có ăn thịt loại động vật này hay không, nhưng vẫn ủng hộ lệnh cấm.
Kike Yuen là giám đốc dự án của WDA tại Hong Kong, nơi diễn ra nhiều chiến dịch kêu gọi luật pháp thế giới ban lệnh cấm thịt chó. Tổ chức này đã vận động hành lang để điều luật tương tự được thông qua tại Mỹ. Quốc hội Mỹ đang cân nhắc đề xuất của tổ chức này.
Yuen nói: “Chúng tôi tác động tới luật pháp Mỹ bởi phát hiện ra một số người châu Á nhập cư tiêu thụ thịt chó. Chúng tôi lo ngại tình trạng này sẽ xảy ra tại Anh”.
Người phát ngôn chính thức của Thủ tướng Theresa May trả lời báo chí: “Kinh doanh thịt chó là hoạt động bất hợp pháp ở Anh. Anh là quốc gia của những người yêu động vật và chúng ta có những tiêu chuẩn phúc lợi cao nhất thế giới dành cho động vật. Chúng tôi mong muốn giữ vị thế đó”.
Tổ chức Nhân đạo Quốc tế (HSI) tuyên bố chưa có bằng chứng về hoạt động tiêu thụ thịt chó tại Anh. Họ đã thực hiện không ít cuộc vận động để chấm dứt hoạt động kinh doanh món ăn này tại Indonesia, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Wendy Higgins, đại diện HSI, cho biết, bà không muốn bất kỳ ai nghĩ rằng thịt chó đang được tiêu thụ tràn lan tại Anh và tình trạng này có liên quan đến người nhập cư từ châu Á.
Theo : vnexpress.net
[elementor-template id=”16904″]